Sỏi san hô là một dạng sỏi thận lớn có nhánh chiếm một phần hoặc toàn bộ các đài thận. Loại sỏi này có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và là một trong những nguyên nhân gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu tái diễn hoặc suy thận. Trước đây sỏi san hô thường được điều trị bằng phương pháp mổ mở, đây là phương pháp phẫu thuật xâm lấn, có nhiều nguy cơ như chảy máu, nhiễm khuẩn, ảnh hưởng đến chức năng thận sau này và gây mất thẩm mỹ do vết sẹo mổ lớn để lại, tuy nhiên ngày nay tán sỏi thận qua da được xem là phương pháp điều trị sỏi san hô vừa hiệu quả lại ít tác động đến cơ thể ngày càng được phát triển.
Ưu điểm của phương pháp tán sỏi thận qua da trong điều trị các trường hợp sỏi san hô gồm:
• Ít xâm lấn: Sỏi được tán nhỏ và lấy ra ngoài nhờ một đường hầm qua da nên người bệnh ít đau đớn; ít chảy máu; ít ảnh hưởng tới chức năng thận.
• Ít đau sau mổ: do vết mổ nhỏ ở thành bụng nên người bệnh sẽ ít cần thuốc giảm đau sau phẫu thuật và cắt cơn đau nhanh hơn.
• Vết mổ nhỏ: Nếu như mổ mở, người bệnh sẽ có một vết mổ dài khoảng 15cm ở vùng sườn lưng thì với phương pháp tán sỏi qua da, vết mổ chỉ tầm 1cm, nhờ đó vết mổ sẽ thẩm mỹ và ít bị nhiễm khuẩn.
• Tỉ lệ sạch sỏi cao: quan sát dưới camera nội soi có thể kiểm tra toàn bộ đài bể thận và niệu quản nên không để sót sỏi.
• Tiết kiệm thời gian và tiền bạc: là phương pháp ít xâm lấn nên sau khi phẫu thuật người bệnh sẽ nhanh chóng hồi phục vì thế rút ngắn thời gian nằm viện ngắn hơn, có thể sớm quay trở lại cuộc sống bình thường.
Trường hợp chúng tôi điều trị thành công là người bệnh Bùi Thị Bích Th., 53 tuổi, ngụ tại Thị trấn Ngã Sáu - Châu Thành - Hậu Giang, được chẩn đoán là sỏi san hô thận phải (hình bên dưới), thận ứ nước độ 1.
Hình. Sỏi san hô thận phải (CLVT)
Chúng tôi tiến hành hội chẩn và đưa ra phương pháp điều trị là tán sỏi thận qua da. Ekip Bác sĩ Trung tâm Tiết niệu: BSCKII. Nguyễn Trung Hiếu, Ths.Bs. Lê Thanh Bình, TS. Nguyễn Vũ Đằng, BSNT. Trần Quốc Cường và BS. Lê Quang Khải. Ca phẫu thuật được thực hiện thành công, chúng tôi cố gắng lấy sạch sỏi nhưng đảm bảo an toàn cho người bệnh. Người bệnh xuất viện sau phẫu thuật 3 ngày: vết mổ khô, sinh hiệu ổn, không đau vết mổ.
Hình. Ekíp Bác sĩ TT Tiết Niệu thực hiện kỹ thuật tán sỏi thận qua da
Hình. Phim KUB kiểm tra sau phẫu thuật
Theo BSCKII. Nguyễn Trung Hiếu, đây là trường hợp sỏi san hô đã hình thành từ lâu nên dễ gây nhiều biến chứng, bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên khám sức khỏe và tầm soát bệnh mỗi 6 tháng 1 lần tại những cơ sở y tế uy tín để kịp thời phát hiện sỏi và có các biện pháp can thiệp, điều trị sớm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Vũ Nguyễn Khải Ca, Hoàng Long, Chu Văn Lâm và cộng sự (2015) Tán sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ dưới hướng dẫn của siêu âm. Tạp chí Y học TP. Hồ Chí Minh, 19(4), tr. 277-281.
2. Võ Phước Khương. Lấy sỏi qua da với đường hầm vào thận từ đài dưới trong điều trị sỏi thận phức. Tạp chí Y học TP HCM. 2012; 16(3): 203-207.
3. Assimos D, Krambeck A, Miller N.L. Surgical Management of Stones: AUA/Endourology Society Guideline. US, AUA/ Endourological Society Guideline; 2016.
4. Turk C, Petrik A. EAU Guidelines on Diagnosis and Conservative Management of Urolithiasis. European Urology. 2016; 69(9): 468-474.
BSCKII. NGUYỄN TRUNG HIẾU
TT TIẾT NIỆU