Trung tâm Tiết niệu – Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã tiếp nhận điều trị thành công một trường hợp bệnh nhân nữ, chẩn đoán sa tạng chậu độ IV. Người bệnh xuất hiện khôí sa ra ngoài âm đạo khoảng 2 năm trước, lúc đầu xuất hiện khi ho, rặn, khi đi lại nhiều, nay xuất hiện thường xuyên hơn, phải dùng tay đẩy lên khối sa mới mất. Thời gian gần đây, tình trạng khối sa xuất hiện thường xuyên, to hơn đồng thời thêm triệu chứng tiểu khó, tiểu phải rặn, tiểu không kiểm soát kèm đại tiện khó, ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống.
Sa tạng chậu (POP) là tình trạng một hoặc nhiều cơ quan ở vùng chậu (tử cung, âm đạo, bàng quang, trực tràng, thành trước hoặc thành sau âm đạo) bị tụt ra khỏi vị trí giải phẫu bình thường do sự tổn thương và suy yếu của các cấu trúc cân cơ, dây chằng nâng đỡ sàn chậu.
Các dạng sa tạng chậu: sa bàng quang, sa trực tràng, sa tử cung – âm đạo, sa niệu đạo, sa vòm âm đạo….
Nguyên nhân chính của sa tạng vùng chậu là do quá trình mang thai, sinh đẻ nhiều lần và đến thời điểm mãn kinh, lão hóa. Ngoài ra, còn các nguyên nhân khác: thiếu hụt estrogen trước và sau mãn kinh khiến cơ thể thiếu hụt collagen, thừa cân hoặc béo phì, táo bón và phải rặn nhiều để đi tiêu, ho mãn tính do hút thuốc, hen suyễn tạo ra áp lực lên bụng có thể gây ra sa tạng vùng chậu. Sa tạng vùng chậu có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng hầu hết các triệu chứng ở phụ nữ từ ngoài 40 tuổi.
Triệu chứng của sa tạng chậu xuất hiện dần dần, giai đoạn đầu khó nhận biết. Ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể cảm giác có khối phình ra bên trong âm đạo. Khi bệnh tiến triển sang giai đoạn nặng hơn, người bệnh có thể gặp phải các biểu hiện như:
- Cảm giác nặng hoặc chằng trong âm đạo;
- Các cơ quan lồi ra từ âm đạo
- Rỉ nước tiểu (tiểu không tự chủ)
- Khó tiểu hết nước tiểu trong bàng quang
- Khó đi đại tiện
Qua khai thác tiền sử, người bệnh L.T. A., cho biết: khối sa âm đạo xuất hiện khoảng 2 năm trước, lúc đầu xuất hiện khi ho, rặn, khi đi lại nhiều, nay xuất hiện thường xuyên hơn, phải dùng tay đẩy lên khối sa mới mất. Thời gian gần đây, tình trạng khối sa xuất hiện thường xuyên,to hơn đồng thời thêm triệu chứng tiểu khó, tiểu phải rặn, tiểu không kiểm soát, đi cầu khó, ảnh hưởng đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống. Người bệnh đến Bệnh viện Đại học Y Dược Cần Thơ để khám. Sau khi thăm khám người bệnh được chỉ định chụp cổng hường từ với kết quả và được chẩn đoán sa tạng chậu độ IV và nhập viện điều trị bằng phương pháp: phẫu thuật nội soi treo sàn chậu vào dây chằng lược 2 bên bằng mảnh ghép tổng hợp.
Hình Sa tạng chậu thành trước âm đạo độ IV
Hình chụp cộng hưởng từ vùng chậu có thuốc cản từ (MRI)
Kết quả cộng hưởng từ động vùng chậu có thuốc cản từ (MRI): sa tạng chậu, nội soi bàng quang: sa tử cung độ IV, sa bàng quang độ IV theo hệ thống POP-Q.
Ekip phẫu thuật viên: BSCKII. Nguyễn Trung Hiếu, BSNT Lê Thanh Bình, BSNT Nguyễn Đại Nghĩa, BSNT Phạm Quốc Anh, BSNT. Nguyễn Văn Dờ. Người bệnh được mê nội khí quản, bác sĩ thực hiện nội soi chỉ 4 trocar, tiến hành bóc tách phúc mạc cổ tử cung và thành trước, sau âm đạo, tiếp tục tách qua 2 bên đến dây chằng lược, sau đó khâu treo lưới vào cổ tử cung- thành trước, sau âm đạo và khâu vào 2 bên dây chằng lược.
Hình ekip phẫu thuật nội soi treo vào dây chằng lược
Hình khâu treo vào dây chằng chậu lược 2 bên.
Ca phẫu thuật được thực hiện thành công, không còn xuất hiện khối sa ở âm đạo, người bệnh đại tiểu tiện không còn khó và đau, không cần phải rặn. Sau phẫu thuật 2 ngày người bệnh có thể tự sinh hoạt cá nhân, đi lại bình thường, và được xuất viện sau 5 ngày điều trị.
Hình hậu phẫu bệnh chỉ 4 vết mổ nhỏ
Hình ảnh kết quả khối sa âm đạo không còn khi rặn
Theo BSCKII. Nguyễn Trung Hiếu, Phó Trưởng Trung tâm Tiết niệu: “ Đây là phương pháp điều trị sa tạng chậu mới ở Việt Nam, được đánh giá là khó và phức tạp. Trung tâm Tiết niệu Bệnh viện Đại học Y Dược Cần Thơ áp dụng phương pháp phẫu thuật nội soi treo tử cung vào dây chằng lược 2 bên bằng mảnh ghép tổng hợp. Phương pháp này mang lại hiệu quả rất tốt, tỷ lệ tái phát thấp, giúp người bệnh giảm cảm giác đau khó chịu khi đại tiểu tiện, phục hồi nhanh, rút ngắn thời gian nằm viện.
Cũng theo Bác sĩ Hiếu: “Vì e ngại căn bệnh vùng kín này mà không ít phụ nữ âm thầm chịu đựng hoặc phớt lờ bệnh, chỉ đến bệnh viện khi bệnh đã chuyển nặng, ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý và chất lượng cuộc sống. Vì vậy, Bác sĩ Hiếu khuyến cáo, khi có các dấu hiệu bệnh, chị em phụ nữ nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa để được thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời, hiệu quả, tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra.”
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Altman D, Väyrynen T, Engh ME, Axelsen S, Falconer C (2011). Anterior colporrhaphy versus transvaginal mesh for pelvic#organ prolapse. New England Journal of Medicine;364(19):
2. Võ Phi Long, BƯỚC ĐẦU ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ CỦA PHƯƠNG PHÁP NỘI SOI CỐ ĐỊNH TỬ CUNG VÀO DẢI CHẬU LƯỢC ĐỂ ĐIỀU TRỊ BỆNH LÝ SA KHOANG GIỮA SÀN CHẬU TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH KHÁNH HÒA, Hội nghị Sản Phụ khoa lần 22, 2020
3. Bùi Chí Thương, CẬP NHẬT CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ SA TẠNG CHẬU, Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 22 * Số 5 * 2018
4. Sàn chậu học 2022, TS.Nguyễn Trung Vinh
BSCKII. Nguyễn Trung Hiếu
TRUNG TÂM TIẾT NIỆU