Ông L.Q.Đ (56 tuổi) đến khám tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ với triệu chứng nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Qua thăm khám và kết quả cận lâm sàng phát hiện một sonde JJ, ống thông niệu quản'
Hình ảnh CT-scan còn sonde JJ và sỏi bám hết đầu dưới sonde
Theo đó, tại thời điểm tiếp nhận ông Đ có các triệu chứng chính là đau nhiều ở vùng hông, lưng bên trái, đi tiểu nhiều lần cảm giác rát buốt khi đi tiểu gần xong, kèm theo sốt. Các bác sĩ đã kịp thời tiến hành khám, thực hiện các xét nghiệm, hình ảnh học cần thiết. Với quy trình tinh gọn và trang thiết bị hiện đại, ông Đ. có kết quả nhanh chóng và được các bác sĩ chẩn đoán nhiễm khuẩn đường tiết niệu, sỏi bàng quang. Đặc biệt, các bác sĩ còn phát hiện trong niệu quản trái của người bệnh có một sonde JJ bị để quên, sỏi đã bám sỏi trọn cả 1 đầu ống. Điều này khiến chính ông Đ cũng bất ngờ vì không hề hay biết.
Theo Ths.BSCKII. Nguyễn Trung Hiếu, giảng viên chuyên khoa Ngoại Thận tiết niệu Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, bác sĩ Trung tâm Tiết niệu Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ cho biết: hiện nay, chỉ định đặt sonde JJ sau can thiệp phẫu thuật tán sỏi niệu quản, sỏi thận khá phổ biến, ống sonde JJ giúp nước tiểu lưu thông tốt xuống bàng quang, niệu quản không bị tắc do phù nề, hay các dị vật (cục máu đông, mảnh sỏi, mảnh tổ chức). Qua đó niệu quản bình phục tốt hơn và nguy cơ biến chứng hẹp niệu quản giảm. Tuy nhiên, việc đặt ống sonde JJ khiến bệnh nhân khó chịu, thậm trí gây biến chứng cho người bệnh. Như trường hợp vừa tiếp nhận, người bệnh được chỉ định điều trị bằng thuốc kháng sinh mạnh, kết hợp 2 loại kháng sinh ngay từ đầu do tình trạng nhiễm khuẩn nặng, có nguy cơ sốc nhiễm khuẩn. Qua kết quả chụp cắt lớp vi tính, chúng tôi nhận thấy người bệnh có sỏi bàng quang đóng vào sonde JJ bị bỏ quên ở hết đầu dưới của ống thông. Do người bệnh có tình trạng nhiễm khuẩn, khó kiểm soát nên chúng tôi chọn phương án điều trị là tán sỏi nội soi bằng laser đối với sỏi bàng quang kết hợp lấy bỏ sonde JJ cũ.
Trong vòng 1 giờ đồng hồ, đội ngũ y bác sĩ gồm Ths. BSCKII. Nguyễn Trung Hiếu, BSNT Phạm Quốc Anh của bệnh viện với nhiều kinh nghiệm trong xử trí các trường hợp sỏi phức tạp đã thực hiện thành công ca phẫu thuật, loại bỏ sỏi khỏi bang quang bằng phương pháp tán sỏi cũng như rút thành công sonde JJ bám đầy sỏi. Sau phẫu thuật, tình trạng sức khỏe của ông Đ. ổn định, diễn tiến tốt và đã được xuất viện sau 5 ngày điều trị. Chụp phim X quang kiểm tra sau mổ cho thấy ông Đ. đã hết sỏi trong lòng bàng quang.
Sonde JJ bị bỏ quên sỏi bám chặt vào đầu dưới JJ đã được các bác sĩ xử lý
Trao đổi với chúng tôi, ông Đ. cho biết hơn 1 năm nay, ông quên bản thân đã được đặt sonde JJ và trong suốt thời gian qua cũng không cảm thấy bất thường. Đây là một trường hợp hiếm gặp khi người bệnh không những bỏ sót sonde JJ mà còn không nhớ đã được đặt ống sonde JJ, hơn nữa cũng không phát hiện bất thường trong suốt thời gian qua.
“Nếu sonde JJ để quá lâu, ngoài biến chứng đóng sỏi như đã đề cập, có thể dẫn tới các biến chứng khác như nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.”– Bác sĩ Hiếu cho biết.
Người bệnh nếu có chỉ định đặt sonde JJ sau phẫu thuật cần tuyệt đối tuân thủ lịch tái khám, rút ống thông đúng thời hạn để tránh những biến chứng cũng như có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Ths. BSCKII. NGUYỄN TRUNG HIẾU
TRUNG TÂM TIẾT NIỆU
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Minh Quang (2003). Rút kinh nghiệm qua 204 trường hợp tán sỏi niệu quản nội soi bằng laser và xung hơi, Luận án chuyên khoa cấp II, Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh.
2. Dương Văn Trung. Đánh giá kết quả, tai biến và biến chứng trong tán sỏi NQ nội soi ngƣợc dòng tại Bệnh viện Bƣu điện I Hà Nội. Tạp chí Y - Dƣợc học quân sự. Học viện Quân y. 2006, số đặc san 31, tr.297-302.
3. Nguyễn Phú Việt, Trần Văn Hinh, Lê Anh Tuấn. Các yếu tố ảnh hƣởng tới kết quả điều trị sỏi NQ bằng tán sỏi nội soi NQ ngƣợc dòng. Ngoại Khoa (số 4-5-6), tập 60, tr.304-307.
4. Bodo E. Knudsen, Darren T Beiko, John D. Denstedt. Stenting after ureteroscopy: pros and cons. Advances in Ureteroscopy. Urol Clin N Am. 2004, 31, pp.173-180.
5. Denstedt JD, Wollin TA et al. A prospective randomized controlled trial comparing nonstented versus stented ureteroscopic lithotrpsy. J Urol. 2001, 165 (5), pp.1419-1422. 6. H Jeong, C Kwark, SE Lee. Ureteric stenting after ureteroscopy for stone: approspective randomzed study assessing symptoms and complications. BJU International. 2004, 93, pp.1032-1035.