Vừa qua, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ tiếp nhận và phẫu thuật cấp cứu kịp thời một trường hợp xoắn tinh hoàn trên bệnh nhân 17 tuổi giúp giữ được tinh hoàn cho bệnh nhân.
Bệnh nhân V.D.T, sinh năm 2006, địa chỉ xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Bệnh nhân vào viện vì đau bìu trái, khai thác bệnh sử: bệnh nhân xuất hiện đau “đột ngột dữ dội” bìu trái khoảng 5 giờ, gia đình liền đưa bệnh nhân vào viện. Thăm khám tinh hoàn trái sưng đau và nằm ngang và cao hơn tinh hoàn phải, dấu hiệu Prehns dương tính, giảm phản xạ cơ bìu bên trái. Kết quả siêu âm ghi nhận: có hình ảnh xoắn thừng tinh trái.
Chúng tôi tiến hành hội chẩn và phẫu thuật cấp cứu ngay nhằm cố gắng giữ lại tinh hoàn cho bệnh nhân. Ekip Bác sĩ Trung tâm Tiết niệu: Ths.Bs. Lê Thanh Bình, BSCKII. Trần Huỳnh Tuấn, BSNT. Dương Văn Huynh và BSNT. Lê Việt Tú. Chúng tôi đã thành công tháo xoắn được tinh hoàn và giữ được tinh hoàn cho bệnh nhân.
Hình. Xoắn tinh hoàn Hình. Sau khi tháo xoắn tinh hoàn
Tái khám sau 1 tuần: vết mổ lành tốt. Siêu âm doppler: kích thước và tín hiệu mạch máu trong giới hạn bình thường.
XOẮN TINH HOÀN
1. Xoắn tinh hoàn là gì
Xoắn tinh hoàn là hiện tượng thừng tinh bị xoắn quanh trục của nó dẫn đến hiện tượng phù nề sung huyết và ứ trệ máu tại tinh hoàn, đưa đến hoại tử tinh hoàn. Tình trạng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, phổ biến nhất là trẻ sơ sinh và giai đoạn từ 12 – 18 tuổi.
Hình. Xoắn tinh hoàn
2. Nguyên nhân
Nguyên nhân dẫn đến xoắn tinh hoàn vẫn chưa được xác định chính xác. Một số yếu tố được đề cập như: di truyền, chấn thương, bất thường vị trí tinh hoàn, tinh hoàn hình quả lắc đồng hồ.
3. Yếu tố nguy cơ
- Thay đổi đột ngột nhiệt độ từ nóng sang lạnh.
- Tinh hoàn ẩn.
- Đã chẩn đoán xoắn dây tinh.
- Thoát vị bẹn.
- Sau chấn thương
4. Dấu hiệu xoắn tinh hoàn
- Đau đột ngột vùng bìu, bẹn.
- Nôn ói
- Tinh hoàn sưng nề và bị kéo sát gốc bìu dương vật.
- Tinh hoàn bị xoay trục.
- Mất phản xạ cơ bìu.
- Có thể chạm nốt xoắn thừng tinh
- Tiểu khó và tăng thân nhiệt: rất hiếm xảy ra
5. Chẩn đoán xoắn tinh hoàn như thế nào
Dựa vào các dấu hiệu lâm sàng được nêu ở trên kèm theo một số xét nghiệm được chỉ định thực hiện bao gồm:
- Siêu âm Doppler bìu để kiểm tra lưu lượng máu vận chuyển đến tinh hoàn.
- Xạ hình tinh hoàn (hiếm dùng).
6. Điều trị
Xử trí ban đầu
Có thể tháo xoắn bằng tay để giảm đau và tăng tưới máu tinh hoàn
Phẫu thuật
- Phẫu thuật cấp cứu với mục đích thám sát bìu, tháo xoắn dây tinh và cố định tinh hoàn.
- Cố định tinh hoàn bên không bị xoắn.
Biến chứng
- Viêm tinh hoàn
- Nhiễm trùng vết mổ
- Hoại tử tinh hoàn
- Xoắn tái phát rất hiếm
7. Tiên lượng
- Tuỳ vào mức độ xoắn và thời gian phẫu thuật từ lúc khởi đầu đau bìu.
- Các trường hợp đến sớm trước 24 tiếng khả năng giữ tinh hoàn cao.
THS.BS. LÊ THANH BÌNH
8. TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Thành Như (2013), “Xoắn tinh hoàn”, Nam khoa lâm sàng, NXB Tổng Hợp.
2. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị (2017), Bệnh viện Bình Dân
3. Lane .P (2016), “Management of Abnormalities of the external genitalia”, ampbell’s urology, W.B. saunders Company, 11th edi., chapter 146, pp. 3388.
4. Sharp VJ, Kieran K, Arlen AM (2013). Testicular torsion: diagnosis, evaluation, and management. Am Fam Physician. 88(12):835-40.