Ung thư đại - trực tràng là một bệnh phổ biến, có tỉ lệ mắc và tỉ lệ tử vong cao. Bệnh thường gặp ở các nước phát triển, tuy nhiên ngày nay bệnh có xu hướng gia tăng ở các nước đang phát triển và độ tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ hoá. Theo GLOBOCAN năm 2020, ung thư đại - trực tràng đứng thứ ba sau ung thư vú và ung thư phổi trên toàn thế giới, tỉ lệ tử vong đứng thứ năm. Tại Việt Nam, ung thư đại - trực tràng đứng thứ ba ở nữ và thứ tư ở nam, tỉ lệ tử vong đứng hàng thứ sáu trong các loại ung thư.
Với tỉ lệ mắc và tử vong cao như vậy, việc quản lý và điều trị tối ưu ung thư đại - trực tràng là việc làm thiết thực cho người bệnh. Để có chiến lược điều trị và theo dõi hợp lý, đặc biệt là chọn bệnh nhân phù hợp cho điều trị tân hỗ trợ, đòi hỏi phải chẩn đoán đúng giai đoạn và các yếu tố tiên lượng độc lập trước khi điều trị. Hiện nay, một số thử nghiệm lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên như FOxTROT đã thực hiện hoá trị tân hỗ trợ cho các bệnh nhân ung thư đại tràng tiến triển tại chỗ (giai đoạn T3 và T4 được chọn qua chụp cắt lớp vi tính) ghi nhận kết quả tốt. Còn xạ trị trước mổ áp dụng cho ung thư trực tràng giai đoạn tiến triển (T3 trở lên hoặc có di căn hạch vùng) đã trở thành điều trị tiêu chuẩn trong ung thư trực tràng. Qua đó cho thấy, đánh giá giai đoạn trước điều trị giữ một vai trò đặc biệt quan trọng.
Có nhiều kỹ thuật hình ảnh giúp đánh giá giai đoạn ung thư đại - trực tràng. Trong đó, chụp cắt lớp vi tính là phương pháp chính để chẩn đoán và phân giai đoạn ung thư đại - trực tràng. Để quan sát rõ hơn về lòng ruột và bề mặt niêm mạc, cũng như để đánh giá độ dày thực sự của thành ruột, ống tiêu hóa phải căng, tối ưu hơn nữa thì lòng ống cần được làm trống và sạch. Do đó, các chất tương phản khác nhau đã được sử dụng để đưa vào lòng ruột như: các dung dịch cản quang hòa tan trong nước hoặc dung dịch barýt loãng, nhũ tương dầu, không khí, nước. Trong đó, khí và nước là hai chất tương phản được dùng nhiều nhất. Chụp cắt lớp vi tính có bơm khí đại tràng là một kỹ thuật nội soi ảo, có thể thay thế kỹ thuật nội soi thông thường để phát hiện các polyp đại - trực tràng, cũng như đánh giá giai đoạn ung thư đại - trực tràng. Tuy nhiên, yêu cầu bắt buộc của kỹ thuật này là phải làm sạch lòng đại - trực tràng và khi so sánh với bơm nước thì bơm khí vào lòng ruột gây cảm giác đau nhiều hơn. Ngoài ra, do sự chênh lệch lớn giữa đậm độ khí trong lòng ruột và đậm độ của thành ruột sau tiêm tương phản nên hạn chế đánh giá tối ưu độ dày thật sự của thành ruột. Chụp cắt lớp vi tính có bơm nước đại tràng có thể không cần phải làm sạch ruột. Đậm độ của nước nằm giữa khoảng đậm độ của thành đại tràng và mô mỡ xung quanh, vì vậy sử dụng nước làm chất tương phản sẽ sẽ không gây ra ảnh giả cứng hoá chùm tia cũng như hiệu ứng thể tích bán phần.
Chụp cắt lớp vi tính có bơm nước đại tràng là một kỹ thuật có nhiều triển vọng trong việc phát hiện và đánh giá khối u đại - trực tràng. Các ưu thế của kỹ thuật này bao gồm bơm lượng nước vừa đủ làm căng lòng đại tràng, giúp bộc lộ các tổn thương nhỏ bị che lấp khi đại tràng xẹp hoặc bị lý giải nhầm là đại tràng co thắt; giúp đánh giá đoạn đại tràng phía trên u chưa thể khảo sát được bằng nội soi; tạo nên tương phản tốt giúp đánh giá chính xác hơn giai đoạn tại chỗ của tổn thương. Do đó, chụp cắt lớp vi tính có bơm nước đại tràng cung cấp một cái nhìn chi tiết, đa mặt phẳng những bất thường bên trong lòng, tại thành và bên ngoài thành đại tràng, cũng như mối liên hệ giữa chúng với mạc treo, hạch bạch huyết, khoang sau phúc mạc và các tạng đặc. Các chỉ định chụp cắt lớp vi tính có bơm nước đại tràng bao gồm u đại tràng nhưng nội soi không khảo sát được hết khung đại tràng; u đại tràng đã khảo sát được hết khung, nhưng không thấy rõ tổn thương trên hình chụp cắt lớp vi tính do tổn thương nhỏ, đại tràng xẹp hoặc khi đã xác định được tổn thương nhưng không đánh giá được giai đoạn tại chỗ của tổn thương trên hình chụp cắt lớp vi tính; nội soi đại tràng có polyp (đã cắt hoặc chưa cắt polyp); viêm, dày thành không đặc hiệu, khảo sát miệng nối chít hẹp hay tái phát. Chống chỉ định chụp cắt lớp vi tính có bơm nước đại tràng trong trường hợp tắc ruột nặng, viêm phúc mạc cấp, hơi tự do ổ bụng và các chống chỉ định chung khi chụp cắt lớp vi tính có tiêm tương phản. Tác dụng phụ: rất ít xảy ra và thường nhẹ như buồn nôn, tiêu chảy, khó chịu ở bụng.
Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về vai trò của chụp cắt lớp vi tính có bơm nước đại tràng trong đánh giá giai đoạn ung thư đại - trực tràng. Tại Việt Nam, kỹ thuật này đã được triển khai tại nhiều cơ sở y tế và có nhiều nghiên cứu đánh giá giá trị của kỹ thuật này. Năm 2022, chúng tôi đã thực hiện nghiên cứu tại Bệnh viện Trường ĐHYD Cần Thơ để đánh giá vai trò của chụp cắt lớp vi tính có bơm nước đại tràng trong đánh giá giai đoạn T ung thư đại - trực tràng. Kết quả nghiên cứu cho thấy chụp cắt lớp vi tính có bơm nước đại tràng góp phần tăng giá trị đánh giá giai đoạn T của ung thư biểu mô đại - trực tràng, đặc biệt là phân biệt giai đoạn T3 và T4 với T1/T2 để chọn lựa bệnh nhân phù hợp cho điều trị tân hỗ trợ.
ThS. Bs. Nguyễn Hoàng Ẩn
Khoa Chẩn đoán hình ảnh
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Rawla P, Sunkara T, Barsouk A (2019). Epidemiology of colorectal cancer: incidence, mortality, survival, and risk factors. Gastroenterology Review, 14 (2): 89-103.
2. Bray F, Ferlay J, Soerjomataram I (2020). Global cancer statistics 2020: GLOBOCAN estimates of incidence and mortality worldwide for 36 cancers in 185 countries. CA Cancer J Clin, 68 (6): 394–424.
3. Sibileau E, Ridereau-Zins C, Vanel D (2014). Accuracy of water-enema multidetector computed tomography (WE-MDCT) in colon cancer staging: a prospective study. Abdom Imaging, 39 (5): 941-948.
4. Venara A, Ridereau-Zins C, Toque L (2015). Water-enema multidetector computed tomography for planning surgery. Int J Colorectal Dis, 30 (5): 691-696.
5. Ngũ Thị Hoàng Yến, Nguyễn Thúy Oanh, Trần Minh Hoàng (2013). Vai trò của cắt lớp điện toán trong chẩn đoán giai đoạn ung thư đại tràng. Tạp chí Y học Thành phố Hồ Chí Minh, 17 (1): 36-39.
6. Stabile Ianora AA, Moschetta M, Pedote P, Scardapane A et al (2012). Preoperative local staging of colosigmoideal cancer: air versus water multidetector-row CT colonography. Radiol Med, 117 (2): 254-267.
7. Maupoey IJ, Pamies GJ, Frasson M (2019). Accuracy of CT colonography in the preoperative staging of colon cancer: a prospective study of 217 patients. Colorectal Dis, 21 (10): 1151-1163.
8. Filippone A, Ambrosini R, Fuschi M, Marinelli T et al (2004). Preoperative T and N staging of colorectal cancer: accuracy of contrast-enhanced multi-detector row CT colonography-initial experience. Radiology, 231: 83-90.
9. Ridereau-Zins C, Aube C, Luet D, Vielle B et al (2010). Assessment of water enema computed tomography: an effective imaging technique for the diagnosis of colon cancer: Colon cancer: computed tomography using a water enema. Abdom Imaging, 35 (4): 407-413.
10. Nguyễn Đắc Hải (2016). Giá trị x quang cắt lớp điện toán trong đánh giá giai đoạn T ung thư biểu mô đại tràng. Luận án chuyên khoa cấp 2, Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh.
11. Ridereau-Zins C, Pilleul F, Gandon Y, Laurent V et al (2012). CT colonography: Why? When? How? Diagn Interv Imaging, 93 (1): 2-9.
12. Akasu T, Sugihara K, Moriya Y, Fujita S (1997). Limitations and Pitfalls of Transrectal Ultrasonography for Staging of Rectal Cancer. Dis Colon Rectum, 40 (10): S10-15.
13. Nougaret S, Jhaveri K, Kassam Z, Lall C et al (2019). Rectal cancer MR staging: pearls and pitfalls at baseline examination. Abdom Radiol (NY), 44 (11): 3536-3548.
14. Sivrioglu AK, Aribal S, Onder H, Onol SD (2017). Utility of MR imaging in the evaluation of colon cancer. Jpn J Radiol, 35 (7): 404-405.
15. Đỗ Hải Thanh Anh (2008). Nghiên cứu hình ảnh cộng hưởng từ trong đánh giá giai đoạn ung thư biểu mô tuyến trực tràng. Luận văn thạc sĩ y học, Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh.
16. Flor N, Mezzanzanica M, Rigamonti P (2013). Contrast-enhanced computed tomography colonography in preoperative distinction between T1-T2 and T3-T4 staging of colon cancer. Acad Radiol, 20 (5): 590-595.
17. Jin KN, Lee JM, Kim SH (2006). The diagnostic value of multiplanar reconstruction on MDCT colonography for the preoperative staging of colorectal cancer. Eur Radiol, 16 (10): 2284-2291.
18. Nerad E, Lahaye MJ, Maas M, Nelemans P et al (2016). Diagnostic Accuracy of CT for Local Staging of Colon Cancer: A Systematic Review and Meta-Analysis. AJR Am J Roentgenol, 207 (5): 984-995.
19. Ng CS, Doyle TC, Dixon AK (2002). Histopathological correlates of abnormal pericolic fat on CT in the assessment of colorectal carcinoma. Br J Radiol, 75: 31-37.
20. Fowler KJ, Kaur H (2017). ACR Appropriateness Criteria - Pretreatment Staging of Colorectal Cancer. J Am Coll Radiol, 14 (5S): 234-244.
21. Al-Sukhni E, Milot L, Fruitman M, Beyene J et al (2012). Diagnostic accuracy of MRI for assessment of T category, lymph node metastases, and circumferential resection margin involvement in patients with rectal cancer: a systematic review and meta-analysis. Ann Surg Oncol, 19 (7): 2212-2223.
22. Phạm Công Khánh, Nguyễn Hữu Thịnh, Võ Tấn Đức, Nguyễn Thị Thanh Thiên (2012). Vai trò của cộng hưởng từ trong đánh giá giai đoạn ung thư trực tràng. Tạp chí Y học Thành phố Hồ Chí Minh, 16 (1): 365-370.
23. Ahmetoglu A, Cansu A, Baki D, Kul S et al (2011). MDCT with multiplanar reconstruction in the preoperative local staging of rectal tumor. Abdom Imaging, 36 (1): 31-37.