Mật độ khoáng xương hay mật độ xương (BMD – Body Mineral Density) là mật độ khoáng chất trong 1 đơn vị diện tích (cm2) hoặc thể tích (cm3) của mô xương. Như vậy, mật độ xương cho biết số lượng khoáng chất có trong xương, dùng để phản ánh quá trình khoáng hóa và tỷ lệ thuận với độ chắc của xương. Để chẩn đoán loãng xương, cần sử dụng các phương pháp đo mật độ xương để đánh giá tình trạng của xương ở hiện tại và dự đoán nguy cơ gãy xương trong tương lai.
Hình 1. Mật độ khoáng xương ở cổ xương đùi giảm dần.
Đo loãng xương hay đo mật độ xương là kỹ thuật sử dụng chùm tia X ở một mức năng lượng cao và một mức năng lượng thấp, sau đó máy sẽ đọc độ suy giảm năng lượng của 2 chùm tia này sau khi đi qua mô xương, độ hấp thụ tỷ lệ thuận với mật độ xương (DEXA - Dual Energy X-ray Absorptiometry). Những khu vực thường được thực hiện đo mật độ xương là cột sống thắt lưng, cổ xương đùi hoặc xương cẳng tay. Thông qua kỹ thuật này, bác sĩ nhận định được bệnh nhân có đang rơi vào tình trạng giảm khối lượng xương hay không. Đây là phương pháp được sử dụng rộng rãi trên thế giới, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán loãng xương.
Lợi ích của phương pháp đo DEXA:
- Kỹ thuật DEXA chỉ phóng ra lượng phóng xạ rất nhỏ, ít hơn 1/10 liều so với chụp X-quang ngực tiêu chuẩn và lượng bức xạ tự nhiên một người có thể tiếp xúc trong 1 ngày.
- Là kỹ thuật tốt nhất hiện nay để chẩn đoán loãng xương và nguy cơ gãy xương.
- Các bước thực hiện đơn giản, thời gian đo nhanh chóng và không xâm lấn, không gây đau.
- Không cần thực hiện kỹ thuật gây mê.
- Căn cứ vào kết quả quét DEXA, bác sĩ sẽ đưa ra quyết định liệu bạn có cần điều trị loãng xương và sử dụng trong theo dõi hiệu quả điều trị.
- Kỹ thuật DEXA được phổ biến rộng rãi giúp cho việc kiểm tra mật độ xương diễn ra thuận tiện cho cả bệnh nhân và bác sĩ.
Hình 2. Kết quả đo mật độ khoáng xương của một bệnh nhân tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ.
Thông qua kỹ thuật đo mật độ xương sẽ xác định mật độ khoáng xương của cơ thể có đang trong tình trạng suy yếu hay không. Kết quả đo mật độ xương được so sánh với chỉ số T-score. Kết quả BMD của bệnh nhân được so sánh với kết quả BMD của người 25 - 35 tuổi khỏe mạnh cùng giới tính và dân tộc. Độ lệch chuẩn (SD) chính là sự khác biệt giữa BMD của bệnh nhân và người 25-35 tuổi khỏe mạnh, được gọi là T-score. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình trạng loãng xương được xác định dựa trên các mức mật độ xương như sau:
- T-score ≥ -1SD: mật độ xương ở mức bình thường.
- T-score từ <-1 SD đến >-2,5 SD: thiểu sản xương.
- T-score ≤ -2,5 SD: loãng xương.
- T-score ≤ -2,5 SD kèm tiền sử/hiện tại có gãy xương: loãng xương nặng.
KHOA THĂM DÒ CHỨC NĂNG