Bệnh Hirayama còn được gọi là teo cơ tủy sống thiếu niên. Bệnh được mô tả lần đầu tiên bởi học giả Nhật Bản Keizo Hirayama và cộng sự năm 1959. Đây là một bệnh lý tủy cổ hiếm gặp, biểu hiện bằng chứng teo tự giới hạn, không đối xứng, tiến triển từ từ của cẳng tay và bàn tay chủ yếu ở nam giới trẻ tuổi (15-25 tuổi). Sự dịch chuyển ra phía trước của màng cứng phía sau của ống tủy cổ dưới trong quá trình gập cổ được cho là dẫn đến chèn ép và thiếu máu cục bộ ở sừng trước, gây teo dây thần kinh tủy cổ dưới không đối xứng.
Bệnh liên quan mật thiết đến việc thường xuyên cúi gập cổ trong thời gian dài. Bệnh thường dẫn đến tổn thương vận động chủ yếu ở các cơ cẳng tay trước và bàn tay. Triệu chứng lâm sàng gồm tổn thương teo cơ tương ứng các rễ C7-C8 và T1, thường là tổn thương 1 bên, hoặc hiếm hơn là 2 bên (nhưng không đối xứng).
Điện cơ (EMG) là cận lâm sàng cần thiết trong trường hợp nghi ngờ Hirayama, thường thấy các cơ bị ảnh hưởng có hình ảnh mất phân bố thần kinh (xuất hiện điện thế tự phát, đơn vị vận động cao rộng đa pha, kết tập giảm). Tiếp theo, chụp MRI có thêm tư thế cúi tối đa nhằm bộc lộ rõ dấu hiệu rộng khoang ngoài màng cứng phía sau của cột sống cổ sẽ giúp chẩn đoán bệnh. Hiểu rõ về bệnh Hirayama là điều cần thiết vì nhận biết và quản lý sớm có thể ngăn chặn tình trạng xấu đi đang tiến triển một cách hiệu quả.