Bệnh tim mạch do nguyên nhân xơ vữa,
trong phác đồ điều trị không thể thiếu vai trò thuốc Aspirin. Có rất nhiều
khuyến cáo điều trị bệnh tim mạch xơ vữa ở trong và ngoài nước luôn có thuốc
Aspirin.
Tuy nhiên, vấn
đề chọn liều Aspirin để chỉ định cho bệnh nhân uống an toàn cho hệ tiêu hoá,
tuân thủ điều trị lâu dài hiện nay có hai liều là 81mg và 325mg.
Trong
những thập niên gần đây, với sự gia tăng của tỉ lệ mắc các bệnh tim mạch do xơ vữa, quyết
định lựa chọn liều aspirin có thể giải quyết nhiều vấn đề trong điều trị để cải
thiện kết cục lâm sàng của bệnh nhân mắc các bệnh tim mạch do xơ vữa như tử
vong, nhồi máu cơ tim, đột quỵ và chảy máu.
So sánh hiệu quả aspirin ở
liều khác nhau trên bệnh nhân mắc các bệnh tim mạch vừa được công bố trên tạp
chí NEJM (New England Journal of Medicine) để hỗ trợ việc đưa
ra quyết định điều trị trong thực hành lâm sàng.
PHƯƠNG PHÁP
Bệnh nhân tham gia nghiên cứu được chia ngẫu nhiên 1:1 vào
một trong hai nhóm aspirin liều 81 mg/ngày và liều 325 mg/ngày, bệnh nhân được
thăm khám mỗi 3 tháng hoặc 6 tháng để đánh giá hiệu quả tần suất thăm khám,
đánh giá lâm sàng đối với bệnh nhân.
Tiêu chí chính của nghiên cứu là thời gian xảy ra biến cố
phối hợp đầu tiên bất kỳ (tử vong vì bất kỳ nguyên nhân nào, nhập viện do nhồi
máu cơ tim, nhập viện do đột quỵ).
Tiêu chí phụ của nghiên cứu bao gồm tái tưới máu mạch
vành, biến cố đơn lẻ của tiêu chí phối hợp chính và nhập viện do thiếu máu não
thoáng qua. Tiêu chí an toàn chính là chảy máu nghiêm trọng (phải nhập viện
truyền máu).
KẾT QUẢ
Có 15.076 bệnh nhân tham gia nghiên cứu được phân ngẫu nhiên
vào 2 nhóm, trong đó:
7540 bệnh nhân được điều trị bằng aspirin 81 mg/ngày
7536 bệnh nhân được điều trị bằng aspirin 325 mg/ngày, 35.3%
bệnh nhân có tiền sử nhồi máu cơ tim
53% bệnh nhân có tiền sử cần phải tái tưới máu mạch vành
trong vòng 5 năm trước khi tiến hành thử nghiệm
Trong số 15.076 bệnh nhân, có 96% bệnh nhân được điều trị
bằng aspirin trước khi tham gia nghiên cứu. Trong số 96% bệnh nhân này, có
85.3% bệnh nhân điều trị bằng aspirin liều 81 mg, 2.3% bệnh nhân điều trị bằng
aspirin liều 162 mg và 12.2% bệnh nhân điều trị bằng aspirin liều 325 mg.
Kết quả về tính hiệu quả
Tiêu chí chính (tử vong vì
bất kỳ nguyên nhân nào, nhập viện vì nhồi máu cơ tim hoặc nhập viện vì đột quỵ)
xảy ra ở 590 bệnh nhân nhóm aspirin 81 mg (315 bệnh nhân tử vong) và 569 bệnh
nhân nhóm aspirin 325 mg (357 bệnh nhân tử vong). Tiêu chí lâm sàng phụ tương
đồng giữa 2 nhóm bệnh nhân.
Kết quả về tính an toàn
53 bệnh nhân điều trị bằng aspirin 81 mg và 44 bệnh nhân
điều trị bằng 325 mg phải nhập viện vì chảy máu (phải nhập viện truyền máu).
Tuân thủ điều trị
Tỷ lệ bệnh nhân ngưng điều trị ở nhóm aspirin 81 mg và
aspirin 325 mg lần lượt là 7.0% và 11.1%. Tỷ lệ bệnh nhân đổi liều điều trị là
7.1% ở nhóm aspirin 81 mg và 41.6% ở nhóm aspirin 325 mg.
BÀN LUẬN
Kết quả của nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa về hiệu
quả hoặc an toàn giữa aspirin liều 81 mg và 325 mg. Trong quá trình tiến hành
thử nghiệm, bệnh nhân được điều trị bằng aspirin 325 mg có xu hướng ngưng
aspirin và đổi sang aspirin liều 81 mg thường xuyên hơn bệnh nhân nhóm aspirin
liều 81 mg.
TÓM
TẮT KẾT LUẬN
Aspirin liều 81 mg và 325 mg có hiệu quả tương tự trong
việc phòng ngừa các biến cố tim mạch ở bệnh nhân mắc bệnh tim mạch do xơ vữa
Không có sự khác biệt về nguy cơ chảy máu nghiêm trọng
giữa aspirin liều 81 mg và 325 mg
Bệnh nhân có xu hướng tuân thủ điều trị hơn khi được điều
trị bằng aspirin liều 81 mg.
Jones WS, Mulder H, Wruck
LM, Pencina MJ et al. Comparative Effectiveness of Aspirin Dosing in
Cardiovascular Disease. N Engl J
Med. 2021 May 27;384(21):1981-1990. DOI: 10.1056/NEJMoa2102137.
BS.CKII.
Nguyễn Duy Khương