I. Đại cương
Béo phì là một bệnh mạn tính, đa yếu tố và tái phát, do nhiều nguyên nhân gây ra như chế độ ăn uống, hoạt động thể chất, di truyền, yếu tố về môi trường, lối sống và được định nghĩa là chỉ số khối cơ thể (BMI) ≥ 30 kg/m2.
Theo thống kê 2023, trên toàn thế giới đã có hơn 1 tỷ người mắc béo phì, bao gồm 650 triệu người trưởng thành, 340 triệu thanh thiếu niên và 39 triệu trẻ em. Đây là một con số rất lớn và đáng báo động. Dự báo đến năm 2035, 51% dân số toàn cầu, khoảng 4 tỷ người sẽ bị thừa cân. Điều này cho thấy tình trạng béo phì sẽ tiếp tục gia tăng nếu không có các giải pháp can thiệp kịp thời. Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tốc độ gia tăng thừa cân, béo phì nhanh nhất ở Đông Nam Á, cần có các chính sách và chiến lược can thiệp phù hợp.
Béo phì không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cá nhân mà còn gây ra gánh nặng lớn về chi phí chăm sóc y tế và ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội. Việc nâng cao nhận thức, thay đổi lối sống và áp dụng các biện pháp can thiệp hiệu quả là cần thiết để kiểm soát và ngăn ngừa tình trạng béo phì đang gia tăng.
II. Yếu tố nguy cơ
1. Chế độ ăn uống không lành mạnh: Ăn nhiều thực phẩm giàu calo, chất béo, đường và ít rau quả.
2. Hoạt động thể chất không đủ: Ít vận động, ít tập luyện.
3. Yếu tố di truyền: Một số người có tiền sử gia đình mắc béo phì dễ bị béo phì hơn.
4. Yếu tố môi trường và lối sống: công việc văn phòng ít vận động, tiếp cận thực phẩm không lành mạnh.
5. Rối loạn nội tiết: Như suy giáp, hội chứng buồng trứng đa nang.
6. Một số thuốc như corticosteroid, một số thuốc tâm thần.
III. Biến chứng sức khỏe do béo phì gây ra
1. Bệnh tim mạch: Tăng huyết áp, bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não.
2. Bệnh đái tháo đường
3. Ung thư: ung thư vú, ung thư đại – trực tràng, ung thư tuyến tiền liệt.
4. Rối loạn về khớp: Đau nhức, thoái hóa khớp.
5. Các bệnh về hô hấp: Ngừng thở khi ngủ, hen suyễn.
6. Các vấn đề về sức khỏe tâm thần: Trầm cảm, lo lắng.
IV. Các phương pháp điều trị bệnh béo phì
1. Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống
- Chế độ ăn cân bằng: Giảm lượng calo, đạm, chất béo, tăng cường tiêu thụ rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, đậu. Ăn nhiều bữa nhỏ thay vì ít bữa lớn.
- Tăng cường hoạt động thể chất: Tập luyện thể dục nhẹ như đi bộ, bơi lội, yoga, kết hợp với tập thể dục cường độ cao như chạy bộ, xe đạp. Mục tiêu là tăng dần thời gian và cường độ luyện tập.
- Thay đổi thói quen ăn uống và luyện tập trở thành lối sống lành mạnh. Áp dụng kỹ thuật như giữ nhật ký ăn uống, lập kế hoạch, tạo động lực, quản lý stress.
- Tỷ lệ thành công về giảm cân thường đạt 5-10% trong 6-12 tháng. Tuy nhiên, duy trì và không tăng cân trở lại là thách thức lớn, tỷ lệ thành công lâu dài chỉ khoảng 20-30%.
2. Điều trị nội khoa
- Một số loại thuốc như Orlistat, Liraglutide, Phentermine-Topiramate được sử dụng để kiểm soát cảm giác thèm ăn, hấp thu calo hoặc tăng cường chuyển hóa.
- Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc cần được bác sĩ chỉ định và theo dõi chặt chẽ các tác dụng phụ.
- Có thể giúp giảm cân khoảng 5-15% so với ban đầu. Tác dụng duy trì lâu dài khi ngừng thuốc thường kém, tỷ lệ tái tăng cân cao.
3. Can thiệp phẫu thuật
- Theo Hiệp hội Phẫu thuật Chuyển hóa và Giảm béo Hoa Kỳ và Liên đoàn Phẫu thuật Điều trị Rối loạn Béo phì và Chuyển hóa Quốc tế (2022), những bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật giảm béo khi BMI cơ thể > 35 kg/m2 bất kể bệnh đi kèm và những người có chỉ số BMI từ 30 đến 34,5 kg/m2 bị rối loạn chuyển hóa như bệnh lý tim mạch, đái tháo đường type 2, ngưng thơ khi ngủ,…
- Lợi ích của phẫu thuật béo phì:
+ Giảm cân lâu dài và ổn định
+ Cải thiện hoặc chữa khỏi các bệnh lý liên quan đến béo phì: Đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, ngưng thở khi ngủ, bệnh lý tim mạch và xương khớp
+ Giảm chi phí điều trị lâu dài
+ Cải thiện tâm lý và chất lượng cuộc sống
- Phẫu thuật có thể giúp giảm cân 25-35% so với trọng lượng cơ thể ban đầu. Tỷ lệ thành công lâu dài là từ 50-80%, đạt hiệu quả cao so với các phương pháp khác.
- Một số phương pháp phẫu thuật: thắt đai dạ dày, nối tắt dạ dày, tạo dạ dày hình ống. Trong đó, phẫu thuật cắt dạ dày hình ống điều trị béo phì đang được áp dụng nhiều nơi trên thế giới và hiện tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đang triển khai kỹ thuật này đã được nhiều kết quả khích lệ.
V. TƯ VẤN VÀ ĐIỀU TRỊ
Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ hiện đang triển khai kỹ thuật phẫu thuật cắt dạ dày tạo hình ống trong điều trị béo phì, với sự hợp tác đặc biệt từ Giáo sư Grevee, Chủ tịch Hội Phẫu thuật Béo phì Châu Âu, phẫu thuật viên người Hà Lan và có hơn 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Ngoài việc tiếp cận các phương pháp phẫu thuật tiên tiến, bệnh nhân đến khám tại bệnh viện sẽ được hưởng lợi từ chương trình tư vấn và khám miễn phí. Đội ngũ chuyên gia của bệnh viện, bao gồm cả Giáo sư Grevee, sẽ trực tiếp tham gia đánh giá tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, đưa ra các khuyến nghị phù hợp và xây dựng kế hoạch điều trị cá nhân hóa. Việc tư vấn không chỉ tập trung vào phương pháp phẫu thuật mà còn hướng đến việc hỗ trợ bệnh nhân hiểu rõ về các lựa chọn điều trị, các yếu tố rủi ro, và cách thức thay đổi lối sống để đạt được kết quả tốt nhất sau phẫu thuật. Đây là một cơ hội quý giá để khách hàng nhận được sự chăm sóc và hướng dẫn từ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực điều trị béo phì, đảm bảo khách hàng có đủ thông tin và sự chuẩn bị tốt nhất trước khi quyết định tiến hành điều trị.
- Cắt tạo hình dạ dày hình ống (Gastric sleeve): Phẫu thuật viên sẽ cắt bỏ 1 phần dạ dày và tạo hình dạ dày thành hình ống.
- Nối tắt dạ dày (Gastric Bypass): Tạo hình túi dạ dày nhỏ và nối với ruột non.
- Thắt đai dạ dày (Lap Band): Thắt 1 đai phần trên dạ dày, tạo nên một túi nhỏ phía trên. Do đó, khi ăn sẽ nhanh no hơn.
- Chuyển dòng mật tụy (Duodenal Switch): Cắt bỏ một phần dạ dày và chuyển dòng dịch ruột và dịch mật – tụy.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Mahmoud AM: An overview of epigenetics in obesity: The role of lifestyle and therapeutic interventions. Int J Mol Sci 23 (3):1341. 2022. doi: 10.3390/ijms23031341
2. Nan C, Guo B, Claire Warner C, et al: Heritability of body mass index in pre-adolescence, young adulthood and late adulthood. Eur J Epidemiol 27 (4):247–253, 2012 doi: 10.1007/s10654-012-9678-6 Xuất bản điện tử ngày 18 tháng 3 năm 2012.
3. Ajslev TA, Andersen CS, Gamborg M, et al: Childhood overweight after establishment of the gut microbiota: The role of delivery mode, pre-pregnancy weight and early administration of antibiotics. Int J Obes 35 (4): 522–529, 2011. doi: 10.1038/ijo.2011.27
4. Heindel JJ, Newbold R, Schug TT: Endocrine disruptors and obesity. Nat Rev Endocrinol 11 (11):653–661, 2015. doi: 10.1038/nrendo.2015.163
5. Williamson DF, Thompson TJ, Anda RF, et al: Body weight and obesity in adults and self-reported abuse in childhood. Int J Obes Relat Metab Disord 26 (8):1075–1082, 2002 doi: 10.1038/sj.ijo.0802038
6. Anda RF, Felitti VJ, Bremner JD, et al: The enduring effects of abuse and related adverse experiences in childhood. A convergence of evidence from neurobiology and epidemiology. Eur Arch Psychiatry Clin Neurosci 256 (3):174–186, 2006 doi: 10.1007/s00406-005-0624-4
7. Taheri S, Lin L, Austin D, et al: Short sleep duration is associated with reduced leptin, elevated ghrelin, and increased body mass index. PLoS Med 1 (3):e62, 2004 doi: 10.1371/journal.pmed.0010062 Xuất bản điện tử ngày 7 tháng 12 năm 2004.
KHOA NGOẠI TỔNG HỢP