Vừa qua Trung tâm Tiết niệu Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam L.M.P, 55 tuổi, ngụ tại Hậu Giang vào viện vì một một cơn đau quặn thận bên trái đã 5 ngày, không lan, không tư thế giảm đau, tiểu gắt buốt, sau khi nhập viện bệnh nhân được chẩn đoán Sỏi niệu quản kích thước to 1/3 trên bên trái. Bệnh nhân được phẫu thuật với phương pháp nội soi hông lưng sau phúc mạc để lấy sỏi với ekip phẫu thuật gồm ThS.BSCKI Quách Võ Tấn Phát, BS NT Nguyễn Nhật Huy, BS NT Võ Hiếu Nghĩa. Sau phẫu thuật bệnh nhân tiếp tục được cho kháng sinh, giảm đau. Sau 3 ngày, vết mổ khô lành tốt, không còn rỉ dịch, da quanh vết mổ không sưng, không nóng đỏ, bệnh nhân không sốt, ăn uống được nên đã được cho xuất viện.
Bệnh sau vào viện được chỉ định siêu âm ổ bụng với kết quả trả về như sau:
Thận (T) ứ nước độ III do sỏi niệu quản đoạn 1/3 trên kích thước 34mm, niệu quản dãn đường kính #23mm.
Hình ảnh siêu âm của người bệnh.
Hình ảnh phim X quang, sỏi cản quang niệu quản trái kích thước rất to ở đoạn 1/3 trên.
Chúng tôi đánh giá đây là một trường hợp khó, bệnh nhân đã có sỏi kẹt ở đoạn niệu quản từ lâu mà không phát hiện ra, sỏi này càng to lên và niệu quản ngày càng dãn nhiều hơn khiến cho nước tiểu bị ứ lại ở thận dẫn dến tình trạng thận ứ động nước độ III.
Nếu viên sỏi này không được lấy ra ngoài thì thận sẽ càng ứ nước và dẫn đến tình trạng mất chức năng của quả thận.
Thận trái: không sỏi, ứ nước độ III. Nhu mô có vài cấu trúc đậm độ dịch, bờ đều, giới hạn rõ, không ngấm thuốc sau tiêm, ktmax#7x8mm. Niệu quản giãn đường kính #27mm, đoạn 1/3 trên có một sỏi kt#20x16x31mm, đậm độ khoảng +1516HU.
Sau khi có kết quả cận lâm sàng, các bác sĩ đã hội chẩn để tìm ra phương pháp điều trị tối ưu nhất, tiết kiệm nhất, ít xâm lấn cho bệnh nhân là Nội soi hông lưng sau phúc mạc lấy sỏi. Lấy sỏi nội soi qua hông lưng sau phúc mạc là phương pháp điều trị can thiệp ngoại khoa ít xâm lấn, mở niệu quản lấy sỏi nội soi qua đường sau phúc mạc thông qua lỗ Trocar (đóng vai trò như một ống thông để các bác sĩ đưa máy nội soi và các dụng cụ khác vào bên trong cơ thể).
Hình ảnh viên sỏi kích thước 3x2cm.
Bệnh nhân sau khi được đặt ống dẫn lưu và khâu da thì được chuyển xuống chăm sóc ở hậu phẫu.
SỎI NIỆU QUẢN VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
1. Tổng quan bệnh Sỏi niệu quản
Sỏi niệu quản là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tắc nghẽn đường tiểu. Đây là nỗi lo của không ít người bệnh, bởi sỏi niệu quản để lâu có thể gây nhiều hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe. Tùy thuộc vào kích thước và vị trí, sỏi có thể đau nhiều và cần thiết phải can thiệp y tế nếu nó không tự đào thải. Do đó, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ là yếu tố quan trọng để nhanh tống khỏi viên sỏi ra ngoài. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, hãy cùng tìm hiểu ngay tại bài viết dưới đây.
Hình 1: Hình ảnh giải phẫu hệ tiết niệu bình thường không xuất hiện sỏi niệu quản.
Hình 2: Hình ảnh sỏi niệu quản trên mô phỏng.
2. Sỏi niệu quản là gì?
Niệu quản là 1 đường ống dài khoảng 25cm dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang, càng xuống cuối niệu quản càng hẹp lại.
Sỏi niệu quản là sỏi nằm trong lòng niệu quản, gây cản trở dòng nước tiểu từ thận xuống bàng quang, có thể gây tắc nghẽn khiến thận bị ứ đọng nước tiểu, dẫn đến nhiều biến chứng.
Sỏi có thể gặp ở bất cứ đoạn nào của niệu quản nhưng hay gặp nhất là 3 vị trí hẹp sinh lý của niệu quản:
• Đoạn nối thận vào niệu quản
• Đoạn nối niệu quản vào bàng quang
• Đoạn niệu quản nằm phía trước động mạch chậu.
Số lượng thường là 1 viên, đôi khi nhiều viên hay thành một chuỗi sỏi. Đoạn niệu quản có sỏi thường viêm dính dày lên, đoạn niệu quản trên dãn to, đoạn niệu quản dưới teo nhỏ, chít hẹp….
Sỏi niệu quản gặp ở cả nam và nữ, thường gặp sau 20 tuổi, là 1 bệnh rất thường gặp tại Việt Nam.
Hình 3: Hình ảnh mô tả tổng thể những điều cần biết về sỏi niệu quản như nguyên nhân, triệu chứng, điều trị.
3. Nguyên nhân bệnh sỏi niệu quản
Sỏi niệu quản thường do sỏi rơi từ trên thận xuống. Chỉ một tỉ lệ nhỏ sỏi niệu quản được sinh ra tại chỗ do các dị dạng niệu quản làm tăng nguy cơ ứ đọng nước tiểu, từ đó dẫn đến lắng đọng các tinh thể kết tụ thành sỏi.
Sỏi niệu quản được tạo thành từ các tinh thể trong nước tiểu của người bệnh kết tụ lại với nhau. Chúng thường hình thành trong thận trước khi đi vào niệu quản.
Không phải tất cả sỏi niệu quản đều được tạo thành từ các tinh thể giống nhau. Những viên sỏi này có thể hình thành từ các loại tinh thể khác nhau như:
• Chất vôi: Sỏi được tạo thành từ các tinh thể calci oxalat là phổ biến nhất. Là mất nước và ăn một chế độ ăn uống bao gồm rất nhiều loại thực phẩm oxalate cao có thể làm tăng nguy cơ phát triển sỏi.
• Acid uric: Loại sỏi này phát triển khi nước tiểu quá toan (acid). Nó phổ biến hơn ở nam giới và những người bị bệnh gút.
• Struvite: Những loại sỏi này thường liên quan đến nhiễm trùng thận mãn tính và chủ yếu được tìm thấy ở những phụ nữ thường xuyên bị nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs).
• Cystine: Loại sỏi ít phổ biến nhất, sỏi cystine xảy ra ở những người mắc chứng rối loạn di truyền cystin niệu. Chúng được tạo ra khi cystine, một loại acid amin, rò rỉ vào nước tiểu từ thận.
Hình 4. Các loại sỏi niệu quản có thể gặp.
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi, bao gồm:
• Tiền sử gia đình: Nếu cha mẹ hoặc anh chị em của người bệnh bị sỏi thận hoặc sỏi niệu quản, người bệnh cũng có thể bị sỏi thận.
• Mất nước: Nếu người bệnh không uống đủ nước, người bệnh có xu hướng tạo ra một lượng nhỏ nước tiểu rất cô đặc. Người bệnh cần sản xuất một lượng nước tiểu lớn hơn để muối sẽ được hòa tan, thay vì cứng lại thành tinh thể.
• Chế độ ăn: Ăn một chế độ ăn nhiều natri (muối), protein động vật và thực phẩm giàu oxalat có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi. Thực phẩm giàu oxalat bao gồm rau bina, trà, sô cô la và các loại hạt. Tiêu thụ quá nhiều vitamin C cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
• Một số loại thuốc: Một số loại thuốc khác nhau, bao gồm một số loại thuốc thông mũi, thuốc lợi tiểu, steroid và thuốc chống co giật, có thể làm tăng khả năng hình thành sỏi.
• Một số tình trạng bệnh khác: Người bệnh có thể dễ bị sỏi hơn nếu người bệnh có: Một sự tắc nghẽn của đường tiết niệu, bệnh viêm ruột, bệnh gout, cường cận giáp, béo phì, nhiễm trùng tiểu tái phát.
4. Dấu hiệu của bệnh sỏi niệu quản
Người bệnh có thể nghĩ đến một tình trạng sỏi niệu quản nếu gặp những triệu chứng sau:
• Đau: Khi sỏi di chuyển từ thận xuống niệu quản, người bệnh sẽ cảm thấy đau ở thận với các biểu hiện như xuất hiện các cơn đau đột ngột, mức độ đau dữ dội từng cơn, đau từ vùng thắt lưng lan tới vùng bẹn.
• Tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu đục: Người bệnh có thể bị tiểu rắt, tiểu buốt. Màu nước tiểu bị đục, xuất hiện mủ (dấu hiệu của nhiễm trùng thận ngược chiều nếu có sốt kèm rét run). Triệu chứng này đe dọa nghiêm trọng tới chức năng thận. Người bệnh có nguy cơ bị nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng.
• Tiểu máu: Sỏi có thể ma sát với thành niệu quản, gây xuất huyết, dẫn tới tình trạng tiểu ra máu.
• Một số trường hợp hiếm có thể tiểu ra sỏi nhỏ.
• Các triệu chứng kèm theo có thể xảy ra như sốt, rét run, buồn nôn, bụng chướng, bí trung đại tiện.
Hình 5. Sỏi niệu quản có thể gây nên một cơn đau bão thận khiến người bệnh không thể chịu đựng được.
Hình 6. Một triệu chứng khác có thể có nếu sỏi kẹt ở niệu quản.
Sỏi niệu quản có thể tiến triển nếu không được điều trị sớm gây ra các biến chứng như:
• Ứ nước tại thận gây giãn đài bể thận: Do sỏi chặn đường nước tiểu đi qua, nước tiểu không xuống được bàng quang để đào thải ra ngoài gây ra ứ nước tại thận, giãn đài bể thận làm ảnh hưởng tới chức năng thận.
• Viêm đường tiết niệu: Khi viên sỏi di chuyển làm tổn thương niêm mạc niệu quản tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây viêm với biểu hiện sốt cao rét run, hố thắt lưng căng đau.
• Suy thận cấp: Xảy ra khi sỏi gây tắc hoàn toàn đường niệu quản gây ra triệu chứng vô niệu.
• Suy thận mạn: Khi viêm đường tiết niệu xảy ra kéo dài gây ra suy thận mạn, các tế bào thận tổn thương không phục hồi.
5. Phòng ngừa bệnh sỏi niệu quản
Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:
• Uống nước đều đặn. Đối với những người có tiền sử sỏi thận, các bác sĩ thường khuyên bạn nên thải ra khoảng 2,6 lít (2,5 lít) nước tiểu một ngày. Nếu nước tiểu có màu vàng nhạt, trong thì chứng tỏ bạn đã uống đủ nước
• Hạn chế ăn các loại thực phẩm có nhiều canxi oxalat như: sữa, phô mai, nước chè đặc, củ cải, đậu bắp
• Hạn chế ăn muối và protein động vật: giảm lượng muối ăn và chọn nguồn protein từ thực vật ví dụ như các loại đậu, nấm…
• Cẩn thận với việc bổ sung canxi: canxi trong thức ăn không có ảnh hưởng đến nguy cơ sỏi thận, vì vậy bạn hãy tiếp tục ăn các loại thực phẩm giàu canxi trừ khi bác sĩ khuyến cáo không nên. Bạn hãy hỏi bác sĩ trước khi dùng thuốc bổ sung canxi, vì chúng có thể tăng nguy cơ bị sỏi thận.
Hình 7. Những thực phẩm nên ăn và nên tránh nếu có sỏi niệu quản.
6. Phương pháp chẩn đoán sỏi niệu quản
Bác sĩ sẽ chẩn đoán lâm sàng dựa theo đặc điểm cơn đau của người bệnh như đau vùng hông lưng hay cơn đau quặn thận. Ngoài ra, một số phương pháp chẩn đoán thường được áp dụng như:
• Siêu âm: Đây là phương tiện ban đầu gợi ý chẩn đoán sỏi niệu quản với dấu hiệu thận ứ nước, niệu quản giãn. Kết quả siêu âm thường cho thấy sỏi niệu quản tại đoạn ⅓ trên và ⅓ dưới của niệu quản.
• X-quang hệ tiết niệu (KUB): Phương pháp này có thể phát hiện sỏi niệu quản trong khoảng 60 – 80% trường hợp, trừ những loại sỏi không cản quang như sỏi axit uric, sỏi cystine.
• Chụp cắt lớp (MSCT): Đây là phương pháp giúp xác định vị trí, kích thước và độ cản quang sỏi, mức độ tắc nghẽn với độ chính xác cao.
• Xét nghiệm máu: Kết quả xét nghiệm máu sẽ giúp bác sĩ xác định liệu có quá nhiều canxi hay axit uric trong máu của người bệnh hay không. Qua đó, bác sĩ có thể theo dõi chức năng thận, đánh giá tình trạng nhiễm trùng kèm theo.
• Xét nghiệm nước tiểu: Dùng để đánh giá có nhiễm khuẩn đường tiết niệu hay không.
7. Điều trị sỏi niệu quản
Điều trị cấp cứu
Khi sỏi niệu quản gây viêm bể thận cấp tính, người bệnh có thể bị đau hông lưng và có sốt lạnh, rét run kèm theo. Khi đó, bác sĩ sẽ cần phải giải quyết tình trạng tắc nghẽn với thủ thuật mở thận ra da (nephrostomy) hay đặt thông niệu quản và phối hợp kháng sinh điều trị phù hợp. Khi giải quyết xong tình trạng nhiễm khuẩn, người bệnh mới được can thiệp lấy sỏi.
Điều trị nội khoa
Khi sỏi còn nhỏ có đường kính ≤ 10mm, nhẵn và bờ rõ nét, chức năng thận bình thường, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh điều trị nội khoa. Thời gian theo dõi điều trị nội khoa khoảng 4 – 6 tuần.
Điều trị ngoại khoa
Bác sĩ chỉ can thiệp phẫu thuật với các trường hợp như:
• Sỏi niệu quản trên 1cm
• Sỏi niệu quản có nhiễm khuẩn đường tiết niệu
• Không đáp ứng với các phương pháp giảm đau
• Điều trị nội khoa không hiệu quả
• Chức năng thận bị ảnh hưởng (suy thận, sỏi niệu quản, sỏi thận độc nhất, sỏi niệu quản 2 bên)
Một số phương pháp điều trị sỏi niệu quản bằng ngoại khoa bao gồm:
• Tán sỏi ngoài cơ thể
• Nội soi niệu quản ngược dòng tán sỏi
• Phẫu thuật nội soi lấy sỏi
• Tán sỏi qua da
• Mổ mở lấy sỏi
Hình 8. Các phương pháp phẫu thuật có thể đề ra khi có sỏi niệu quản và mở rộng hơn với sỏi thận hoặc sỏi bàng quang.