I. Tổng quan:
Giảm đau sau mổ là một vấn đề luôn được đặt lên hàng đầu về việc chăm sóc bệnh nhân toàn diện sau phẫu thuật. Các bác sĩ đã thực hiện các kỹ thuật giảm đau sau mổ tương ứng với từng loại phẫu thuật nhằm giúp người bệnh không còn nỗi ám ảnh về cơn đau sau mổ. Ngoài các phương pháp giảm đau thông thường thì kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng là phương pháp tối ưu, hiệu quả giảm đau cao được xem là tiêu chuẩn vàng để giảm đau cho người bệnh phẫu thuật vùng ngực, bụng… ví dụ: phẫu thuật cắt phổi, cắt thực quản, cắt gan, cắt dạ dày, cắt đại tràng và cắt trực tràng.
Ảnh vị trí gây tê ngoài màng cứng
Kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng là kỹ thuật đưa một catheter vào khoang ngoài màng cứng, từ đó truyền thuốc giảm đau. Thuốc này có tác dụng ức chế cảm giác đau mà không ảnh hưởng nhiều đến chức năng vận động.
Ảnh thực hiện kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng
II. Một số ưu điểm nổi bật của gây tê ngoài màng cứng giảm đau sau mổ:
- Giảm đau hiệu quả: Gây tê ngoài màng là phương pháp giảm đau mạnh và hiệu quả, giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn sau phẫu thuật, giảm liều thuốc giảm đau khác (đặc biệt là morphin), giảm sự lo âu về cơn đau cho bệnh nhân, nhanh hồi phục sức khỏe.
- Ít tác dụng phụ: So với các phương pháp giảm đau toàn thân, gây tê ngoài màng cứng thường có ít tác dụng phụ hơn như buồn nôn, mệt mỏi, hoặc táo bón. Điều này giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn.
- Cải thiện quá trình hồi phục: Giảm đau tối ưu, rút ngắn thời gian nằm viện, giảm các biến chứng do nằm lâu, nhanh lành vết mổ.
III. Chỉ định:
Gây tê ngoài màng cứng có chỉ định giảm đau sau mổ cho những phẫu thuật có mức độ đau nhiều như:
- Phẫu thuật cắt thực quản, dạ dày.
- Phẫu thuật cắt đại trực tràng
- Phẫu thuật cắt phổi.
- Phẫu thuật cắt gan.
- Phẫu thuật cắt khối tá tụy.
IV. Chống chỉ định:
- Bệnh nhân từ chối thực hiện.
- Bệnh nhân thiếu khối lượng tuần hoàn chưa bù đủ, sốc.
- Bệnh nhân đang sử dụng thuốc kháng đông máu và dừng các thuốc chống đông chưa đủ thời gian.
- Bệnh nhân đang bị nhiễm trùng vùng lưng.
- Bệnh nhân hẹp van hai lá khít, van động mạch chủ khít.
- Bệnh nhân suy tim nặng mất bù.
- Bệnh nhân tăng áp lực nội sọ.
V. Theo dõi và chăm sóc catheter ngoài màng cứng giảm đau sau mổ:
Vì gây tê ngoài màng cứng là một kỹ thuật gây tê vùng được thực hiện bằng cách đưa thuốc tê vào bên trong khoang ngoài màng cứng nhằm ức chế dẫn truyền thần kinh ở một vùng nhất định trên cơ thể do các rễ thần kinh chi phối nên việc theo dõi và chăm sóc catheter rất quan trọng và phải được đào tạo.
Ảnh sau khi gây tê ngoài màng cứng
- Đảm bảo kỹ thuật được thực hiện vô khuẩn: sử dụng catheter và thuốc đưa vào khoang ngoài màng cứng phải vô khuẩn, thao tác đảm bảo vô khuẩn, hệ thống dây nối bơm tiêm điện kín và liên tục, phải thay ngay nếu hệ thống bị rò rỉ.
- Nếu sử dụng bơm tiêm điện truyền liên tục thuốc giảm đau ngoài màng cứng phải đảm bảo vô khuẩn và thay mới sau mỗi 24 giờ.
- Các thuốc được đưa vào khoang ngoài màng cứng phải được pha đúng chỉ định, đúng thành phần và đúng liều lượng theo chỉ định Bác sĩ.
- Sử dụng monitor theo dõi bệnh nhân liên tục: nhịp tim, điện tim, huyết áp động mạch, độ bão hòa oxy mao mạch…và theo dõi tri giác bệnh nhân nhằm phát hiện kịp thời các tác dụng không mong muốn của thuốc tê.
- Theo dõi sát quá trình truyền thuốc, đáp ứng của người bệnh để điều chỉnh liều và ngưng ngay khi có dấu hiệu bất thường: mức độ phong bế cảm giác, mức độ đau và vận động.
- Theo dõi chân catheter có thấm dịch, máu, mủ, nhiễm trùng hoặc băng dán bị bong phải thay ngay. Theo dõi vị trí cố định catheter có lỏng, tuột hoặc gập gãy gây tắc catheter.
- Hướng dẫn bệnh nhân vận động tại giường trong suốt quá trình sử dụng catheter ngoài màng cứng nhằm tránh gây tuột, tắc catheter.
- Ghi ngày giờ thực hiện kỹ thuật và thời gian lưu catheter không quá 72 giờ.
- Hướng dẫn bệnh nhân tư thế cong lưng tối đa tạo điều kiện thuận lợi cho việc rút catheter được dễ dàng. Khi rút catheter đảm bảo nguyên tắc vô trùng: sát khuẩn bằng Povidine trước và sau rút catheter. Băng ép bằng gòn, gạc vô khuẩn trong 5 phút nhằm tránh tình trạng chảy máu. Kiểm tra và đánh giá lại sau 5 phút băng ép.
- Sau khi rút catheter kiểm tra lại chiều dài của catheter nhằm đảm bảo catheter nguyên vẹn, không bị cắt đứt còn sót lại.
Tiêu chuẩn chuyển người bệnh: không có rối loạn về huyết động và hô hấp, phục hồi hoàn toàn vận động.
Giảm đau sau mổ là một yếu tố quan trọng trong chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật. Gây tê ngoài màng cứng nổi bật như một phương pháp tối ưu nhờ vào khả năng cung cấp hiệu quả giảm đau cao, ít tác dụng phụ và khả năng điều chỉnh linh hoạt. Việc lựa chọn phương pháp giảm đau phù hợp kết hợp cùng việc quản lý hiệu quả là cần thiết để đảm bảo chất lượng chăm sóc bệnh nhân nhằm thúc đẩy quá trình hồi phục nhanh chóng và hiệu quả.