1. TÌNH HUỐNG SỐC PHẢN VỆ
Ngày 23/06/2024 Khoa CC-HSTC, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ có tiếp nhận một bệnh nhân nữ 24 tuổi, vào viện trong tình trạng rất nguy kịch. Sau khi hỏi bệnh thì bệnh nhân có tiền sử dị ứng tôm, cua, sau khi ăn cơm với ba khía khoảng 15 phút thì bệnh đột ngột đau quặn bụng, nôn ói, tiêu lỏng, toàn thân cảm giác ngứa, vã mồ hôi, tay chân lạnh nên được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Trường ĐHYDCT, qua thăm khám: tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch, tay chân lạnh, vã mồ hôi, thở nhanh sâu, mạch nhanh nhẹ khó bắt và huyết áp không đo được. Các bác sĩ nhận định đây là tình huống sốc phản vệ do thức ăn và tiến hành cấp cứu. Sau hơn 1 giờ cấp cứu khẩn trương theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì bệnh nhân dần cải thiện, sau 4 giờ thì các triệu chứng khó chịu không còn và dấu hiệu sinh tồn đã ổn định, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi tại khoa Cấp cứu và ra viện sau 2 ngày.
Bộ Y tế đã ban hành thông tư hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ từ năm 2017, trong đó định nghĩa rõ các thuật ngữ: Phản vệ là một phản ứng dị ứng, có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên gây ra các bệnh cảnh lâm sàng khác nhau, có thể nghiêm trọng dẫn đến tử vong nhanh chóng. Dị nguyên là yếu tố lạ khi tiếp xúc có khả năng gây phản ứng dị ứng cho cơ thể, bao gồm thức ăn, thuốc và các yếu tố khác. Sốc phản vệ là mức độ nặng nhất của phản vệ do đột ngột giãn toàn bộ hệ thống mạch và co thắt phế quản có thể gây tử vong trong vòng một vài phút.
2. THÔNG ĐIỆP
Hầu hết các tình huống dị ứng từ nhẹ đến nặng đều có biểu hiện tại da, niêm là: ngứa, phát ban, mề đay, phù mi mắt…sau khi tiếp xúc với dị nguyên và đây cũng là một chỉ điểm của bệnh cảnh phản vệ trên lâm sàng.
Tiếp xúc với dị nguyên: qua ăn, uống (ăn hay uống phải thức ăn gây dị ứng, uống phải thuốc gây dị ứng), da tiếp xúc với chất gây dị ứng, hít phải chất gây dị ứng, bị côn trùng cắn (ong đốt, kiến cắn, rết cắn…) cũng có thể gây dị ứng.
Khi dị ứng với thức ăn hay thuốc điều đó có nghĩa là chúng ta dị ứng với cả một nhóm những loại có công thức hóa học tương tự như thế, ví dụ như khi dị ứng với cua (sẽ có nguy cơ dị ứng với ghẹ, ba khía…), dị ứng thuốc kháng kháng sinh amoxicillin là một kháng sinh thuộc nhóm betalactams (có thể không dùng được bất kì thuốc nào thuộc nhóm này) nên các tình huống cần sử dụng kháng sinh phải hết sức cẩn thận và cần có ý kiến của bác sĩ.
Sau khi tiếp xúc với thức ăn lạ, thuốc hay bị côn trùng cắn…cơ thể xuất hiện ngứa, phát ban, mề đay, khó thở…thì nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
KHOA CẤP CỨU – HỒI SỨC TÍCH CỰC