Du lịch bằng đường hàng không đang rất phổ biến, khám phá và trải nghiệm cuộc sống ở những địa điểm mới không còn quá xa lạ với nhiều người. Chủ động lên kế hoạch trước để không ảnh hưởng đến việc điều trị là điều rất quan trọng cho hành trình của bạn.
● 6 việc bệnh nhân đái tháo đường nên làm trước chuyến đi:
1. Hãy đến bác sĩ để kiểm tra sức khỏe để đảm bảo bạn có đủ sức khỏe cho chuyến đi và bác sĩ cấp đơn thuốc cho bạn mang theo.
2. Hãy xác định vị trí các hiệu thuốc và phòng khám gần nơi bạn sẽ ở.
3. Nhận một vòng đeo tay y tế cho biết bạn bị đái tháo đường và bất kỳ tình trạng sức khỏe nào khác.
4. Mua bảo hiểm du lịch, rất có lợi trong trường hợp cần chăm sóc y tế.
5. Đặt bữa ăn phù hợp với kế hoạch của bạn trên chuyến bay.
6. Đóng gói một túi nhỏ để đựng insulin, thuốc viên, viên đường glucose và đồ ăn nhẹ tại chỗ ngồi của bạn như trái cây, các loại hạt...
● Lưu ý tại sân bay và trong khi bay:
1. Đến sân bay 2-3 giờ trước chuyến bay.
2. Mang theo toa thuốc và thiết bị y tế của bạn:
• Túi thuốc nên được tách khỏi các đồ đạc khác để dễ kiểm tra an ninh.
• Mang hoặc đeo giấy tờ tùy thân y tế và thông tin liên lạc bác sĩ của bạn.
• Chú ý máy theo dõi đường huyết liên tục và máy bơm insulin có thể bị hỏng khi đi qua máy chiếu X-quang, do đó bạn nên yêu cầu kiểm tra bằng tay.
• Một số thứ bạn có thể mang theo bao gồm: insulin, ống tiêm chưa sử dụng, kim thử đường, máy đo đường huyết, que thử máy đo đường huyết, tăm bông, que thử ceton trong nước tiểu.
3. Ăn uống tại sân bay cần lựa chọn thực phẩm lành mạnh như:
• Trái cây, các loại hạt, bánh mì sandwich, sữa chua.
• Rau trộn với thịt gà hoặc cá.
• Trứng và trứng tráng.
• Bánh mì kẹp thịt với rau thay vì bún.
• Fajitas (bánh cuốn nhân thịt nhưng nên bỏ qua loại làm bằng bột bắp).
4. Đi bộ lên xuống lối đi của máy bay mỗi giờ hoặc hai giờ một lần để ngăn ngừa cục máu đông (người mắc đái tháo đường có nguy cơ tắc mạch cao hơn) và nhớ đặt báo thức việc uống thuốc trên điện thoại nếu bạn đang di chuyển qua các múi giờ.
● 6 lưu ý tại điểm đến
1. Lúc đầu, lượng đường trong máu của bạn có thể nằm ngoài phạm vi mục tiêu nhưng cơ thể bạn sẽ điều chỉnh sau một vài ngày. Hãy kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên và chỉnh liều thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
2. Đừng hoạt động thể chất quá sức trong ngày nắng nóng. Tránh bị cháy nắng và không đi chân trần, nhất là đi trên bãi biển. Nhiệt độ cao có thể ảnh hưởng đến nhu cầu insulin của cơ thể.
3. Nếu bạn định hoạt động nhiều hơn bình thường, hãy kiểm tra lượng đường trong máu trước và sau đó để chỉnh liều insulin.
4. Thức ăn là một điểm lưu ý rất lớn và là sự cám dỗ! Bạn nên tránh các bữa tiệc tự chọn lớn và thay vào đó gọi thực đơn ít chất bột đường.
5. Nhớ một số cụm từ bằng tiếng Anh, chẳng hạn như "Tôi bị tiểu đường" (I have diabetes) và "Hiệu thuốc gần nhất ở đâu?" (Where is the nearest pharmacy?) rất có ích để giao tiếp khi cần.
6. Đừng quên mang theo khăn ướt để có thể lau tay trước khi kiểm tra lượng đường trong máu.
Bệnh đái tháo đường có thể khiến cuộc sống hàng ngày và việc đi lại trở nên khó khăn hơn nhưng không nhất thiết bạn cứ phải ở nhà.
Càng lên kế hoạch trước, bạn càng có thể thư giãn và tận hưởng mọi trải nghiệm thú vị trong chuyến đi của mình.
TS. VÕ MINH PHƯƠNG
Khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực
Tài liệu tham khảo
1. ADA main.diabetes.org/dorg/PDFs/Advocacy/Discrimination/air travel and diabetes.pdf.
2. TSA (Transportation Security Administration) Travel Tips: Travelers with Diabetes or other Medical Conditions.
3. CDC (Center for Disease Control and Prevention): 21 Tips for Traveling with Diabetes.