Giới thiệu ca bệnh
Bệnh nhân nam 46 tuổi vào viện vì phát hiện khối sưng vùng đáy hành lang hàm trên bên trái. Cách nhập viện 04 tháng bệnh nhân tình cờ phát hiện có tổn thương hàm trên vùng răng R21-R22 khi khám răng hàm mặt tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung Ương. Tại đây bệnh nhân được chỉ định chụp phim cắt lớp điện toán với chùm tia hình nón (Conebeam CT), phát hiện tổn thương vùng R21-22 là một vùng thấu quang, giới hạn rõ, kích thước 1x1cm bên trong lòng nang có 1 răng ngầm dư. Triệu chứng lúc nhập viện ghi nhận: đáy hành lang vùng răng từ R21-R25 có dấu hiệu mất xương, sờ gián đoạn, phồng niêm mạc mặt trong khẩu cái vùng R21-25. Gõ dọc đau các răng từ R21 đến R25 Thử độ sống tuỷ các răng 21, 22, 23, 24, 25 không đáp ứng.
Hình ảnh ghi nhận trước điều trị:
Hình 1: Hình ảnh ngoài mặt trước điều trị
Hình 2: Ảnh chụp trong miệng
A: Đáy hành lang vùng R21-R25 sờ đau, có vùng gián đoạn, sờ mật độ mềm.
B: Trong miệng phồng niêm mạc khẩu cái vungd R21-R25
Hình 3: Phim x quang toàn cảnh ghi nhận hình ảnh thấu quang vùng R21-R25 và răng dư vị trí vùng giữa răng R22-R23
Hình 4: Hình ảnh cắt lớp vi tính
A: Lắt cắt ngang ghi nhận hình ảnh nang kèm theo răng dư ngầm.
B: Phim dựng hình ghi nhận hình ảnh phá huỷ xương mặt ngoài R21-R23
Chẩn đoán được đưa ra là nang xương hàm trên vùng R21-R25 nghi do răng dư ngầm. Phương pháp điều trị là phẫu thuật cắt bỏ nang xương hàm trên, nhổ răng dư ngầm và giải phẫu bệnh học. Người bệnh được thực hiện các cận lâm sàng trước mổ. Phẫu thuật được thực hiện ngày 16/03/2023 dưới gây mê. Tạo vạt tam giác từ R11-24 giảm căng phía xa răng 24, bóc tách vạt toàn phần. Sang thương phá huỷ gần như toàn bộ xương hàm trên vùng R21-R24. Tiến hành gặm xương, bóc tách nang, lấy nang, dịch trong lòng nang màu vàng nâu, lấy răng dư ngầm bên trong lòng nang, kích thước nang được đánh giá đã phát triển to hơn kích thước đo đạc trên phim cắt lớp vi tính cách đây 04 tháng, tiến hành nạo kỹ kết hợp bơm rửa bằng dung dịch NaCl 0,9%. Đặt 01 mèche vải dẫn lưu, khâu đóng vạt và cố định mèche bằng chỉ Nylon 3.0. Sang thương lấy ra có vỏ bao rõ, dày, được cố định trong dung dịch Formaline 10% để làm giải phẫu bệnh học.
Hình 5: A: hình ảnh hốc xương hàm trên sau khi tổn thương được lấy đi
B: Đặt mèche vải dẫn lưu và khâu đóng vạt
C: Rút mèche dẫn lưu sau 24h phẫu thuật.
Hậu phẫu bệnh nhân sưng vùng môi trên trái, đau ít. Được điều trị thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau và được hướng dẫn thực hiện chế độ ăn uống chăm sóc phù hợp.
Tái khám sau 1 tuần phẫu thuật:
Hình 6: Tái khám sau phẫu thuật 7 ngày và cắt chỉ, tình trạng vết mổ lành, vết mổ không sưng không đỏ, không rỉ dịch.
Kết quả giải phẫu bệnh học: vách bọc có lớp thượng mô malpighi tăng sản, lòng bọc chứa dịch, chất hoại tử và các tinh thể lắng đọc. Trong mô đệm có nhiều tế bào viêm, nhiều mạch máu tăng sản và các đại bào dị vật.
Hình 7: Chẩn đoán giải phẫu bệnh: bọc rễ răng kèm viêm mạng tính
Hình 8: X quang răng toàn cảnh sau tái khám. Các răng liên quan nang xương hàm đã được điều trị nội nha từ R22-R25
Kết luận:
Nang xương hàm là một trong những bệnh lý thường gặp do nhiều nguyên nhân. Có thể do răng hoặc không do răng. Việc khám răng hàm mặt định kỳ giúp phát hiện sớm tổn thương, từ đó điều trị sớm cho người bệnh nhằm hạn chế các biến chứng nghiêm trọng cho người bệnh.
KHOA RĂNG HÀM MẶT