Chuyên khoa Răng hàm mặt

Răng khôn có khôn?

2019-07-24

5150 lượt xem bài viết.

Nhiều người thắc mắc vì sao gọi là răng khôn và than phiền gặp nhiều phiền toái bởi răng khôn. Phó Giáo Sư, Tiến sĩ – Bác sĩ Trương Nhựt Khuê, Trưởng Khoa Răng Hàm Mặt, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ chia sẻ vài thông tin bổ ích, giúp bạn đọc hiểu thêm về những chiếc răng khôn.

92

Vì sao gọi là răng khôn?

Răng khôn hay còn gọi răng cối lớn thứ ba, là răng mọc cuối cùng trên cung hàm. Tuổi mọc răng khôn từ 16 - 25 tuổi, vì thế mới có tên là răng khôn (mọc ở thời kỳ người có trí khôn). Bình thường con người có 4 chiếc răng khôn, thỉnh thoảng, số lượng này thay đổi, có thể không có chiếc nào, cũng có thể nhiều hơn bốn chiếc.

Những phiền toái gặp phải với răng khôn 

Răng khôn là răng mọc sau cùng trên cung hàm, nên thông thường cung răng không đủ chỗ cho răng mọc, hậu quả là răng không mọc đúng vị trí trên cung hàm, răng mọc kẹt. Hơn nữa, răng khôn ở vị trí sau cùng trên cung răng nên rất khó giữ vệ sinh, vì thế, răng rất dễ bị viêm nhiễm mô quanh thân răng (viêm lợi), sâu răng,… gây đau nhức, há miệng hạn chế, tụ mủ hay nhiễm khuẩn lan rộng gây sưng mặt hay rò mủ trong miệng hay ngoài mặt, thậm chí lan toàn thân gây nguy hiểm đến tính mạng.


Khi nào nên nhổ răng khôn?

Nếu răng khôn mọc đúng vị trí trên cung hàm và có răng đối diện thì răng đảm nhiệm chức năng của răng cối lớn là nhai và nghiền thức ăn. Chỉ nhổ răng khôn không mọc đúng vị trí, vì răng không thực hiện chức năng nhai, nghiền thức ăn. Tốt hơn hết nên nhổ răng khôn dự phòng trước khi để xảy ra các biến chứng nguy hại.

Biến chứng khi nhổ răng khôn  

Nhổ răng khôn là thủ thuật thường qui và phổ biến nhất của các bác sĩ phẫu thuật miệng và hàm mặt. Chỉ các bác sĩ Răng Hàm Mặt được đào tạo chuyên ngành phẫu thuật miệng và hàm mặt thực hiện việc nhổ răng khôn nhằm hạn chế rủi ro, tai biến trong và sau thủ thuật nhổ răng khôn. Để đảm bảo an toàn thủ thuật nhổ răng khôn, cũng như đánh giá mức độ khó, tiên đoán các nguy cơ có thể xảy ra khi thực hiện nhổ răng khôn, thông thường bác sĩ chuyên khoa sẽ hỏi bệnh sử, thăm khám lâm sàng, chụp Xquang và các xét nghiệm cơ bản cần thiết. Nhổ răng khôn có thể thực hiện tại phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt đối với những trường hợp nhổ răng khôn đơn giản; ngược lại, trường hợp khó nên thực hiện tại bệnh viện chuyên khoa răng hàm mặt.


Những nguy hại trong lúc thực hiện nhổ răng khôn thường gặp là gãy chân răng, vỡ xương ổ răng, sang chấn mô mềm, lung lay hay vỡ thân răng của răng kế cận, thông miệng – xoang hàm. Nguy hại sau nhổ răng khôn có thể gặp khu trú tại chỗ như: chảy máu, viêm ổ răng, khít hàm, tê môi, tê lưỡi tạm thời hay vĩnh viễn, tùy thuộc vào mức độ tổn thương thần kinh. Nhổ răng khôn có thể gây biến chứng toàn thân: nhiễm khuẩn sau nhổ răng có thể lan rộng đến các vùng lân cận như lên sọ mặt, xương cơ ngực hay nhiễm khuẩn huyết lan toàn bộ cơ thể, nguy cơ tử vong rất cao.

Phó giáo sư, Tiến sĩ – Bác sĩ Trương Nhựt Khuê khuyến cáo: “Mọi người cần khám răng định kỳ mỗi sáu tháng. Khi có vấn đề về răng miệng, cần đến cơ sở y tế chuyên khoa, để được các bác sĩ thăm khám, tư vấn từng trường hợp cụ thể để được điều trị kịp thời”.

 KHOA RĂNG HÀM MẶT 



Tin tức liên quan:
Điều trị nhiễm sắc nướu bằng Laser Diode
Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ phẫu thuật điều trị nang xương hàm do răng ngầm dư
Điều trị phẫu thuật nang xương hàm dưới trên bệnh nhân có cơ địa đặc biệt
Nhiễm nấm Candida màng giả vùng miệng
U nang hàm mặt