Đặt buồng tiêm truyền dưới da là phẫu thuật đưa 1 catheter vào một tĩnh mạch trung tâm và catheter đó nối với buồng tiêm truyền được đặt dưới da người bệnh ở vị trí thích hợp. Buồng tiêm truyền dưới da được chỉ định chủ yếu cho những bệnh nhân cần tiến hành hóa trị liệu, nuôi dưỡng đường tĩnh mạch lâu dài, chăm sóc giảm nhẹ. Mục đích của việc đặt buồng tiêm truyền là để tiêm truyền vào tĩnh mạch trung tâm lâu dài mà không cần phải lấy vein nhiều lần.
Trước đây, hầu hết bệnh nhân điều trị ung thư bằng hóa chất đều xảy ra tình trạng viêm xơ cứng mạch do các loại thuốc hóa trị gây kích ứng da, mô và tĩnh mạch ngoại vi. Việc tiêm truyền vào tĩnh mạch lúc này lại càng khó khăn hơn. Riêng những bệnh nhân được đặt buồng tiêm dưới da sẽ rất dễ dàng, thuận lợi trong việc tiêm truyền lẫn lấy máu xét nghiệm vì chỉ cần chọc kim vào ngay buồng tiêm dưới da này là có thể tiêm thuốc hoặc lấy máu dễ dàng.
Hình 1. Buồng tiêm truyền dưới da khi sau khi đặt
Chỉ định và chống chỉ định
Chỉ định
- Sử dụng đường truyền lâu dài.
- Hóa trị trong ung thư.
- Nuôi dưỡng tĩnh mạch lâu dài.
- Lấy máu nhiều lần.
- Thuốc đường tĩnh mạch.
Chống chỉ định
- Viêm tắc tĩnh mạch các loại.
- Huyết khối tĩnh mạch liên quan tới tĩnh mạch định đặt buồng tiêm.
- Viêm, nhiễm trùng vùng dự kiến đặt buồng tiêm.
- Bệnh lý rối loạn đông máu, cầm máu.
- Các bệnh nhiễm khuẩn huyết, suy giảm miễn dịch.
- Không đủ trang thiết bị, người bệnh không đồng ý.
Ưu điểm
- Thay thế đường truyền sử dụng kim.
- Nguy cơ nhiễm trùng thấp.
- Dễ chăm sóc.
- Thời gian sử dụng lâu dài.
- Ẩn dưới da.
Nguy cơ
- Đau do gây tê, khó chịu khi làm thủ thuật.
- Nhiễm trùng huyết.
- Chảy máu, chọc vào động mạch.
- Đau do kim chạm vào dây thần kinh.
- Chọc vào phổi.
Biến chứng
- Nhiễm trùng.
- Huyết khối.
- Tắc catheter.
- Thủng mạch (xuyên mạch).
- Tràn khí màng phổi.
- Tụt catheter.
Quy trình kỹ thuật
- Chuẩn bị bệnh nhân - Chuẩn bị dụng cụ.
- Vị trí: dưới đòn hoặc cảnh trong.
- Vị trí đặt buồng tiêm: 3-5cm dưới xương đòn.
- Chọc dò TM trung tâm, luồn catheter.
- Tạo đường hầm.
- Bóc tách đủ rộng để đặt buồng tiêm.
- Cố định chặt catheter với buồng tiêm.
- Khâu cố định, khâu da.
Hình 2. Buồng tiêm truyền dưới da và kim chuyên dụng cho buồng tiêm
Hình 3. Qui trình đặt buồng tiêm truyền dưới da
Các biểu hiện bình thường sau thực hiện kỹ thuật
- Do kim đâm xuyên qua da nên người bệnh thường có cảm giác đau, khó chịu. Buồng tiêm dưới da đòi hỏi sự chăm sóc giữa các lần sử dụng.
- Sau khi đâm kim vào buồng tiêm, nơi đặt kim tiêm sẽ được che phủ gạc y tế hoặc băng dán chuyên dụng. Sau mỗi lần sử dụng, kim được rút ra, gạc che phủ sẽ được tháo bỏ sau 24 giờ. Người bệnh cần phải giữ khô, sạch vùng này sau đó.
Hình 4. Hình ảnh X. quang sau đặt buồng tiêm
Các bất thường cần tái khám ngay
Vùng đặt buồng tiêm nên được giám sát thường xuyên và nếu thấy xuất hiện sưng, đỏ, bầm, đau, sốt, hoặc ớn lạnh, người bệnh phải báo ngay cho nhân viên y tế.
Hình 5. Một số biến chứng có thể có khi đặt buồng tiêm truyền dưới da
Chăm sóc
- Thay băng mỗi ngày đến khi cắt chỉ
- Cắt chỉ sau 7 ngày
- Sử dụng buồng tiêm để truyền dịch, tiêm truyền thuốc, lấy máu xét nghiệm
- Rửa buồng tiêm: bơm rửa buồng tiêm sau mỗi lần truyền thuốc, hóa chất, truyền máu, lấy máu hoặc mỗi 1-2 tháng nếu không sử dụng. Bơm rửa bằng dung dịch nước muối NaCl 0,9% 20ml, có hoặc không có heparin.
ThS. BSCKII. Vũ Văn Kim Long, ThS. Nguyễn Hồng Thiệp
KHOA GÂY MÊ HỒI SỨC