Nhiễm khuẩn liên quan tới chăm sóc y tế (gọi tắt là nhiễm khuẩn bệnh viện) là các nhiễm khuẩn xảy ra trong quá trình người bệnh được chăm sóc, điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Theo Tổ chức Y tế thế giới, nhiễm khuẩn bệnh viện là tình trạng nhiễm khuẩn do người bệnh mắc phải trong thời gian nằm điều trị tại bệnh viện mà vào thời điểm nhập viện không phát hiện thấy có yếu tố nhiễm khuẩn hay ủ bệnh nào có liên quan; chúng thường xuất hiện sau 48 đến 72 giờ kể từ khi người bệnh nhập viện và trong vòng 10 ngày sau khi bệnh nhân xuất viện. Nhiễm khuẩn bệnh viện là hậu quả không mong muốn trong thực hành khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc người bệnh. Tất cả mọi bệnh nhân được can thiệp y tế đều có nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện.
Căn cứ theo Quyết định 3916/QĐ-BYT, ngày 28/8/2017 của Bộ Y tế về việc phê duyệt các hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh làm cơ sở giúp các cơ sở khám bệnh chữa bệnh triển khai thực hiện giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện nói chung và nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm phổi nhằm đánh giá đúng thực trạng các loại nhiễm khuẩn, đề xuất các vấn đề cần tập trung can thiệp, tiến tới giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế ở người bệnh điều trị tại các khoa lâm sàng. Dựa trên hướng dẫn Bộ Y tế, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ tổ chức buổi tập huấn cho mạng lưới giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện và triển khai hướng dẫn giám sát nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm phổi người bệnh đang điều trị nội trú tại các khoa lâm sàng.
Nội dung được triển khai tại buổi tập huấn bao gồm nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm phổi và các tiêu chí chuẩn đoán nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm phổi. Phổ biến nội dung quy trình giám sát viêm phổi (Quyết định 721/QĐ-BVTĐHYDCT ngày 30/09/2024 ban hành quy trình giám sát viêm phổi tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ) và quy trình giám sát nhiễm khuẩn tiết niệu (Quyết định 717/QĐ-BVTĐHYDCT ngày 30/09/2024 ban hành quy trình giám sát nhiễm khuẩn tiết niệu tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ).
Ths.Bs. Trần Tú Nguyệt – Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, trình bày triển khai quy trình giám sát viêm phổi, nhiễm khuẩn tiết niệu tại Bệnh viện
Ths.Bs.CKII Trần Huỳnh Tuấn – Trưởng Trung tâm tiết niệu trình bày nhiễm khuẩn tiết niệu và các tiêu chuẩn chẩn đoán
BS. Nguyễn Phượng Linh – Khoa Cấp cứu- Hồi sức tích cực trình bày viêm phổi bệnh viện và các tiêu chuẩn chẩn đoán
Bs. Nguyễn Trung Quân – Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, báo cáo kết quả giám sát viêm phổi tháng 9/2024 và chia sẽ kinh nghiệm giám sát
Trong buổi tập huấn Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn cùng mạng lưới giám sát nhiễm khuẩn của các Khoa/Trung tâm đã trao đổi thảo luận các bước của quy trình giám sát, phân công nhiệm vụ, vai trò của thành viên tham gia giám sát. Đồng thời, Khoa cũng ghi nhận các ý kiến góp ý của người tham dự để điều chỉnh và hoàn thiện quy trình và phiếu giám sát nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm phổi.
Ths.BS Trần Thị Như Lê – Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn thảo luận phương pháp giám sát nhiểm khuẩn tiết niệu, viêm phổi cùng thành viên tham dự
Ban giảng huấn chụp ảnh lưu niệm cùng hội thảo viên
KHOA KIỂM SOÁT NHIỄM KHUẨN