Bệnh bàn chân liên quan tới đái tháo đường được định nghĩa là tình trạng loét, nhiễm trùng hoặc phá hủy các mô bàn chân trên người bệnh đái tháo đường, thường liên quan tới các yếu tố nguy cơ của bệnh lý thần kinh ngoại biên và/hoặc bệnh động mạch ngoại vi, 45-75% các trường hợp đoạn chi dưới là do ĐTĐ. Việc điều trị kéo dài dẫn đến chi phí cao. Chăm sóc vết loét bàn chân đái tháo đường bao gồm nhiều yếu tố. Năm 2016, Hội nghị Wounds UK, đã thêm vào S để trở thành nguyên tắc TIMES nhầm đánh giá toàn diện vết thương.
T (tissue): kiểm soát, quản lý mô tại vết thương bao gồm cắt lọc mô hoại tử, làm sạch vết thương, bảo vệ các cơ quan quý.
I (infection or inflammation): kiểm soát viêm và nhiễm trùng bằng cách sử dụng kháng sinh thích hợp.
M (moisture): cân bằng độ ẩm cũng như kiểm soát dịch tiết bằng các biện pháp băng bó hoặc sử dụng băng gạc tiên tiến.
E (edge of wound): chăm sóc bờ vết thương
S (surrounding skin): bảo vệ da xung quanh vết thương để hạn chế tổn thương lan rộng cũng như ảnh hưởng đến quá trình lành thương.
Năm 2017, một khám phá MOIST được đề xuất để bổ sung thêm các yếu tố cần được quan tâm trong điều trị vết thương mãn tính, giúp bảo đảm chất lượng chăm sóc vết thương:
M: Moisture balance (cân bằng độ ẩm vết thương)
O: Oxy balance (cân bằng oxy)
I: Infection control (kiểm soát nhiễm trùng)
S: Support (các điều trị hỗ trợ): giúp tạo ra môi trường tại chỗ vết thương thuận lợi cho tiến trình lành vết thương.
T: Tissue manegement (Kiểm soát mô tại chỗ vết thương)
Bệnh nhân nam 75 tuổi vào khoa Nội TH bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ vì vết loét ngón I bàn chân phải với tình trạng hoại tử mô đến màng xương nhưng chưa huỷ xương, tổn thương lan rộng sưng, nóng, đỏ đến ½ bàn chân, chảy nhiều mủ hôi. Hình A: vết loét chưa được xử trí; hình B, C, D vết loét được chăm sóc và diễn biến dần theo thời gian. Bệnh nhân được cắt lọc loại bỏ mô hoại tử (T), sử dụng kháng sinh kiểm soát tình trạng nhiễm trùng (I), dùng băng gạc tiên tiến kiểm soát độ ẩm (M), cắt lọc bờ vết thương (E), chăm sóc da vùng xung quanh bằng cách loại bỏ các phần da chai, da lột, đắp gạc bảo vệ (S). Hiện tại bệnh nhân đang dần hồi phục. Bên cạnh đó bệnh nhân được bổ sung đạm, máu để đảm bảo dinh dưỡng và máu nuôi, kiểm soát đường huyết và huyết áp.
Chăm sóc bàn chân đái tháo đường cần có sự hợp tác, kiên nhẫn của nhân viên y tế và gia đình cùng bản thân bệnh nhân. Bên cạnh chuyên môn của đội ngũ y tế, giáo dục sức khoẻ phổ cập kiến thức là vô cùng quan trọng để chăm sóc cũng như phòng ngừa vết loét bàn chân đái tháo đường.
ThS.BS. Phan Trần Xuân Quyên
Khoa Nội Tổng hợp