1. Thiết kế thời điểm hợp lý và lưu ý cách dùng một số dạng thuốc
Do đặc thù về cơ chế tác động, một số nhóm thuốc điều trị đái tháo đường típ 2 đường uống có khuyến cáo thời điểm dùng thuốc đặc biệt. Ba nhóm thuốc cần lưu ý thời điểm dùng để tối ưu hóa tác dụng gồm sulfonylurea, biguanid (metformin) và ức chế alpha-glucosidase (acarbose).
Đối với nhóm sulfonyurea (như gliclazid, glimepirid…), vai trò chính của nhóm thuốc này là làm giảm đường huyết sau ăn thông qua việc kích thích tiết insulin từ túi dự trữ, do đó được khuyến cáo dùng trước ăn 30 phút. Một lí do khác ủng hộ việc dùng các thuốc này trước ăn là do sự giảm nhu động có thể xảy ra cùng với tăng đường huyết sau ăn ảnh hưởng đến mức độ hấp thu của thuốc. Tuy nhiên, đối với người cao tuổi, người có nguy cơ hạ đường huyết do ăn kiêng, nhịn ăn, hoặc người có vấn đề về sa sút trí nhớ, không có người chăm sóc cần thận trọng, vì nguy cơ hạ đường huyết có thể tăng cao nếu bệnh nhân bỏ bữa ăn hoặc ăn quá ít chất đường bột trong bữa ăn. Do vậy trên những đối tượng này có thể cân nhắc sử dụng thuốc sau ăn, nhất là khi có khuyến cáo riêng của nhà sản xuất đối với mỗi dạng thuốc đặc biệt.
Đối với metformin, tuy sinh khả dụng của thuốc bị ảnh hưởng một phần bởi thức ăn nhưng thuốc thường được khuyến cáo uống trong hoặc sau ăn; nhằm hạn chế tác dụng phụ của thuốc trên tiêu hóa (buồn nôn, nôn, khó tiêu, chướng bụng, tiêu chảy, rối loạn vị giác).
Acarbose, Miglitol có tác dụng làm giảm tốc độ tiêu hóa của tinh bột do ức chế quá trình phân cắt thành các phân tử glucose để hấp thu vào tuần hoàn, từ đó giảm tốc độ tăng đường huyết sau ăn. Chính vì vậy, chìa khóa thành công của acarbose là thuốc tác động lên phần đầu tiên của bữa ăn. Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, acarbose nên được uống cùng với miếng ăn đầu tiên trong bữa ăn để tối ưu hóa hiệu quả của thuốc.
2. Một số phản ứng có hại thường gặp của các nhóm thuốc cần lưu ý
Tác dụng phụ của thuốc là một trong những yếu tố có thể khiến bệnh nhân đái tháo đường điều trị ngoại trú kém tuân thủ điều trị (tự ý dừng thuốc, giảm liều thuốc, thay thế thuốc khác); mặc khác có thể thúc đẩy tăng nguy cơ nhập viện và tăng chi phí điều trị cho bệnh nhân. Vì vậy cả bác sỹ và dược sỹ lâm sàng cần cập nhật thường xuyên các phản ứng có hại thường gặp, cũng như nguy cơ lâu dài có thể có của các nhóm thuốc để tư vấn phù hợp cho bệnh nhân, từ đó góp phần cải thiện tuân thủ và nâng cao hiệu quả điều trị.
3. Thận trọng nguy cơ tương tác giữa các nhóm thuốc thuốc
Phần lớn bệnh nhân đái tháo đường típ 2 là người cao tuổi, thường có nhiều bệnh lý mắc kèm như các bệnh tim mạch, bệnh khớp… và thường phải sử dụng đồng thời nhiều thuốc. Nguy cơ tương tác thuốc có thể tiềm ẩn ảnh hưởng đến hiệu quả kiểm soát đường huyết cũng như gia tăng các tác dụng không mong muốn. Vì vậy khi kê đơn, việc thận trọng tương tác thuốc, đặc biệt là các tương tác có ý nghĩa lâm sàng là rất cần thiết.
4. Kết luận
Đái tháo đường típ 2 là bệnh lý mạn tính có thể cần điều trị dùng thuốc lâu dài. Song song với lựa chọn thuốc hợp lý theo các hướng dẫn hiện hành, việc tư vấn về thời điểm dùng thuốc, cung cấp thông tin về một số tác dụng phụ có thể gặp và hướng xử lí cũng như kiểm soát các tương tác thuốc nghiêm trọng có thể giúp bệnh nhân cải thiện tuân thủ điều trị, đồng thời nâng cao hiểu quả kiểm soát đường huyết, giảm các biến cố bất lợi do thuốc cũng như các biến chứng do bệnh lý tiến triển.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Y tế (2018).Dược thư Quốc gia Việt Nam.Nhà xuất bản Y học
2. Bộ Y tế (2020).Hướng dẫn Chẩn đoán và điều trị Đái tháo đường
3. Bộ Y tế (2019).Hướng dẫn thực hành Dược lâm sàng trong một số bệnh không lây nhiễm
4. Sola. D. Rossi. L. Schianca.G. P. C. Maffioli. P. Bigliocca. M. Mella. R. & Derosa. G. (2015). Sulfonylureas and their use in clinical practice. Archives of medical science: AMS. 11(4). p8-40