Ngày 8/6/2023, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ tiếp nhận một bệnh nhân nam 20 tuổi nhập viện với tình trạng sốt dai dẳng 1 tháng nay kèm theo ăn uống kém, gầy sụt cân nhiều và đau bụng âm ỉ vùng gan. Bệnh nhân này cho biết mình là sinh viên, có thói quen ăn cơm ở ngoài, thường ăn rau sống. Lúc đầu bệnh nhân sốt, đau bụng có đi phòng khám được chẩn đoán áp xe gan do amip và điều trị thuốc uống tuy nhiên gần 1 tháng nay, tình trạng không giảm nên nhập viện. Các bác sĩ tại Khoa Nội tổng hợp đã tiến hành thăm khám và chỉ định các xét nghiệm chuyên sâu chẩn đoán, đồng thời hội chẩn bác sĩ chuyên khoa Ký sinh trùng. Bệnh nhân được chẩn đoán Áp xe gan do nhiễm Sán lá gan lớn và được điều trị thuốc đặc trị. Sau 1 tuần điều trị bệnh nhân dần hồi phục, ăn uống bình thường và được xuất viện theo dõi tái khám định kỳ. Hiện tại bệnh nhân đã khỏi hoàn toàn. Vậy nhiễm Sán lá gan lớn là bệnh gì, bệnh nguy hiểm như thế nào và các phòng ngừa bệnh ra sao?
- Bệnh sán lá gan lớn là bệnh ký sinh trùng do một số loài sán lá gan thuộc họ Fasciolidae gây nên những tổn thương, những ổ áp xe tại gan hoặc một số cơ quan khác khi ký sinh lạc chỗ.
- Người mắc bệnh do ăn sống các loại rau thủy sinh như: rau ngổ, rau muống, rau rút, rau cần, rau cải xoong, ngó sen... hoặc uống nước có nhiễm ấu trùng sán lá gan lớn.
1. TÁC NHÂN
Bệnh sán lá gan lớn ở người chủ yếu do hai loài Fasciola hepatica và Fasciola gigantica gây nên. Việt Nam là loài F. gigantica lai với F. hepatica.
2. KÝ CHỦ
Vật chủ chính của sán lá gan lớn là người, động vật ăn cỏ như trâu, bò, cừu và động vật có sừng khác. Vật chủ trung gian là các loài ốc sống dưới nước.
3. CHU TRÌNH PHÁT TRIỂN
Sán trưởng thành đẻ trứng theo đường mật xuống ruột và ra ngoài theo phân. Trứng sán xuống nước, nở ra ấu trùng lông, ấu trùng lông xâm nhập vào một số loài ốc là vật chủ trung gian thứ nhất. Trong ốc ấu trùng lông phát triển thành ấu trùng đuôi, ấu trùng đuôi rời khỏi ốc và bám vào các loại rau thủy sinh tạo nang trùng hoặc bơi tự do trong nước. Người hoặc trâu, bò, cừu, dê... ăn phải thực vật thủy sinh hoặc uống nước chưa nấu chín có ấu trùng sẽ bị nhiễm sán lá gan lớn.
Khi người bị nhiễm ấu trùng sán lá gan lớn, ấu trùng vào dạ dày, xuống tá tràng, tự tách vỏ và xuyên qua thành tá tràng vào khoang phúc mạc rồi xuyên thẳng đến gan, xâm nhập vào nhu mô gan gây tổn thương gan. Đây cũng chính là giai đoạn kích thích cơ thể phản ứng miễn dịch mạnh nhất.
Sau giai đoạn xâm nhập vào nhu mô gan từ 2-3 tháng, sán xâm nhập vào đường mật thành sán trưởng thành và đẻ trứng. Sán trưởng thành có thể ký sinh và gây bệnh trong nhiều năm nếu không được phát hiện và điều trị.
4. TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG
Các biểu hiện lâm sàng của bệnh do sán lá gan lớn gây nên thường không đặc hiệu, tùy thuộc vào giai đoạn phát triển và vị trí sán ký sinh, cũng như số lượng ấu trùng sán xâm nhập vào cơ thể người.
- Chủ yếu là đau tức vùng gan, ăn khó tiêu, đôi khi đau thượng vị.
- Có thể kèm theo tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc, sốt kéo dài.
- Một số trường hợp kém ăn, sụt cân, rối loạn tiêu hóa, ngứa/mề đay.
- Có trường hợp không có triệu chứng, chỉ phát hiện khối u trong gan khi khám sức khỏe hay khám bệnh khác, sau đó mới xác định do sán lá gan lớn....
5. BIẾN CHỨNG
Một số người bệnh có biểu hiện lâm sàng của biến chứng nguy hiểm: tắc mật, viêm đường mật, viêm tụy cấp...
+ Tràn dịch màng phổi.
+ Các triệu chứng biểu hiện sự tổn thương tổ chức nơi sán ký sinh lạc chỗ như khớp, vú, cơ ngực, bắp chân hoặc các cơ quan khác.
+ Có trường hợp áp xe gan vỡ (Việt Nam đã gặp 1 trường hợp năm 2014).
6. CÁC XÉT NGHIỆM VÀ HÌNH ẢNH
6.1. Xét nghiệm
- Các xét nghiệm công thức máu và sinh hóa có thể thay đổi
- Xét nghiệm phân hay dịch tá tràng tìm trứng sán lá gan lớn là chẩn đoán “vàng” nhưng ở Việt Nam ít khi tìm thấy trứng vì sán ít vào ống mật để đẻ trứng.
- Xét nghiệm ELISA: Phát hiện kháng thể kháng sán lá gan lớn rất có giá trị.
6.2. Chẩn đoán hình ảnh
- Siêu âm ổ bụng, CT/MRI ổ bụng thấy hình ảnh tổn thương gan mật.
- Trên siêu âm cũng như chụp cắt lớp vi tính có thể nhầm với các loại áp xe gan do nguyên nhân khác như áp xe gan do amip hoặc vi trùng.
7. ĐIỀU TRỊ
- Bệnh sán lá gan lớn được điều trị bằng thuốc Triclabendazole theo sự hướng dẫn của bác sĩ và đồng thời nâng cao thể trạng.
- Nếu có biểu hiện viêm nhiễm phải điều trị bằng kháng sinh. Ngứa phải dùng kháng Histamin.
- Với các trường hợp có ổ áp xe gan kích thước lớn trên 6 cm mà điều trị bằng thuốc không có hiệu quả, có thể phối hợp với chọc hút ổ áp xe.
- Điều trị ngoại khoa: Khi phát hiện muộn điều trị nội khoa không hiệu quả.
- Người bệnh được theo dõi các triệu chứng lâm sàng tại cơ sở khám chữa bệnh 07 ngày kể từ ngày uống thuốc.
- Trước khi ra viện đánh giá: công thức máu, chức năng gan, thận.
8. PHÒNG BỆNH
- Nhiễm sán lá gan lớn liên quan đến thói quen và tập quán ăn uống của người dân, vì vậy phòng bệnh là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết.
- Truyền thông, giáo dục sức khỏe:
+ Không ăn sống các loại rau mọc dưới nước;
+ Không uống nước lã;
+ Người nghi ngờ nhiễm sán lá gan lớn phải đến cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
- Chủ động phát hiện và điều trị sớm bệnh sán lá gan lớn tại vùng lưu hành bệnh.
- Định kỳ tẩy sán cho trâu, bò, cừu, dê...
*Hiện tại các xét nghiệm máu và phương tiện hình ảnh như siêu âm, CT-Scan/MRI bụng dùng để chẩn đoán Bệnh sán lá gan lớn đều được thực hiện thường quy tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ
Tài liệu tham khảo
- Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh sán lá gan lớn (ban hành theo quyết định số: 1203/qđ-byt ngày 16 tháng 05 năm 2022 của bộ trưởng bộ y tế)
- https://www.cdc.gov/dpdx/fascioliasis/index.html
KHOA NỘI TỔNG HỢP