Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở khám, chữa bệnh rất quan trọng. Tất cả các dụng cụ trong thăm khám, điều trị, phẫu thuật cho bệnh nhân đều phải đảm bảo vô khuẩn, không để tình trạng nhiễm khuẩn xảy ra.
Hiện nay, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ và một số bệnh viện khác sử dụng túi ép để đựng dụng cụ y tế cho việc tiệt khuẩn và bảo quản lưu trữ các dụng cụ y tế sau khi được tiệt khuẩn. Theo khảo sát, tại Bệnh viện Trường số lượng túi ép cần cắt hàng ngày hơn 1600 túi, số lượng này ngày càng tăng lên và đa dạng về kích cỡ. Tuy nhiên, bệnh viện và các cơ sở y tế phải dùng phương pháp thủ công, dùng kéo để cắt từng túi ép để phục vụ nhu cầu sử dụng, điều này gây khó khăn trong trường hợp nhu cầu sử dụng lớn, tính chính xác về kích thước không cao, tốn thời gian, tốn nhân công… Xuất phát từ tình hình thực tế nêu trên, sáng kiến “Nghiên cứu sản xuất máy cắt túi ép tự động bằng công nghệ cảm biến từ” được tác giả Lê Minh Khôi: sinh viên ngành Bác sĩ Y học dự phòng - Trường Đại học Y Dược Cần Thơ thực hiện năm 2020 với mục tiêu: Tạo ra máy cắt túi ép tự động bằng công nghệ cảm biến từ và đưa vào sử dụng tại Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ vào tháng 3 năm 2021.
Hình 1. Lê Minh Khôi đang vận hành máy cắt túi ép tự động
Máy cắt túi ép tự động bằng công nghệ cảm biến từ đã giải quyết gần như triệt để nguy cơ nhiễm khuẩn chéo khi cắt túi ép để đựng dụng cụ y tế chuẩn bị cho việc tiệt khuẩn và bảo quản lưu trữ các dụng cụ y tế sau khi được tiệt khuẩn. Việc cắt túi ép bằng máy dễ dàng và tiện lợi hơn cách thủ công thông thường. Kích thước và số lượng túi ép sẽ như mong muốn của người dùng, đảm bảo chính xác, hạn chế việc cắt dư hay không đều tay.
Hình 2. Quy trình cắt túi ép thủ công (bằng tay)
Hình 3. Cắt túi ép bằng máy cắt tự động
Máy cắt túi ép tự động hoạt động dựa trên nguyên lý nhận tín hiệu từ máy tính điều khiển vào cắt các túi ép theo kích thước cũng như số lượng do người sử dụng nhập vào máy. Các tín hiệu được xử lý tại Arduino, khi lưỡi dao cắt xuất phát cũng là lúc 2 Sensor từ mất tín hiệu cho đến khi có tín hiệu trở lại nghĩa là lưỡi dao chạy từ Sensor A sang Sensor B là đã cắt xong 1 túi ép. Khi Sensor B nhận được tín hiệu cũng là lúc Arduino sẽ ra lệnh để van từ mở dòng khí nén phù hợp để lưỡi dao có thể từ Sensor B trở về vị trí Sensor A và tiếp tục vòng lặp cho đến khi hoàn tất lệnh cắt của người sử dụng. Người sử dụng chỉ cần đưa cuộn túi ép vào trục cố định cuộn túi ép vào mở các CB nguồn ở tủ điều khiển và sau khó nhập kích thước cũng như số lượng túi cần cắt theo nhu cầu sử dụng sau đó nhấn Enter là máy bắt đầu hoạt động.
Sản phẩm có thể dùng cho các loại túi ép đa dạng của nhiều hãng khác nhau. Bên cạnh đó, máy còn có thể cắt các cuộn giấy phục vụ nhu cầu sử dụng khác nhau ví dụ như cuộn giấy khổ A4, A3,... theo mong muốn.
Theo tác giả, máy cắt túi ép tự động có thể đặt được ở nơi cần thiết với điều kiện rất đơn giản là nguồn điện 220V hoặc 24V-15A; chi phí lắp đặt máy khoảng 30 triệu đồng/máy. Sử dụng máy cắt túi ép tự động giúp cho việc cắt túi ép bằng máy dễ dàng hơn, tiết kiệm được lượng túi ép bị dư do mỗi lần cắt không đều tay của nhân viên, tiết kiệm được thời gian, công sức của người lao động và của cả đơn vị sử dụng lao động, tạo ra sản phẩm có thể hạn chế được tối đa các nhược điểm của phương pháp truyền thống (theo thống kê trong 01 giờ số lượng túi cắt với kích thước 28cm bằng phương pháp thủ công – cắt bằng tay là 360 túi và tương tự về thời gian và kích thước của túi ép thì phương pháp cắt túi ép bằng máy cắt tự động cho ra 1.800 túi, hiệu quả tăng gấp 5 lần).
Hướng tới mục tiêu phát triển rộng hơn và tiến xa hơn trong tương lai với bệnh viện có quy mô lớn hơn thì có thể nói đây là biện pháp hữu hiệu để giúp nhân viên của khoa tạo năng suất lao động cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng của các Khoa. Thiết bị có tính ứng dụng rộng rãi đối với bệnh viện và các cơ sở y tế khác đặc biệt với những bệnh viện có quy mô lớn mà sức người khó có thể phục vụ được do nhu cầu quá cao.
KHOA KIỂM SOÁT NHIỄM KHUẨN