Roxanne Nelson
26-3-2020
Hiệp hội phẫu thuật viên Hoa Kỳ (American College of Surgerons – ACS), vừa đưa ra một số khuyến cáo đối với những trường hợp ung thư có thể cần phải trì hoãn phẫu thuật vì các bệnh viện buộc phải phân bổ nguồn lực để đối phó với sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh nhân mắc COVID-19.
ACS ghi nhận, hầu hết các phẫu thuật viên đều cắt giảm hoặc ngừng thực hiện các ca phẫu thuật chương trình, họ được khuyến cáo làm như vậy để đảm bảo nguồn nhân lực cần thiết cho việc chăm sóc những trường hợp nặng trong đại dịch COVID-19.
Hướng dẫn lâm sàng này giúp phân loại các trường hợp phẫu thuật chương trình điều trị ung thư nói chung trong thời kỳ đại dịch và từng loại phẫu thuật cho mỗi loại ung thư nói riêng. Bác sĩ David B. Hoyt (Giám đốc điều hành ACS) trong một phát biểu gần đây cho rằng: “Những hướng dẫn phân loại và khuyến cáo này được đưa ra khi chúng ta dường như đang bước vào một giai đoạn mới của đại dịch COVID-19, các bệnh viện phải đối mặt với vấn đề vượt ngoài khả năng của họ trong việc điều trị cho các bệnh nhân nguy kịch”. “ACS vẫn sẽ tiếp tục theo dõi các cuộc phẫu thuật nhưng chúng tôi nhận thấy hướng dẫn này sẽ cung cấp cơ sở giúp cho các phẫu thuật viên phân loại bệnh và đưa ra quyết định tốt nhất cho bệnh nhân trong thời kỳ COVID-19”.
Đối với phẫu thuật ung thư thường không thể trì hoãn, ACS đã ban hành hướng dẫn chung để phân loại bệnh nhân, hướng dẫn này dựa trên sự biến động của COVID-19 tại địa phương.
1. Quyết định có nên tiến hành phẫu thuật chương trình hay không phải xem xét dựa trên cơ sở vật chất hiện có tại địa phương. Các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm chuẩn bị cơ sở điều trị cho các bệnh nhân nhiễm coronavirus nên thường xuyên chia sẻ thông tin về sự hạn chế nguồn lực tại địa phương, đặc biệt là sự thiếu hụt thiết bị bảo hộ cá nhân (Personal Protective Equipment – PPE). Ví dụ: một ca phẫu thuật chương trình có nguy cơ cao phải hồi sức tích cực sau mổ, phẫu thuật viên bắt buộc phải cân nhắc nguy cơ khi trì hoãn cuộc mổ với sự cấp thiết điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19.
2. Phối hợp điều trị ung thư nên sử dụng các công nghệ ảo càng nhiều càng tốt, các phương tiện này giúp ích trong việc hội chẩn nhằm duy trì liên lạc giữa các chuyên gia trong lĩnh vực này với nhau, từ đó đưa ra được phương thức điều trị và các tiêu chí giúp phân loại bệnh nhân.
ACS cũng đưa ra phân loại gồm 3 giai đoạn phản ánh mức độ nghiêm trọng của dịch COVID-19 tại địa phương:
Giai đoạn I: Bán cấp. Có vài bệnh nhân mắc COVID-19, nguồn lực của bệnh viện chưa cạn kiệt, vẫn còn máy thở và quỹ đạo của đại dịch không gia tăng nhanh chóng.
Giai đoạn II: Khẩn cấp. Nhiều trường hợp mắc COVID-19, ICU và số lượng máy thở chỉ còn giới hạn, phòng mổ bị hạn chế.
Giai đoạn III: Tất cả nguồn lực của bệnh viện đều được huy động để điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19, không còn máy thở, không còn phòng mổ, bệnh nhân có thể tử vong trong vòng vài giờ nếu không được phẫu thuật.
Phẫu thuật điều trị ung thư vú
ACS cũng đưa ra các hướng dẫn cho từng loại ung thư riêng biệt trong đó có ung thư vú.
- Giai đoạn I: phẫu thuật nên tiến hành ở những bệnh nhân có thể bị đe dọa tính mạng nếu không mổ trong vòng 3 tháng tới. Bao gồm những bệnh nhân đã hoàn thành các liệu pháp tân bổ trợ trước mổ, khối u được phân loại cT2 hoặc N1 ER(+)/PR(+)/HER2(-), khối u có triple (-) hoặc HER2(+), kết quả sinh thiết không phù hợp nhưng gần như ác tính về mặt đại thể và loại bỏ ung thư tái phát.
- Giai đoạn II: phẫu thuật được chỉ định khi tính mạng bệnh nhân sẽ bị đe dọa nếu không được tiến hành trong vài ngày tới. Bao gồm rạch và dẫn lưu áp xe vú, lấy khối máu tụ, phục hồi lại vạt da do thiếu máu và tái thông mạch máu của cấu trúc mô tự thân (tái tạo vú bằng mô tự thân nên trì hoãn).
- Giai đoạn III: chỉ định mổ nếu bệnh nhân sẽ tử vong trong vòng vài giờ khi không được phẫu thuật. Bao gồm rạch và dẫn lưu áp xe vú, lấy khối máu tụ, phục hồi lại vạt da do thiếu máu và tái thông mạch máu của cấu trúc mô tự thân (tái tạo vú bằng mô tự thân nên trì hoãn).
Phẫu thuật điều trị ung thư đại trực tràng
Trong thời kỳ đại dịch, hướng dẫn điều trị ung thư đại trực tràng cũng được chia ra làm 3 giai đoạn
- Giai đoạn I: phẫu thuật cho các trường hợp cần mổ càng sớm càng tốt, đồng thời đánh giá được tình trạng dịch bệnh khả năng tiến triển trong vòng một hoặc hai tuần tới. Các trường hợp này bao gồm: ung thư đại trực tràng sắp tắc ruột, ung thư cần truyền máu thường xuyên, ung thư không triệu chứng, ung thư không đáp ứng với hóa trị tân bổ trợ, ung thư có khả năng cao gây hoại tử hoặc nhiễm trùng huyết.
- Giai đoạn II: bao gồm các bệnh nhân cần phẫu thuật càng sớm càng tốt, nhưng tình trạng dịch bệnh có khả năng tiến triển trong vòng vài ngày tới. Những trường hợp này bao gồm: ung thư đại tràng sắp gây tắc ruột nhưng đặt stent không còn là một sự lựa chọn hữu hiệu, ung thư trực tràng sắp gây tắc ruột (ưu tiên phẫu thuật nối tắt), ung thư cần truyền máu số lượng lớn và khối u đang được theo dõi có thể bị hoại tử hoặc nhiễm trùng huyết.
- Giai đoạn III: nếu tình trạng cơ sở vật chất có thể thiếu hụt trong vòng vài giờ tới, phẫu thuật chỉ nên chỉ định đối với các trường hợp u hoại tử, tắc ruột, khối u đang chảy máu hoặc gây nhiễm trùng huyết.
Tất cả các trường hợp còn lại đều nên trì hoãn.
Phẫu thuật điều trị ung thư nhóm Lồng Ngực
Hướng dẫn phẫu thuật điều trị ung thư nhóm lồng ngực gần tương tự với hướng dẫn điều trị ung thư vú.
- Giai đoạn I: nên chỉ định cho những bệnh nhân có thể bị đe dọa tính mạng nếu không được phẫu thuật trong vòng 3 tháng tới.
Bao gồm:
- Khối u phổi có mật độ cứng hoặc mật độ cứng chiếm ưu thế (>50%) hoặc khối u gần như ác tính (kích thước >2cm), không di căn hạch.
- Ung thư phổi di căn hạch.
- Ung thư thực quản từ T1b trở lên.
- Khối u ở thành ngực có khả năng xấm lấn và không có phương thức điều trị khác ngoài phẫu thuật.
- Ung thư thực quản được đặt stent.
- Chỉ đánh giá được giai đoạn khi bắt đầu điều trị (nội soi trung thất, nội soi lồng ngực đánh giá sự xâm lấn màng phổi).
- U trung thất có triệu chứng.
- Bệnh nhân đã ghi danh tham gia một nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng.
- Giai đoạn II: phẫu thuật viên được cho phép phẫu thuật nếu trì hoãn phẫu thuật vài ngày có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân. Những trường hợp này bao gồm: u thực quản gây thủng nhưng không nhiễm trùng, sự nhiễm trùng có liên quan đến khối u và xử lý biến chứng phẫu thuật ở một bệnh nhân có huyết động học ổn định.
Tất cả các phẫu thuật lồng ngực chương trình đều nên được trì hoãn.
- Giai đoạn III: chỉ định mổ khi bệnh nhân sẽ tử vong trong vòng vài giờ tới nếu không phẫu thuật. Nhóm này bao gồm các trường hợp như: nhiễm trùng do hoại tử khối u thực quản, đường thở của bệnh nhân không đảm bảo, nhiễm trùng có liên quan đến khối u, xử lý biến chứng phẫu thuật ở bệnh nhân có huyết động không ổn định (đang chảy máu cần được phẫu thuật cầm máu, rò đường thở, nhiễm trùng do xì miệng nối).
Tất cả các phẫu thuật khác đều cần trì hoãn.
Các phẫu thuật điều trị ung thư khác
Mặc dù ACS chưa đưa ra hướng dẫn cụ thể cho tất cả các loại ung thư, vẫn có một số trường hợp được đưa vào khuyến cáo chung cho các chuyên khoa.
Đối với phẫu thuật phụ khoa, ACS khuyến cáo chỉ định phẫu thuật ở các trường hợp ung thư hoặc nghi ngờ ung thư vì phẫu thuật trì hoãn có thể gây ra "nguy hại đáng kể" cho bệnh nhân.
Sự trì hoãn, nói chung, không được khuyến cáo trong phẫu thuật thần kinh, trong đó bao gồm ung thư não. Trong nhi khoa, hầu hết các phẫu thuật điều trị ung thư đều được coi là "khẩn cấp", trong đó việc trì hoãn vài ngày đến vài tuần có thể gây bất lợi cho bệnh nhân. Bao gồm tất cả các khối u đặc, sinh thiết trước và cắt bỏ sau khi điều trị tân bổ trợ.
(Nguyễn Lê Gia Kiệt, Phạm Văn Năng biên dịch)