Vào lúc 12 giờ 23 phút, ngày 17/10/2024, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ tiếp nhận bệnh nhân L.T.T (18 tuổi, ở quận Thới Lai, Cần Thơ) trong tình trạng vật vã, kích thích, da niêm nhợt, mạch nhanh khó bắt và huyết áp thấp do vết thương trên ngực phải. Ngay khi nhận cấp cứu, ê-kíp đã lập tức thiết lập đường truyền khẩn truyền dịch, giảm đau và cho nạn nhân hỗ trợ thở oxy.
Tình trạng nạn nhân lúc này ngực phải có vết thương dài 4cm cách xương đòn phải khoảng 5cm chảy máu nhiều, khó thở, da niêm nhợt, mạch nhanh nhẹ khó bắt, huyết áp khó đo, nhịp tim nhanh khoảng 130 chu kỳ/phút, phổi phải thông khí rất kém, nhiều vết thương xước da vùng mặt… Được chẩn đoán sốc giảm thể tích/tràn máu màng phổi phải/vết thương ngực hở/bị đâm.
Ê-kíp hội chẩn Bệnh viện khẩn (báo động đỏ) và chỉ định mổ cấp cứu tối khẩn, với sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, nhanh chóng, chính xác, kịp thời của các chuyên khoa: Lãnh đạo Bệnh viện, Cấp cứu, Ngoại khoa và Gây mê hồi sức.
Bác sĩ chuyên khoa II Vũ Văn Kim Long – Trưởng ê-kíp gây mê, nhanh chóng thực hiện khẩn các thủ thuật hồi sức chuyên sâu như: đặt nội phế quản để cô lập 2 phổi và gây mê thông khí một phổi, đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm (CVC: Central Venous Catheter), đo huyết áp động mạch xâm lấn (IBP: Invasive Blood Pressure), truyền nhanh máu với tổng số lượng 09 đơn vị (gồm máu và chế phẩm của máu) đảm bảo bồi hoàn đủ khối lượng tuần hoàn đã mất. Đồng thời, Thạc sĩ bác sĩ Liêu Vĩnh Đạt - Trưởng kíp mổ phối hợp cùng ê-kíp tiến hành phẫu thuật khẩn mở ngực vào khoang màng phổi có khoảng 2.000ml máu loãng và 500g máu cục. Thám sát thấy có vết thương thủng màng tim khoảng 1,5cm, máu trào ra từ khoang màng ngoài tim, vết thương thủng nhĩ phải 1,5cm. Xử lý khâu vết thương tim, khâu màng tim. Bên cạnh vết thương tim, bệnh nhân còn có vết thương xuyên thủng phân thùy S3 phổi phải, bác sĩ phẫu thuật khâu lại vết thương phổi. Kiểm tra các vết khâu tốt, không thấy tổn thương khác, tiến hành đóng ngực, kết thúc phẫu thuật, chuyển Hậu phẫu tiếp tục hồi sức.
BSCKII. Vũ Văn Kim Long khám bệnh nhân sau phẫu thuật
Hình ảnh bệnh nhân sau phẫu thuật ngày thứ 3
Hiện tại, hậu phẫu ngày thứ 3, bệnh nhân đã qua giai đoạn nguy kịch, tỉnh táo, sinh hiệu ổn, giao tiếp tốt, tiếp tục điều trị giảm đau sau mổ, đảm bảo dinh dưỡng và được theo dõi đặc biệt tại hậu phẫu.
Người nhà bệnh nhân cho biết, trước đó 1 ngày, anh T và nhóm bạn đã xảy ra mâu thuẫn. Cùng ngày nhập viện, anh T bị tấn công bởi chính nhóm bạn ngày hôm trước. Ngay sau đó anh được người dân đưa thẳng vào Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ.
Theo BSCKII. Vũ Văn Kim Long – Trưởng khoa Gây mê hồi sức cho biết: “Đây là trường hợp vết thương thủng tim, thủng phổi do dao đâm rất nguy hiểm có thể tử vong nếu không được cấp cứu đúng cách và nhanh chóng. Xử lý tình huống này đòi hỏi sự phối hợp giữa các bác sĩ chuyên khoa, đưa ra quyết định đúng đắn và kịp thời, để giành lại sự sống cho bệnh nhân được tính bằng giây. Đây là một trường hợp vết thương tim đặc biệt nguy hiểm do vừa có tổn thương tim vừa có tổn thương phổi có thể nhanh chóng dẫn đến tử vong trong 5-10 phút. Vì vậy, cần đưa nạn nhân đến Bệnh viện gần nhất cấp cứu ngay lập tức khi tai nạn xảy ra”.
Với tinh thần khẩn trương tích cực, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã cấp cứu thành công một bệnh nhân có tổn thương phức tạp, có khả năng tử vong cao. Đúng với khẩu hiệu “Chuẩn chuyên môn – Tận tâm phục vụ”.
BSCKII. VŨ VĂN KIM LONG - KHOA GÂY MÊ HỒI SỨC