1.
Cơ sở lý thuyết
1.1.
Mở đầu
Chuyển đổi từ đường tiêm sang đường uống là
bước giảm nhẹ chế độ kháng sinh khi có liệu trình điều trị đạt hiệu quả. Bước
chuyển này đã được nhiều nghiên cứu lâm sàng chứng minh mang lại lợi ích cho cả
bệnh nhân và cơ sở chăm sóc y tế và là một trong những chiến lược tiếp cận quan
trọng được chuyên trách bởi dược sĩ lâm sàng trong chương trình quản lý sử dụng
kháng tại Việt Nam và trên thế giới hiện nay.
1.2.
Thực trạng về sử dụng kháng sinh đường tiêm tại
bệnh viện hiện nay
Trên lâm sàng, đa số những bệnh nhân nhiễm
trùng cấp tính dẫn đến các rối loạn sinh lý-bệnh lý được điều trị nối trú tại
bệnh viện đều được khởi đầu bởi kháng sinh đường tĩnh mạch nhằm đáp ứng, cải
thiện lâm sàng nhanh, mạnh ngay từ phác đồ khởi đầu.
Từ những năm 1950, kháng sinh đường tĩnh mạch
luôn được xem là lựa chọn ưu tiên và tối ưu cho nhiễm trùng điều trị tại bệnh
viện. Sự ra đời của các phương tiện đưa thuốc như catheter tĩnh mạch góp phần
giúp cho việc đưa thuốc đường tĩnh mạch được ổn định và hơn. Trong suốt khoảng
thời gian dài, quan điểm về lợi ích một liệu trình kháng sinh xuyên suốt bằng
đường tĩnh mạch được áp dụng trên thực hành lâm sàng trên thế giới, ngay cả khi
có các kháng sinh mới đường uống, phổ rộng và có sinh khả dụng cao ra đời và có
hiệu quả invitro tương đương với kháng sinh tiêm. Có quan điểm rằng ngay cả khi
có khuyến cáo dùng đường uống nghe có vẻ “khoa học” hay được ủng hộ bởi những
thử nghiệm thì sự băn khoăn vẫn tiềm ẩn vì đó không phải là phương thức được
hầu hết giới y khoa khi ấy đồng thuận.
Những thập niên cuối thế kỷ XX cho thấy tính
hiệu quả của kháng sinh đường uống ngày càng được quan tâm, khi ngày càng nhiều
những các kháng sinh có sinh khả dụng đường uống cao ra đời, với các dạng bào
chế phù hợp với nhiều nhóm đối tượng bệnh nhân, giá thành thấp (so với đường
tiêm) và ngày càng dễ tiếp cận với nhiều đối tượng bệnh nhân khác nhau. Cùng
với sự phát triển kháng sinh đường uống, lí do quan trọng thứ hai là sự lo ngại
về các biến cố bất lợi xảy ra do sử dụng kháng sinh đường tiêm (như viêm tĩnh
mạch huyết khổi, truyền thừa dịch), nhu cầu nâng cao chất lượng chăm sóc dược,
cải thiện sự thoải mái của bệnh nhân cũng như tiết kiệm chi phí trong điều trị
cho bệnh nhân và bệnh viện. Áp lực về kinh tế ý tế đã và đang thay đổi dần thói
quen trong thực hành lâm sàng, đặc biệt là với các kháng sinh đường tiêm. Do
đó, các thử nghiệm lâm sàng về tính hiệu quả, an toàn, chi phí của các phác đồ
kháng sinh đường uống ngay từ đầu hoặc nối tiếp theo sau một liệu trình tiêm
tĩnh mạch ngắn ngày được thực hiện ngày càng nhiều trên nhiều bệnh lý nhiễm
trùng khác nhau trên thế giới.

Hình 1.1. Xu hướng xây dựng
liệu trình kháng sinh trong điều trị nội trú hiện nay
Lựa chọn đường dùng phù hợp là một phần quan
trọng trong sử dụng kháng sinh trên thực hành lâm sàng. Theo khuyến cáo của Bộ
Y tế, kháng sinh tĩnh mạch chỉ nên được lựa chọn cho những trường hợp nhiễm
trùng nặng đe dọa tính mạng hay các nhiễm trùng mô sâu, hoặc trong trường hợp
bệnh nhân không uống được hoặc có các rối loạn chức năng đường tiêu hóa dẫn đến
hấp thu kém. Thực tế, các kháng sinh tĩnh mạch vẫn đang được sử dụng quá mức
tại nhiều bệnh viện do quan điểm điều trị truyền thống, ngay cả khi kháng sinh
đường uống là sẵn có và có thể thay thế điều trị cho bệnh nhân. Theo nghiên cứu
của Sevinc và cộng sự, 40% bệnh nhân điều trị nội trú khởi đầu kháng
sinh đường tĩnh mạch có thể chuyển đổi sang đường uống sau 2-3 ngày điều trị.
Tuy nhiên, việc thực hành chuyển đổi vẫn chưa được thực hiện thường quy và có
hiệu quả tại nhiều bệnh viện, dẫn đến 60-75% những bệnh nhân đủ điều kiện không
được chuyển đổi sang đường uống, gia tăng gánh nặng về cả phương diện y tế và
kinh tế. Ngoài ra, cần lưu ý rằng kéo dài sử dụng các kháng sinh phổ rộng theo
đường tĩnh mạch cũng là điều kiện thúc đẩy gia tăng áp lực chọn lọc chủng đề
kháng và là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng đa kháng tại bệnh
viện.
1.3.
Lợi ích của việc chuyển đổi kháng
sinh từ đường tiêm sang đường uống
1.3.1. Đảm bảo hiệu quả điều trị trên lâm sàng
Các nghiên cứu lâm sàng ngẫu nhiên, có đối chứng
ngày càng chứng tỏ vai trò của kháng sinh đường uống trong điều trị các nhiễm
trùng nặng. Các nghiên cứu này chỉ ra hiệu quả điều trị, kết cục lâm sàng là
tương đương khi dùng phác đồ kháng sinh tĩnh mạch ngắn ngày nối tiếp bởi kháng
sinh đường uống phù hợp so với phác đồ kháng sinh tĩnh mạch trong suốt liệu
trình trong nhiều bệnh lý.
- Viêm phổi mắc
phải tại cộng đồng hoặc bệnh viện.
- Đợt cấp bệnh
phổi tắc nghẽn mạn tính.
- Nhiễm trùng da
và mô mềm.
- Nhiễm trùng
huyết gây ra bởi vi khuẩn gram âm.
- Nhiễm trùng có
biến chứng của đường tiết niệu và vùng ổ bụng.
Các fluoroquinolon đường uống thế hệ mới cho
hiệu quả tương đương so với cephalosporin thế hệ III (không hoặc có kết hợp với
aminoglycosid) đường tĩnh mạch, đặc biệt trên những bệnh nhân cao tuổi, có
nhiều bệnh mạn tính điều trị viêm phổi mắc phải tại cộng đồng hoặc bệnh viện
điều trị nội trú. Kết quả tương tự cũng thu được khi so sánh ở những bệnh nhân
viêm mô bào hay nhiễm trùng bàn chân đái tháo đường không biến chứng do Streptococci
hay Staphylococci. Co-trimoxazol đường uống cũng chứng minh hiệu quả
trong điều trị đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
1.3.2. Giảm tác dụng không mong muốn
Việc chuyển đổi sớm kháng sinh từ đường tiêm
tĩnh mạch sang đường uống giúp bệnh nhân giảm được nguy cơ gặp phải các biến cố
bất lợi khác nhau liên quan đến đường tiêm. Trước hết, việc duy trì kéo dài
đường tĩnh mạch gây tăng nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện liên quan đến các dụng
cụ can thiệp khi tiêm như kim luồn, catheter. Nhiễm trùng liên quan đến
catheter thường gặp các chủng vi khuẩn đa kháng thuốc. Do đó, bệnh nhân đối mặt
với nguy cơ tăng tỉ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện và tăng gánh nặng
tài chính trong điều trị.
Bên cạnh đó, khi sử dụng kháng đường tiêm tĩnh
mạch, bệnh nhân có thể gặp một số biến cố bất lợi do thuốc đường tiêm như viêm
tắc huyết khối tĩnh mạch, (điển hình là ciprofloxacin, levofloxacin và
teicoplanin). Bệnh nhân có biểu hiện đau, ngứa và nổi mẫn đỏ dọc theo ven
truyền nhưng phản ứng thường tự cải thiện khi kết thúc tiêm truyền. Nguy cơ này
tăng lên nếu bệnh nhân được truyền nhanh hơn so với khuyến cáo (thường gặp khi
truyền dưới 30 phút) và truyền vào các tĩnh mạch nhỏ. Với những bệnh nhân đã có
biểu hiện phản ứng mạch tại vị trí tiêm, nên cân nhắc chuyển ngay sang đường
uống khi điều kiện lâm sàng cho phép để hoàn thành liệu trình điều trị.
Ngoài ra, việc chuyển đổi sớm sang đường uống
còn góp phần giảm nguy cơ thừa dịch trên những bệnh nhân nặng, nhất là trong
trường hợp có rối loạn chức năng thận, rối loạn điện giải hoặc bệnh nhân tim
mạch.
Hình 1.2. Hình ảnh lâm
sàng viêm tắc tĩnh mạch huyết khối do ciprofloxacin. Nguồn: The journal of
pediatrics (2018)
1.3.3. Rút ngắn thời gian dùng kháng sinh tiêm, giúp
bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn và có thể được xuất viện sớm
Trên quan điểm chăm sóc dược, quá trình dùng
thuốc không chỉ quan tâm đến hiệu quả lâm sàng mà còn cần mang lại cho bệnh
nhân cảm giác thoải mái nhất nếu có thể. Do đó, rút ngắn thời gian dùng kháng
sinh đường tiêm khi đảm bảo các điều kiện là cần thiết để cải thiện sự thoải
mái cho bệnh nhân và giúp bệnh nhân sớm quay lại sinh hoạt bình thường và xuất
viện. Các thử nghiệm lâm sàng chỉ ra tỉ lệ hài lòng cao hơn có ý nghĩa ở nhóm
bệnh nhân chuyển đổi sớm từ đường tĩnh mạch sang kháng sinh đường uống so với
nhóm được điều trị bằng phác đồ hoàn toàn bằng kháng sinh tĩnh mạch.
Ngoài ra, rút ngắn thời gian nằm viện cũng góp
phần giúp bệnh nhân giảm gánh nặng về chi phí điều trị bao gồm chi phí dùng
thuốc, khám bệnh, ngày giường và các dịch vụ chăm sóc y tế khác. Điều này góp
phần làm tăng tuân thủ điều trị của bệnh nhân.
1.3.4. Giảm thiểu gánh nặng công việc và sai sót của
nhân viên y tế bệnh viện trong sử dụng thuốc
Việc giảm sử dụng kháng sinh tiêm trên thực
hành lâm sàng giúp rút ngắn thời gian chuẩn bị thuốc của dược sĩ (tính liều,
pha tiêm với các thuốc tiêm dạng bột hoặc pha dung dịch tiêm truyền), điều
dưỡng (lĩnh thuốc, thực hiện thao tác tiêm). Nhờ giảm khối lượng công việc, tần
suất sai sót trong y khoa nói chung, trong sử dụng kháng sinh nói riêng, cũng
có thể giảm. Theo nghiên cứu của Sutherland và cộng sự, sai sót thuốc liên quan
đến đường tiêm chiếm khoảng 10,1%, chủ yếu là sai sót về tốc độ truyền và thời
điểm truyền. Đối với kháng sinh, hai yếu tố này ngoài ảnh hưởng đến hiệu quả
diệt khuẩn còn liên quan đến tăng các các nguy cơ phản ứng có hại của thuốc
(viêm tắc tĩnh mạch, sốc phản vệ).
1.3.5. Giảm thiểu các chi phí liên quan sử dụng kháng
sinh đường tiêm
Hầu hết các kháng sinh đường uống đang lưu hành
trên thị trường có chi phí thấp hơn so với dạng đường tiêm tương ứng. Vì vậy
việc chuyển đổi sớm sang đường tiêm giúp cả bệnh nhân và bệnh viện tiết kiệm
đáng kể chi phí kháng sinh, đặc biệt là các thuốc biệt dược gốc. Theo nghiên
cứu của Paladino và cộng sự, việc chuyển đổi sớm ciprofloxacin từ đường tiêm
sang uống sau 3 ngày điều trị giúp tiết kiệm trung bình $300 mỗi bệnh nhân
nhưng không làm giảm hiệu quả điều trị. Một nghiên cứu khác thực hiện bởi
Fishman và cộng sự cho thấy trong vòng 1 năm đầu thực hiện chương trình quản lý
kháng sinh, chi phí kháng sinh giảm $50,000 bởi can thiệp của nhóm dược sĩ tư
vấn cho các bác sĩ chuyển đổi kháng sinh từ đường tiêm sang đường uống khi đáp
ứng điều kiện.
Không chỉ như vậy, việc chuyển đổi kháng sinh
từ đường tiêm sang uống còn làm giảm đáng kể các chi phí “ẩn” bao gồm chi phí
ngày giường, số lượng nhân viên chăm sóc y tế cần thiết cho một bệnh nhân cũng
như chi phí cho vật tư y tế tiêu hao như kim tiêm, bơm tiêm, catheter và các
thiết bị đưa thuốc đường tiêm khác.
1.4.
Điều kiện chuyển đổi kháng sinh
từ đường tiêm sang uống
1.4.1. Tiêu chuẩn chuyển đổi ở người lớn
Một trong những rào cản lớn trong việc chuyển
đổi kháng sinh từ đường tiêm sang đường uống là sự sẵn có kháng sinh phù hợp để
chuyển đổi và nguy cơ đợt nhiễm trùng tái phát sau khi chuyển đổi. Các phác đồ
theo kinh nghiệm hiện nay khuyến cáo xem xét chuyển đổi kháng sinh từ đường
tiêm sang đường uống sau liệu trình ngắn 48 – 72 giờ kháng sinh đường tiêm và bệnh
nhân phải đáp ứng cải thiện lâm sàng tại bảng 1.1.
Bảng 1.1. Tiêu chuẩn
chuyển đổi kháng sinh từ tiêm sang uống
A. Dấu hiệu sinh tổn ổn định và đang tiến
triển tốt
Huyết áp tâm thu ở mức ổn định (>90mmHg)
và đang không dùng vận mạch hoặc liệu pháp bù dịch
B. Các triệu chứng của nhiễm trùng cải thiện
tốt hoặc không còn
Không sốt, nhiệt độ < 38,30C,
không cần dùng thuốc hạ nhiệt ít nhất 24 giờ qua;
Không có hiện tượng hạ thân nhiệt, nhiệt độ
> 360C trong ít nhất 24 giờ
C. Đường tiêu hóa không bị tổn thương và ổn
định về mặt chức năng
Không có các tình trạng ảnh hưởng đến hấp thu
thuốc qua đường uống: hội chứng kém hấp thu, hội chứng ruột ngắn, liệt ruột
nặng, tắc ruột, hút dịch dạ
dày liên tục qua ống thông mũi.
D. Đường miệng không bị tổn thương (người
bệnh sử dụng được thuốc uống)
Không nôn; Bệnh nhân hợp tác
E. Không có các chống chỉ định của kháng sinh
đường uống liên quan đến
loại nhiễm khuẩn
Không đạt nồng độ kháng
sinh thích hợp tại vị trí nhiễm trùng bằng đường uống
Không có các tình trạng nhiễm trùng sau:
üNhiễm
khuẩn huyết nặng, nhiễm
khuẩn huyết do S.aureus
üViêm
mô tế bào hoặc viêm cân
cơ hoại tử
üNhiễm
trùng hệ thần kinh trung
ương (viêm não, viêm màng não)
üViêm
nội tâm mạc nhiễm khuẩn
üViêm
trung thất
üĐợt
cấp bệnh xơ nang
üGiãn
phế quản
|
üNhiễm
trùng mô sâu, ví dụ áp
xe, viêm mủ màng phổi
üViêm
tủy xương
üNhiễm
trùng hoại tử mô mềm
üViêm
khớp nhiễm khuẩn
üNhiễm
khuẩn liên quan đến các
thiết bị cấy ghép
|
F. Kháng sinh đường uống có sinh khả dụng
tốt, có phổ tác dụng trùng
hoặc tương tự thuốc tĩnh mạch và sẵn có tại bệnh viện.
|
Tùy theo bệnh cảnh lâm sàng, các tiêu chí về
cải thiện lâm sàng để đánh giá khả năng chuyển đổi kháng sinh từ đường tiêm
sang đường uống có những lưu ý riêng. Chẳng hạn trong điều trị viêm phổi mắc
phải tại cộng đồng, bệnh nhân đáp ứng lâm sàng cần thỏa mãn những đặc điểm sau:
- Nhiệt độ ≤ 37,80C
- Nhịp tim ≤ 100
lần/phút
- Nhịp thở ≤ 24
lần/phút
- Huyết áp tâm
thu ≥ 90 mmHg
- Bão hòa oxy máu
động mạch (SaO2) ≥ 90 hoặc PO2 ≥ 60 mmHg ở điều kiện khí
phòng
- Có khả năng ăn
uống
- Sức khỏe tâm
thần bình thường
Trên bệnh nhân giảm bạch cầu, bệnh nhân đạt đáp
ứng lâm sàng phải hết sốt (nhiệt độ < 380C), cấy máu âm tính và
điểm qSOFA ≤ 2 (không biểu hiện lâm sàng nhiễm trùng huyết).
Bảng 1.2. Đánh giá nguy
cơ trên bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết
Biểu hiện
|
Điểm
|
Đánh giá
|
Rối loạn tri giác
(GSC < 15)
|
1
|
≥ 2 điểm là nghi ngờ
nhiễm khuẩn huyết (sepsis)
|
Thở nhanh ≥
22 lần/phút
|
1
|
Huyết áp tâm thu ≤
100mmHg
|
1
|
1.4.2. Tiêu chuẩn chuyển đổi ở trẻ em
Ở trẻ em, để chuyển đổi kháng sinh từ đường
tiêm sang đường uống cần đảm bảo tất cả các tiêu chí sau:
- Không có bất kì
bệnh cảnh lâm sàng nào sau đây: nhiễm khuẩn xương, khớp phức tạp; áp xe sâu;
bệnh xơ nang; viêm nội tâm mạc,viêm màng trong tim; nhiễm khuẩn thần kinh trung
ương; viêm màng não mủ; nhiễm khuẩn liên quan đến đường truyền trung tâm; nhiễm
khuẩn ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch; nhiễm khuẩn huyết do s.aureus;
nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn gram âm; viêm ruột hoại tử; hấp thu kém, tiêu
chảy nặng và/hoặc nôn, buồn nôn chưa kiểm soát được; trẻ sơ sinh (xét từng
trường hợp cụ thể);
- Trẻ không sốt
(nhiệt độ < 37,50C trong ít nhất 24 giờ);
- Trẻ dùng được thuốc đường uống hay qua sonde (không nôn, tiêu chảy…);
- Dấu hiệu, triệu
chứng lâm sàng, marker nhiễm khuẩn cải thiện;
- Có sẵn kháng
sinh đường uống phù hợp. Lưu ý đặc biệt với trẻ ở các độ tuổi khác nhau do
chống chỉ định một số kháng sinh (nhất là nhóm fluoroquinolon).
Trong những trường hợp này, việc đối chiếu các tài liệu chuyên môn nhi khoa
cũng như hội chẩn giữa bác sĩ truyền nhiễm, bác sĩ nhi, bộ phận vi sinh và dược
lâm sàng là cần thiết để đưa ra quyết định tối ưu.
1.5.
Nguyên tắc lựa chọn kháng sinh
đường uống thay thế
1.5.1. Các tiêu chí lựa chọn kháng sinh uống thay thế
Khi lựa chọn kháng sinh đường uống để thay thế
cho kháng sinh đường tiêm, các tiêu chí sau đây cần được cân nhắc theo thứ tự
ưu tiên giảm dần:
- Phổ kháng
khuẩn;
-
Khả năng phân bố được đến
mô nhiễm với nồng độ ổn định lớn hơn nồng độ ức chế tối thiểu (minimum
inhibitory concentration, MIC) của tác nhân nguy cơ;
- Sinh khả dụng
đường uống và khả năng dung nạp qua tiêu hóa đảm bảo nồng độ thuốc vào cơ thể
đạt được mục tiêu điều trị;
- Tình hình đề kháng
tại chỗ;
- Độc tính và
phản ứng có hại tiềm ẩn;
- Chi phí điều
trị hợp lý;
1.5.2. Phân loại các kháng sinh đường uống theo tiêu
chí chuyển đổi
Khả năng đạt nồng độ kháng sinh trong máu khi
sử dụng kháng sinh đường uống phụ thuộc rất nhiều vào quá trình hấp thu, bao
gồm sinh khả dụng và khả năng dung nạp qua đường tiêu hóa. Sinh khả dụng là tỉ
lệ lượng thuốc vào được vòng tuần hoàn chung, đặc trưng bởi mức độ và tốc độ
hấp thu thuốc. Khả năng dung nạp thuốc qua đường tiêu hóa đặc trưng cho mức
liều đường uống tối đa trong một lần dùng mà đường tiêu hóa có khả năng hấp thu
mà không xảy ra các rối loạn hoạt động (như tiêu chảy).
Các kháng sinh đường uống được chia thành 4
nhóm chính theo sinh khả dụng và khả năng dung nạp của đường tiêu hóa (bảng
1.3). Việc lựa chọn hình thức chuyển đổi về bản chát dựa trên sinh khả dụng và
khả năng dung nạp thuốc qua đường tiêu hóa của kháng sinh đường uống chuyển
đổi.
Nhóm 1-2 có thể sử dụng ban đầu qua đường uống
cho các nhiễm khuẩn không đe dọa tính mạng, bệnh nhân có huyết động ổn định và
không có vấn đề về hấp thu, có thể sử dụng trong chuyển tiếp IV/PO nếu đáp ứng điều
kiện lâm sàng.
Nhóm 3-4 có thể sử dụng trong chuyển tiếp IV/PO
theo nguyên tắc: sau khi nhiễm khuẩn cơ bản đã được giải quyết bằng kháng sinh
đường tiêm ban đầu, kết hợp tác dụng của kháng sinh với tình trạng miễn dịch
của người bệnh.
1.6.
Những hình thức chuyển đổi kháng
sinh từ tiêm sang uống
Có 3 hình thức chính trong chuyển đổi kháng
sinh từ đường tiêm sang đường uống trên thực hành lâm sàng bao gồm:
1.6.1.
Chuyển đổi tiếp nối (sequential)
Chuyển đổi từ kháng sinh đường tiêm sang kháng
sinh đường uống cùng hoạt chất. Kiểu chuyển đổi này áp dụng cho các hoạt chất
có cả đường tiêm và đường uống. Liều dùng có thể tương đương hoặc tăng liều,
phụ thuộc vào sinh khả dụng đường uống của kháng sinh đó.
1.6.2.
Chuyển đổi chuyển tiếp (switch)
Chuyển đổi từ kháng sinh đường tiêm sang kháng
sinh đường uống cùng nhóm, nhưng kháng sinh đường uống có thể là hoạt chất
khác, có cùng hoạt lực và phổ tác dụng. Kiểu chuyển đổi này áp dụng khi kháng
sinh đang dùng chỉ có dạng đường tiêm và kháng sinh đường uống bắt buộc phải
đáp ứng hoạt lực diệt khuẩn tương đương với đường tiêm.
1.6.3.
Chuyển đổi xuống thang (scale down)
Chuyển đổi từ kháng sinh đường tiêm sang kháng
sinh đường uống khác có thể cùng loại, cùng nhóm hoặc khác nhóm với kháng sinh
đường tiêm. Tuy nhiên, tần suất, liều dùng và phổ tác dụng có thể không hoàn
toàn tương tự như kháng sinh đường tiêm.
Bảng 1.3. Phân loại và
các hình thức chuyển đổi IV-PO
|
Đặc tính
|
Ví dụ
|
Hình thức
|
Nhóm 1
|
Kháng sinh có sinh khả dụng uống cao (>90%), hấp thu và dung nạp tốt ở liều tương
tự liều tĩnh mạch
|
Levofloxacin,
moxifloxacin, linezolid, metronidazol, azithromycin
|
Nối tiếp, giữ nguyên
liều
|
Nhóm 2
|
Kháng sinh có sinh khả dụng uống thấp
hơn
(70-80%) nhưng có thể
bù trừ bằng tăng
liều của kháng sinh
uống
|
Ciprofloxacin
|
Nối tiếp
Điều chỉnh chế độ
liều
|
Nhóm 3
|
Kháng sinh có sinh khả dụng uống cao (>90%)
nhưng liều tối đa thấp hơn
so với liều đường tĩnh mạch do dung nạp tiêu hóa kém hơn
|
Clindamycin
|
Nối tiếp
Điều chỉnh chế độ
liều
|
Nhóm 4
|
Kháng sinh có sinh khả dụng uống thấp và liều tối
đa cũng thấp hơn so với liều đường tĩnh mạch hoặc kháng sinh không có
dạng bào chế đường uống
|
Ceftriaxon,
ceftazidime, cefotaxim, gentamycin
|
Chuyển tiếp hoặc
xuống thang
|
Bảng 1.4. Gợi ý chuyển
đổi kháng sinh đường tiêm sang đường uống ở người lớn
Kháng sinh tĩnh mạch
|
Kháng sinh đường uống
|
Hình thức nối tiếp
(sequential)
|
Levofloxacin 500 mỗi 12 giờ hoặc 750mg mỗi 24 giờ
|
Levofloxacin 500 mỗi 12 giờ hoặc 750mg mỗi 24 giờ
|
Moxifloxacin 400mg mỗi 24 giờ
|
Moxifloxacin 400mg mỗi 24 giờ
|
Linezolid 600mg mỗi 12 giờ
|
Linezolid 600mg mỗi 12 giờ
|
Fluconazol200-400mg mỗi 24 giờ
|
Fluconazol200-400mg mỗi 24 giờ
|
Metronidazol 500mg mỗi 12 giờ
|
Metronidazol 500mg mỗi 12 giờ
|
Doxycylin 100-200mg mỗi 12 giờ
|
Doxycyclin 100-200mg mỗi 12 giờ
|
Minocyclin 200mg mỗi 12 giờ
|
Minocyclin 200mg mỗi 12 giờ
|
Clarithromycin 500mg mỗi 12 giờ
|
Clarithromycin 500mg mỗi 12 giờ
|
Azithromycin 500mg mỗi 24 giờ
|
Azithromycin 500mg mỗi 24 giờ
|
Ciprofloxacin 400mg mỗi 12 giờ
|
Ciprofloxacin 500mg mỗi 12 giờ
|
Voriconazol 200mg mỗi 12 giờ
|
Voriconazol 200mg mỗi 12 giờ
|
Ampicillin/sulbactam (liều theo ampicillin) 1-2g mỗi 6 giờ
|
Amoxicillin/acid clavulanic (liều theo amoxicillin) 500-1000mg mỗi 8 giờ
|
Hình thức chuyển tiếp
(switch)
|
Cefazolin 1-2g mỗi 8 giờ
|
Cephalexin 500mng mỗi 6 giờ
|
Cefotaxim 1g mỗi 12 giờ
|
Ciprofloxacin 500-750mg mỗi 12 giờ
|
Ceftriaxon 1-2g mỗi 24 giờ
|
Ciprofloxacin 500-750mg mỗi 12 giờ
hoặc amoxicillin/acid clavulanic 875/125mg mỗi 12 giờ
|
Cefuroxim 750mg-1,5g mỗi 8 giờ
|
Cefuroxim axetil 500mg-1g mỗi 12 giờ
|
Cloxacillin 1g mỗi 6 giờ
|
Cloxacillin 500mg mỗi 6 giờ
|
Clindamycin 600mg mỗi 8 giờ
|
Clindamycin 300-450mg mỗi 6 giờ
|
Hình thức xuống thang
(scale down)
|
Vancomycin (liều theo khuyến cáo)
|
Linezolid 600mg mỗi 12 giờ
|
Ceftazidim hoặc cefepim (2g mỗi 8 giờ)
|
Ciprofloxacin (750mg mỗi 12 giờ)
hoặc levofloxacin (500mg mỗi 12 giờ
hoặc 750mg mỗi 24 giờ)
|
Gentamicin 5mg/kg mỗi 24 giờ
|
Ciprofloxacin 500mg mỗi 12 giờ
(750mg mỗi 12 giờ cho trường hợp nhiễm P.aeruginosa)
|
Tobramycin 5mg/kg mỗi 24 giờ
|
Ciprofloxacin 500mg mỗi 12 giờ
(750mg mỗi 12 giờ cho trường hợp nhiễm P.aeruginosa)
|
2. Tiếp cận can thiệp của dược sĩ
lâm sàng trong chuyển đổi kháng sinh từ đường tiêm sang đường uống
2.1.
Vai trò của tiếp cận đa ngành và
công cụ công nghệ thông tin
Can thiệp
chuyển đổi sớm kháng sinh từ đường tiêm sang đường uống là một trong những
chiến lược quan trọng trong chương trình quản lý sử dụng kháng sinh được nhiều
bệnh viện áp dụng. Để phát huy các lợi ích đã phân tích, việc chuyển đổi đường
dùng kháng sinh cần được thực hiện thường quy dưới sự tham gia của nhóm đa
ngành gồm cả bác sĩ, dược sĩ và điều dưỡng và sự hổ trợ của công nghệ thông
tin.
Một hướng tiếp cận chuyển đổi đường dùng kháng
sinh với sự tham gia của hệ thống bệnh án điện tử: Dữ liệu của bệnh nhân được
phần mềm lọc hằng ngày, chọn ra những bệnh nhân đã sử dụng kháng sinh đường
tiêm đủ 72 giờ. Danh sách những bệnh nhân này được điều dưỡng tổng hợp hoặc từ
phần mềm gửi trực tiếp đến dược sĩ lâm sàng. Dược sĩ lâm sàng sẽ đánh giá sơ bộ
những bệnh nhân theo danh sách mỗi ngày dựa trên bệnh án điện tử và chọn ra
những bệnh nhân đủ điều kiện đáp ứng chuyển đổi từ đường tiêm sang đường uống
để tiến hành can thiệp, tư vấn bác sĩ điều trị, thảo luận để đưa ra quyết định
có chuyển đổi kháng sinh cho bệnh nhân hay không. Dược sĩ có trách nhiệm cùng
với bác sĩ theo dõi đáp ứng lâm sàng của bệnh nhân sau khi chuyển đổi kháng
sinh từ đường tiêm sang đường uống.
Trong nhiều
trường hợp, việc quyết định chuyển đổi kháng sinh cần tham gia của bác sĩ vi
sinh, kiểm soát nhiễm khuẩn và các chuyên khoa khác, chẳng hạn trong trường hợp
bệnh nhân điều trị nhiễm trùng huyết, hoặc bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng
về tim mạch, thần kinh…
2.2.
Một số lưu ý trong bước chuyển từ
đường tiêm sang đường uống
2.2.1. Thận trọng
tương tác thuốc đường uống
Khi tư vấn
chuyển đổi kháng sinh từ đường tiêm sang đường uống, dược sĩ lâm sàng cần lưu ý
cho bác sĩ về nguy cơ tương tác thuốc khi chuyển đổi sang đường uống, nhất là
các kháng sinh đường uống mà sinh khả dụng phụ thuộc nhiều vào bữa ăn, hoặc bị
ảnh hưởng bởi các thành phần bữa ăn, các loại thức uống (như sữa, trà, cà phê),
các thuốc đường uống khác bệnh nhân đang dùng (calci, kẽm, sắt, các thuốc kháng
acid chứa nhôm, magie). Chẳng hạn, một số fluoroquinolon (ciprofloxacin,
levofloxacin) giảm hấp thu đáng kể do tương tác tạo phức khi dùng đồng thời với
các thực phẩm, thuốc chứa ion kim loại hóa trị cao.
2.2.2. Tương đương
sinh học giữa các biệt dược
Một
trong những tiêu chí quan trọng cần đảm bảo sinh khi chuyển đổi
từ đường tĩnh mạch sang đường uống là sinh khả dụng
của thuốc.
Bên cạnh đó, các yếu tố như hiệu quả điều trị, nguy cơ phản ứng có hại,
tương tác, tương kỵ cũng là những yếu tố cần quan tâm, đặc biệt khi có nhiều sự
lựa chọn generic khác nhau cho cùng một hoạt chất trong định hướngchuyển đổi.
Chính
vì vậy, việc
lựa chọn biệt dược gốc hoặc biệt dược có bằng chứng tương đương sinh học là
tiêu chí thường được cân nhắc trong thực hành lâm sàng. Tại Việt Nam, các kháng
sinh gồm amoxicillin, sultamicillin, cefuroxim axetil, cefixim, cefpodoxim,
azithromycin, clarithromycin cần chứng minh tương đương sinh học để được cấp
phép lưu hành.
Do đó, dược sĩ cần tư
vấn cho bác sĩ khi lựa chọn biệt dược của kháng sinh uống thay thế, để vừa đảm
bảo hiệu quả lâm sàng, vừa góp phần giảm gánh nặng chi phí điều trị cho bệnh
nhân và bệnh viện. Cuối cùng, việc chuyển đổi kháng sinh từ đường tiêm sang
đường uống nên được chuẩn hóa và xây dựng thành các hướng dẫn
điều trị trên thực hành lâm sàng tại bệnh viện nhằm giúp tối ưu hóa dần hiệu
quả của việc chuyển đổi.
Đơn vị Dược lâm sàng – Thông tin thuốc – Khoa Dược
Tài liệu tham khảo
Tài liệu tiếng Việt
1. Bộ Y tế (2015), Hướng dẫn sử dụng kháng sinh
ban hành kèm theo quyết định 708/QĐ-BYT ngày 02/03/2015
2. Bộ Y tế (2020), Hướng dẫn thực hiện quản lý sử
dụng kháng sinh, ban hành kèm theo quyết định số 5631/QĐ-BT ngày 31/12/2020
3. Bộ Y tế (2020), Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị
viêm phổi mắc phải tại cộng đồng, ban hành kèm theo quyết định 4815/QĐ-BYT ngày
20/11/2020
4. Bệnh viện Chợ Rẫy (2020), Hướng dẫn sử dụng
kháng sinh.
Tài liệu tiếng Anh
5. McCarthy K,
Avent M (2020). Oral or intravenous antibiotics?. Aust Prescr.
2020;43(2):45-48.
6. Sze WT, Kong MC
(2018). Impact of printed antimicrobial stewardship recommendations on early
intravenous to oral antibiotics switch practice in district
hospitals. Pharm Pract (Granada). 2018;16(2):855.
7. MacGregor RR,
Graziani AL (1997). Oral administration of antibiotics: a rational alternative
to the parenteral route. Clin Infect Dis. 1997 Mar;24(3):457-67. switch
over from intravenous to oral therapy: a concise overview
8. Sutherland A, Canobbio M, Clarke J,
et al (2020). Incidence and prevalence of intravenous medication errors in the
UK: a systematic review. European Journal of Hospital
Pharmacy 2020;27:3-8.
9. Gasparetto J,
Tuon FF, Dos Santos Oliveira D et al (2019). Intravenous-to-oral antibiotic
switch therapy: a cross-sectional study in critical care units. BMC Infect Dis.
2019 Jul 22;19(1):650.