Theo số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, việc phân loại, thu hồi, tái chế và xử lý rác thải nhựa còn hạn chế. Lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam, chiếm khoảng 8-12% chất thải rắn sinh hoạt. Nhưng chỉ có khoảng 11-12% số lượng chất thải nhựa, túi nilon được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường, đây có thể dẫn đến thảm họa môi trường. Đặc biệt, trong rác thải y tế có khoảng 5% là rác thải nhựa. Mỗi ngày, có khoảng 22 tấn chất thải nhựa được thải ra từ các hoạt động y tế, trong số đó lẫn với rác thải nguy hại (thuốc, hóa chất..). Thu gom, tái chế và chôn lấp loại rác thải nhựa này đều ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và ô nhiễm môi trường.
Thực hiện Chỉ thị số 08/CT-BYT ngày 29 tháng 7 năm 2019 và kế hoạch số 1315/KH-BYT ngày 19 tháng 11 năm 2019 của Bộ Y tế về việc giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế. Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã ban hành kế hoạch số 136/KH-BVTĐHYDCT ngày 23 tháng 02 năm 2024 về triển khai thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa tại Bệnh viện năm 2024 nhằm tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm và tính phối hợp giữa các nhân viên y tế; nhân viên y tế với người bệnh, người nhà của người bệnh trong thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu chất thải nhựa; từng bước giảm dần việc sử dụng sản phẩm làm từ nhựa dùng một lần khó phân hủy trong hoạt động sinh hoạt thường ngày và hoạt động chuyên môn y tế tại Bệnh viện.
Theo đó, ngày 22/07/2024 Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã tổ chức ký cam kết thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa giữa Giám đốc Bệnh viện và lãnh đạo các đơn vị tại Bệnh viện cùng sự chứng kiến của Chủ tịch Công Đoàn Bệnh viện và toàn thể nhân viên tại Bệnh viện năm 2024.
Tại Lễ ký kết, lãnh đạo các Khoa, phòng đã ký cam kết với Ban Giám đốc về thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa trong toàn đơn vị với các nội dung chính:
- Tăng cường sử dụng thuốc bằng đường uống; sử dụng các vật dụng sinh hoạt, các dụng cụ, vật tư, thiết bị y tế, bao bì, dụng cụ đóng gói, chưa, đựng thuốc, hóa chất làm từ viện liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng trong quá trình khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh, trong hoạt động nghiên cứu và các hoạt động chuyên môn y tế khác nhằm giảm phát sinh chất thải nhựa.
- Hạn chế sử dụng túi chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc nilon khó phân hủy cho mục đích ăn, uống của người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế và tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn của đơn vị; tiến tới thay thế bằng các vật dụng làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc tái sử dụng
- Phấn đấu tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy trong đơn vị.
Một số hình ảnh:
Lễ ký kết giữa Giám đốc Bệnh viện với các Lãnh đạo các Khoa/Phòng
Lễ ký kết giữa Giám đốc Bệnh viện với các Lãnh đạo các Khoa khối Ngoại – Sản