1. Tình hình bệnh trào ngược dạ dày hiện nay
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD - Gastroesophageal reflux disease) là một trong những bệnh phổ biến hiện nay. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể kèm theo các biến chứng gây khó chịu hoặc không có biến chứng cụ thể. Tỉ lệ mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản trên thế giới ước tính là từ 8% đến 33%; ở khu vực Đông Nam Á, tỉ lệ mắc bệnh ước tính là 11,5% đến 35% [1]. Tại Việt Nam, 70% dân số có nguy cơ mắc bệnh liên quan đến dạ dày, trong đó có 20% dân số mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản [2].
Phương pháp chủ yếu để điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản hiện nay là sử dụng các loại thuốc ức chế bơm Proton (PPIs). Tuy nhiên, việc sử dụng các loại thuốc lâu dài lại gây ra các tác dụng phụ không mong muốn. Vì vậy, bên cạnh việc sử dụng thuốc, phương pháp thay đổi lối sống được áp dụng như một liệu pháp an toàn để điều trị lâu dài.
Nhịn ăn gián đoạn (IF – Intermittent fasting) được sử dụng phổ biến hiện nay như một phương pháp giảm cân hiệu quả. Các lợi ích khi áp dụng phương pháp nhịn ăn gián đoạn như cải thiện huyết áp, mức cholesterol máu, tình trạng rối loạn viêm và giúp kiểm soát đường huyết. Ngoài ra, các nghiên cứu hiện nay đã tìm thấy mối liên quan giữa phương pháp nhịn ăn gián đoạn với việc cải thiện tình trạng bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
2. Khái niệm về phương pháp nhịn ăn gián đoạn
Nhịn ăn gián đoạn là mô hình ăn uống mà người áp dụng sẽ thực hiện chu kì giữa việc ăn/nhịn ăn. Phương pháp này ít tập trung vào loại thức ăn mà tập trung chủ yếu đến thời gian ăn uống. Sau đây là một số mô hình thường được áp dụng.
- Mô hình 16:8
Đây là mô hình phổ biến nhất của phương pháp nhịn ăn gián đoạn. Người áp dụng sẽ nhịn ăn trong vòng 16 tiếng và chỉ ăn vào 8 tiếng còn lại trong ngày.
- Mô hình 14:10
Tương tự như mô hình 16:8 khi việc nhịn ăn sẽ kéo dài trong vòng 14 tiếng và 10 tiếng còn lại có thể ăn theo chế độ bình thường. Mô hình 14:10 sẽ dễ dàng thực hiện hơn so với mô hình 16:8 và có thể được áp dụng trong giai đoạn tập làm quen với phương pháp nhịn ăn gián đoạn.
- Mô hình 5:2
Giới hạn năng lượng tiêu thụ hằng ngày là 500 kcal trong 02 ngày bất kì của tuần. Các ngày còn lại sẽ ăn theo chế độ bình thường.
- Mô hình nhịn ăn thay thế
Thực hiện nhịn ăn xen kẽ giữa những ngày bình thường. Vào những ngày nhịn ăn, năng lượng tiêu thụ nên đạt 25% nhu cầu năng lượng.
- Mô hình nhịn ăn trong 24 giờ
Nhịn ăn hoàn toàn trong 24 giờ. Mô hình này thường được thực hiện từ 01 đến 02 lần/tuần.
3. Các nghiên cứu trên thế giới
Một nghiên cứu được đăng trên tạp chí JEG vào năm 2022 (Journal of Clinical Gastroenterology) đã tìm thấy mối liên quan giữa phương pháp IF với cải thiện các triệu chứng của GERD ở 25 tình nguyện viên tham gia [3]. Các triệu chứng của GERD được cải thiện nhanh chóng và đều đặn ở nhóm thực hiện IF.
Một nghiên cứu khác được đăng trên tạp chí CJMS (Cureus Journal of Medical Science) vào năm 2023 về mối liên quan giữa tháng nhịn ăn Ramadan và các tác động lên những rối loạn về tiêu hóa [4]. Ramanda được gọi là tháng nhịn ăn của người Hồi Giáo. Những người tham gia tháng Ramadan sẽ nhịn ăn, uống, các hành vi liên quan đến tình dục từ lúc rạng sáng đến khi mặt trời lặn. Nghiên cứu quan sát trên 130 tình nguyện viên được chia làm hai nhóm : nhịn ăn và không nhịn ăn. Các tình nguyện viên sẽ trả lời bộ câu hỏi nghiên cứu về GERD. Kết quả nghiên cứu trên các tình nguyện viên kết luận rằng các triệu chứng của GERD ít nghiêm trọng hơn trong tháng Ramadan so với những tháng khác. Tuy nhiên, việc nhịn ăn trong tháng Ramanda không ảnh hưởng đến các triệu chứng của GERD trên nhóm bệnh nhân sử dụng các loại thuốc kháng histamin H2 và nhóm PPIs.
Bên cạnh các kết quả nghiên cứu được đề cập ở trên, một nghiên cứu được đăng vào năm 2021 trên tạp chí AJCN (American Journal of Clinical Nutrition) đã báo cáo về sự tái cấu trúc hệ vi sinh đường ruột trong tháng Ramanda [5]. Hệ khuẩn ruột được báo cáo bao gồm các loài giữ chức năng sản xuất butyrate trong đường ruột và có vai trò đối với sức khỏe.
Các nghiên cứu đã tìm thấy kết quả đáng mong đợi về mối liên quan giữa phương pháp IF với việc cải thiện các triệu chứng của GERD. Tuy nhiên, các nghiên cứu hiện nay vẫn còn giới hạn về số lượng và cần thêm nhiều nghiên cứu thực nghiệm lâm sàng với cỡ mẫu lớn hơn trong tương lai trước khi khẳng định phương pháp IF là liệu pháp an toàn trong giảm các triệu chứng của GERD.
TỔ DINH DƯỠNG
Tài liệu tham khảo:
[1] Hải Yến, L. ., Minh Hoàn, V. ., & Thị Thanh Tú, N. . (2022). ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG CỦA BỆNH NHÂN TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY THỰC QUẢN. Tạp Chí Y học Việt Nam, 508.
[2] Việt Hằng, Đào ., Thị Ngọc Ánh, T. ., & Mạnh Duy, N. . (2021). ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG BỆNH LÝ TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY THỰC QUẢN KHÁNG TRỊ VÀ NHU CẦU SỬ DỤNG ỨNG DỤNG DI ĐỘNG NHẰM HỖ TRỢ QUẢN LÝ BỆNH. Tạp Chí Y học Việt Nam, 499(1-2).
[3] Jiang Y et al. The Impact of Intermittent Fasting on Patients With Suspected Gastroesophageal Reflux Disease. J Clin Gastroenterol. 2023 Nov-Dec 01;57(10):1001-1006. Epub 2022 Nov 1. PMID: 36730832.
[4] Tibi S et al. Implications of Ramadan Fasting in the Setting of Gastrointestinal Disorders. Cureus. 2023 Mar 31;15(3):e36972. PMID: 37139278; PMCID: PMC10151003.
[5] Su J et al. Remodeling of the gut microbiome during Ramadan-associated intermittent fasting. Am J Clin Nutr. 2021 May 8;113(5):1332-1342. PMID: 33842951; PMCID: PMC8106760.