1. Đại cương
Stenotrophomonas maltophilia là một trong những trực khuẩn Gram âm hiếu khí, tuy ít gây bệnh hơn so với những chủng vi khuẩn bệnh viện khác nhưng có khả năng tạo ra màng sinh học (biofilm) và các yếu tố độc lực dễ xâm nhập hoặc lây nhiễm ở các vật chủ dễ bị tổn thương, chẳng hạn như những người mắc bệnh phổi tiềm ẩn và các khối u ác tính huyết học. Nhiễm trùng Stenotrophomonas maltophilia đặt ra những thách thức về quản lý rất giống với nhiễm trùng CRAB:
(i). Khó xác định nguồn nhiễm, đặc biệt ở những bệnh nhân có bệnh lý nền ở phổi như xơ nang hoặc phụ thuộc vào máy thở. S.maltophilia cũng có thể là một mầm bệnh thực sự gây ra bệnh tật và tử vong đáng kể trong quần thể bệnh ác tính huyết học chủ yếu gây viêm phổi xuất huyết hoặc nhiễm khuẩn huyết.
(ii). Việc lựa chọn kháng sinh điều trị bị cản trở bởi 3 cơ chế lớn gây đề kháng kháng sinh:
a. Mang lượng lớn của các gen kháng kháng sinh: β-lactamase metallo L1 và β-lactamase serine L2 khiến hầu hết các β-lactam thông thường không có tác dụng (penicillin, cephalosporin và carbapenems, một phần aztreonam);
b. Đề kháng tự nhiên với các aminoglycosid thông qua các enzym aminoglycosid acetyl transferase
c. Các gen Smqnr làm giảm thêm hiệu quả của các fluoroquinolon [265].
(iii). Dữ liệu hỗ trợ cho việc lựa chọn tác nhân ưu tiên chống lại S.maltophilia và lựa chọn xác định các phác đồ điều trị kết hợp thường được sử dụng vẫn chưa đầy đủ.
(iv). Các thử nghiệm tính nhạy cảm với kháng sinh của S.maltophilia còn nhiều vấn đề.
S.maltophilia là một mối đe dọa mới có tính toàn cầu do tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng và có khả năng kháng đa kháng sinh nội tại. Các kháng sinh điều trị phổ biến cho Enterobacteriaceae kháng carbapenem (CRE), Pseudomonas và Acinetobacter, có hoạt tính hạn chế đối với Stenotrophomonas. Do đó, các chiến lược điều trị mới cho Stenotrophomonas là rất cần thiết.
Bảy tác nhân chống lại S. maltophilia: TMP-SMX, ticarcillin-clavulanat, ceftazidim, cefiderocol, levofloxacin, minocyclin và chloramphenicol, trong đó, ticarcillin-clavulanate đã bị ngừng sản xuất và chloramphenicol hiếm khi được sử dụng ở Hoa Kỳ do độc tính đáng kể.
2. Lựa chọn kháng sinh điều trị các nhiễm khuẩn nặng do Stenotrophomonas maltophilia
2.1. Lựa chọn ưu tiên đối với các bệnh nhiễm khuẩn do S.maltophilia
- Để điều trị nhiễm trùng S. maltophilia, một trong hai phương pháp được khuyến cáo: (1) sử dụng hai trong số các thuốc sau: TMP-SMX, Minocycline/Tigecycline, Cefiderocol, hoặc Levofloxacin, hoặc (2) kết hợp Ceftazidime- Avibactam và Aztreonam khi có bằng chứng lâm sàng không ổn định đáng kể hoặc xác định được tình trạng không dung nạp hoặc không có tác dụng với các thuốc khác.
2.2. Vai trò của TMP-SMX trong điều trị nhiễm trùng do S.maltophilia
- TMP-SMX như một phần của liệu pháp phối hợp được khuyến cáo trong nhiễm trùng S. maltophilia, ít nhất là cho đến khi thấy cải thiện lâm sàng.
2.3. Vai trò của dẫn xuất tetracyclin trong điều trị nhiễm khuẩn do S.maltophilia
- Minocycline liều cao (200 mg IV/uống mỗi 12 giờ) như một phần của liệu pháp phối hợp được ưu tiên trong nhiễm trùng S. maltophilia, ít nhất là cho đến khi thấy cải thiện lâm sàng.
- Ưu tiên Minocycline hơn Tigecycline do dữ liệu in vitro tốt hơn một chút, có sẵn các điểm dừng CLSI, dạng bào chế dạng uống và khả năng dung nạp của Minocycline được cải thiện so với Tigecycline, mặc dù Tigecycline cũng là một lựa chọn điều trị khả thi đối với nhiễm trùng S. maltophilia.
2.4. Vai trò của liệu pháp Cefiderocol trong điều trị nhiễm khuẩn do S.maltophilia
- Cefiderocol như một phần của liệu pháp phối hợp được ưu tiên cho nhiễm trùng S. maltophilia, ít nhất là cho đến khi thấy cải thiện lâm sàng.
2.5. Vai trò của levofloxacin trong điều trị nhiễm khuẩn do S.maltophilia
- Levofloxacin chỉ được khuyến cáo như một phần của liệu pháp phối hợp để điều trị nhiễm trùng S. maltophilia.
- Không nên chuyển sang đơn trị liệu bằng Levofloxacin đối với nhiễm trùng S. maltophilia.
2.6. Vai trò của Ceftazidime-avibactam và aztreonam trong điều trị nhiễm khuẩn do S. maltophilia
- Sự kết hợp giữa Ceftazidime-Avibactam và Aztreonam được khuyến cáo đối với nhiễm trùng S. maltophilia khi xuất hiện bệnh nặng hoặc không dung nạp hoặc không có tác dụng với các thuốc khác.
2.7. Vai trò của Ceftazidime trong điều trị nhiễm khuẩn do S. maltophilia
- Ceftazidime không phải là lựa chọn điều trị được khuyến cáo đối với nhiễm trùng S. maltophilia do sự hiện diện của β-lactamase nội tại của S. maltophilia được cho là sẽ khiến ceftazidime bất hoạt
2.8. Vai trò của polymyxin trong điều trị nhiễm khuẩn do S.maltophilia
- Không khuyến cáo sử dụng Polymyxin cho nhiễm trùng do S. maltophilia.
Tài liệu gốc: Hướng dẫn điều trị nhiễm khuẩn gram âm đa kháng IDSA 2023
Tamma PD, Aitken SL, Bonomo RA, Mathers AJ, van Duin D, Clancy CJ. Infectious Diseases Society of America Antimicrobial-Resistant Treatment Guidance: Gram-Negative Bacterial Infections. Infectious Diseases Society of America 2023; Version 3.0.
https://www.idsociety.org/practice-guideline/amr-guidance/#
Đơn vị Dược lâm sàng
KHOA DƯỢC