1. Đại cương
AmpC β-lactamase là các β-lactamase được sản xuất bởi một số vi khuẩn họ Enterobacterales và vi khuẩn gram âm không lên men glucose. Chức năng chính của các enzym này là giúp hỗ trợ tái tạo thành tế bào vi khuẩn, bên cạnh đó có khả năng thủy phân một số kháng sinh có vòng β-lactam khi được tiết ở mức độ cao ở một số chủng và thậm chí ở mức độ bình thường với một số chủng khác.
Việc tăng tiết AmpC của các Enterobacterales thường xảy ra theo một trong ba cơ chế: (1) cảm ứng làm tăng biểu hiện gen trên nhiễm sắc thể, (2) giải ức chế các gen ổn định trên nhiễm sắc thể hoặc (3) tăng thu nhận các gen tổng hợp AmpC thông qua trung gian plasmid vào nhiễm sắc thể. Hướng dẫn này chủ yếu tập trung vào việc điều trị các bệnh nhiễm trùng do các chủng Enterobacterales có khả năng cảm ứng gen AmpC từ trung bình đến cao.
Một số kháng sinh có thể cảm ứng khả năng tiết AmpC của các chủng Enterobacterale dẫn đến hiện tượng tăng MIC của chúng đối với các kháng sinh này, chẳng hạn như là ceftriaxon, cefotaxim và ceftazidim. Hệ quả là một số chủng Enterobacterale nhạy cảm với ceftriaxon trên invitro nhưng sau đó kém đáp ứng khi điều trị bằng ceftriaxon. Trong hướng dẫn này, những chủng vi khuẩn như vậy (bao gồm Enterobacter cloacae, Klebsiella aerogenes và Citrobacter freundii) được mô tả có nguy cơ từ trung bình đến cao đối với việc tiết AmpC có ý nghĩa lâm sàng.. Trong trường hợp vi khuẩn kháng thuốc do cảm ứng AmpC có thể thấy ngay sự giảm đáp ứng sau một vài liều ceftriaxon, cefotaxim hoặc ceftazidim.
Đối với hai cơ chế còn lại bao gồm giải ức chế các gen ổn định và nhận gen từ plasmid, việc tiết AmpC luôn tăng lên. Các chủng phân lập có một trong hai cơ chế này hầu như biểu hiện không nhạy cảm với ceftriaxon, cefotaxim và/hoặc ceftazidim ngay trên invitro. Do đó, hai trường hợp đề kháng theo cơ chế này ít gây khó khăn về mặt lựa chọn thuốc trong quá trình điều trị hơn do các chủng phân lập đề kháng theo dạng cảm ứng tiết AmpC. Cụ thể đối với trường hợp cơ chế thứ nhất, một số chủng Enterobacterales như Escherichia coli và Shigella spp. có đột biến điểm ở gen khởi động AmpC hoặc gen điều hòa, cũng như các gen liên quan khác (ví dụ: AmpD, AmpR, AmpG) làm giải ức chế sự biểu hiện ổn định gen. Đối với cơ chế thứ hai, Salmonella spp., E.coli và K. pneumoniae là những chủng vi khuẩn thường gặp nhất có biểu hiện dung nhận các gen AmpC (ví dụ: blaCMY, blaFOX, blaDHA, blaACT, blaMIR). Những gen ampC này có thể được tìm thấy trên các plasmid hoặc được tích hợp vào bộ gen của vi khuẩn.
Hình 1. Hiện tượng cảm ứng ampC gây đề kháng ở các chủng Enterobacterales
(nguồn: Semin Respir Crit Care Med. 2015 Feb;36(1):56-73.)
2. Lựa chọn kháng sinh điều trị các nhiễm khuẩn do Enterobacterales sinh AmpC
Một số loại kháng sinh β-lactam có nguy cơ cảm ứng gen ampC tương đối cao, bao gồm ceftriaxon, cefotaxim hoặc ceftazidim. Việc lựa chọn kháng sinh nên cân nhắc cả khả năng cảm ứng gen AmpC và khả năng bị thủy phân bởi AmpC của chúng.
2.1. Vai trò của cefepim trong điều trị nhiễm khuẩn do Enterobacterales sinh AmpC
- Cefepim được khuyến cáo điều trị các bệnh nhiễm trùng bởi các chủng vi khuẩn có nguy cơ tiết AmpC đáng kể từ trung bình đến cao (ví dụ: E. cloacae, K. aerogenes và C. freundii).
- Một số nghiên cứu khuyến cáo rằng carbapenem có thể là lựa chọn trong trường hợp các vi khuẩn này có MIC với cefepime ³ 4 g/mL và còn nhạy cảm với carbapenem, nhất là trong trường hợp các chủng này đồng thời tiết AmpC và ESBL. Tuy nhiên, hiện vẫn cần nhiều chứng cứ hơn để ủng hộ khuyến cáo này.
2.2. Vai trò của ceftriaxon, cefotaxim và ceftazidim trong điều trị nhiễm khuẩn do Enterobacterales sinh AmpC
- Ceftriaxon (hoặc cefotaxim hoặc ceftazidim) không được khuyến cáo để điều trị các bệnh nhiễm trùng xâm lấn do các chủng vi khuẩn có nguy cơ tiết AmpC ở mức độ trung bình-cao có ý nghĩa trên lâm sàng từ trung bình đến cao (ví dụ: E. cloacae, K. aerogenes và C. freundii).
- Ceftriaxon có thể là lựa chọn hợp lý trong viêm bàng quang không biến chứng do những vi khuẩn này nếu có bằng chứng nhạy cảm.
2.3. Vai trò của piperacallin/tazobactam trong điều trị nhiễm khuẩn do Enterobacterales sinh AmpC
- Piperacillin-tazobactam không được khuyến cáo cho các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng do Enterobacterales có nguy cơ tiết AmpC mức độ trung bình-cao có ý nghĩa lâm sàng do cảm ứng gen AmpC
2.4. Vai trò của phối hợp thuốc ức chế β-lactam-β-lactamase và cefiderocol trong điều trị nhiễm khuẩn do Enterobacterales sinh AmpC
- Ceftazidim-avibactam, meropenem-vaborbactam, imipenem-cilastatin-relebactam và cefiderocol nên được ưu tiên để điều trị các bệnh nhiễm trùng do chủng vi khuẩn có bằng chứng kháng với carbapenem.
- Không khuyến cáo sử dụng ceftolozane-tazobactam làm lựa chọn điều trị cho các bệnh nhiễm trùng AmpC-E, ngoại trừ trường hợp nhiễm trùng đa vi khuẩn.
2.5. Vai trò của liệu pháp không-beta-lactam trong điều trị nhiễm khuẩn do Enterobacterales sinh ampC
- Nitrofurantoin hoặc TMP-SMX là những lựa chọn điều trị ưu tiên cho bệnh viêm bàng quang do AmpC-E không biến chứng.
- Aminoglycoside là phương pháp điều trị thay thế cho bệnh viêm bàng quang không biến chứng, viêm bể thận và nhiễm trùng tiểu có biến chứng do AmpC-E gây ra.
- TMP-SMX hoặc fluoroquinolon là lựa chọn điều trị đối với các bệnh nhiễm trùng xâm lấn do các chủng vi khuẩn có nguy cơ tiết AmpC từ trung bình đến cao có ý nghĩa lâm sàng
Tài liệu gốc: Hướng dẫn điều trị nhiễm khuẩn gram âm đa kháng IDSA 2023
Tamma PD, Aitken SL, Bonomo RA, Mathers AJ, van Duin D, Clancy CJ. Infectious Diseases Society of America Antimicrobial-Resistant Treatment Guidance: Gram-Negative Bacterial Infections. Infectious Diseases Society of America 2023; Version 3.0.
Đơn vị Dược lâm sàng
KHOA DƯỢC