Vào ngày 25/2/2023 khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ có tiếp nhận một cụ bà L.T.H 87 tuổi vào viện vì sưng, đau vùng mông, đùi bên phải do té ngã. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, rung nhĩ, loãng xương, sau khi được thăm khám và tiến hành các cận lâm sàng cần thiết bệnh nhân được chẩn đoán: gãy phức tạp liên mấu chuyển xương đùi phải/suy tim, rung nhĩ, thiếu máu cơ tim, tăng áp phổi nặng, loãng xương và được chỉ định nhập viện để điều trị.
Đến ngày 08/3/2023 (sau 12 ngày vào viện) khi tình trạng bệnh lý nội khoa tạm ổn thì bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật thay khớp háng phải bán phần. Bệnh nhân được điều trị tích cực, phối hợp đa chuyên khoa: chấn thương chỉnh hình, hô hấp, tim mạch và dinh dưỡng. Về kết quả phẫu thuật thay khớp, các bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình đánh giá vết thương lành tốt, bệnh nhân có thể ngồi dậy và tập đi. Tuy nhiên tình trạng hô hấp, tim mạch của bệnh nhân cải thiện chậm, vẫn còn ho, khó thở, cần thở oxy để đảm bảo SPO2 đạt mục tiêu và cần sự chăm sóc tích cực nên được chuyển đến điều trị tại phòng Hồi sức tích cực vào ngày 15/3/2023, sau phẫu thuật 7 ngày.
Trong quá trình điều trị tại phòng Hồi sức tích cực, tình trạng hô hấp của bệnh nhân xấu đi và được chỉ định đặt nội khí quản thở máy. Kết quả cấy đàm lần đầu là Staphylococcus haemolyticus kháng Methicillin, một loại vi khuẩn gây viêm phổi bệnh viện phổ biến trên bệnh nhân có can thiệp phẩu thuật (Hình 1). Kháng sinh được điều chỉnh theo kết quả kháng sinh đồ và cấy đàm âm tính sau 7 ngày điều trị.
Dù tình trạng viêm phổi đã được khống chế tạm thời nhưng bệnh nhân vẫn lệ thuộc máy thở và không tự thở được, sau đó bệnh nhân được mở khí quản, tiếp túc theo dõi điều trị ổn định tình trạng tim mạch, dinh dưỡng tích cực đường tĩnh mạch và nuôi ăn qua sonde dạ dày phối hợp với tập vật lý trị liệu vận động và hô hấp mỗi ngày. Bệnh nhân được cấy đàm lại lần 2 và cho kết quả là vi khuẩn Acinetobacter baumannii, tác nhân gây viêm phổi thở máy phổ biến, chủng vi khuẩn này kháng với hầu hết các kháng sinh hiện có, bao gồm cả Colistin là một trong những kháng sinh cuối cùng trong điều trị nhiễm khuẩn kháng thuốc, chỉ còn nhạy với 1 kháng sinh duy nhất là Tigecycline (Hình 2). Sau 2 ngày sử dụng kháng sinh Tigecycline (ngày 21/4/2023) và tiếp tục điều trị tích cực về dinh dưỡng và vật lý trị liệu thì bệnh nhân đã tự thở được qua mở khí quản.
Ngày 03/5/2023 sau hơn 2 tháng điều trị và trên 1 tháng thở máy, tình trạng bệnh nhân tạm ổn (các dấu hiệu sinh tồn bình thường và tự thở qua mở khí quản) nên được xuất viện.
Viêm phổi liên quan thở máy xuất hiện sau ít nhất 48 giờ can thiệp đặt nội khí quản, tác nhân gây bệnh phổ biến nhất là các vi khuẩn Gram âm và tụ cầu vàng, hầu hết các chủng vi khuẩn này đều đa kháng thuốc. Viêm phổi thở máy xảy ra chủ yếu trong 10 ngày đầu sau khi đặt nội khí quản chiếm tỉ lệ 9 – 27% ở bệnh nhân thở máy. Dấu hiệu của viêm phổi trên các bệnh nhân thở máy thường là sốt, tăng tiết đàm và đàm đục, cần tăng nồng độ oxy để đảm bảo oxy hóa máu. Chẩn đoán xác định dựa trên các biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng như: chụp X quang phổi, công thức máu và nuôi cấy, định danh vi khuẩn trong đàm của bệnh nhân. Tiên lượng chung là kém do hai yếu tố chính: thứ nhất, phần lớn bệnh nhân nhiễm khuẩn đa kháng thuốc và thứ hai là có nhiều bệnh nền đi kèm.
Khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực
Hình 1. Kết quả kháng sinh đồ lần 1
(S: còn nhạy, I: trung gian, R: kháng)
Hình 2. Kết quả kháng sinh đồ lần 2
(S: còn nhạy, I: trung gian, R: kháng)