Ngày 13/4/2022, khoa Cấp cứu –
Hồi sức tích cực đã tiếp nhận bệnh nhân N.V.S, nam, 80 tuổi, địa chỉ Vĩnh Viễn
A – Long Mỹ - Hậu Giang, được tuyến dưới chuyển đến với chẩn đoán “Đái tháo đường
type 2”.
Qua thăm khám chúng tôi ghi nhận:
bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường type 2, uống thuốc theo toa định kỳ, cách
nhập viện 01 tháng bệnh nhân nhiễm COVID-19 và tự điều trị tại nhà, trong và sau
thời gian nhiễm COVID-19 bệnh nhân không đến bệnh viện tái khám kiểm tra định kỳ,
không kiểm tra đường huyết, thường xuyên tiểu đêm 3-4 lần mỗi đêm. Cách nhập viện
02 ngày, bệnh nhân tiêu phân lỏng nhiều lần, tri giác lừ đừ tăng dần, được nhập
viện tuyến dưới, cùng ngày bệnh nhân được chuyển viện đến Bệnh viện Trường Đại
học Y Dược Cần Thơ
Tình trạng lúc vào viện: Bệnh
nhân lừ đừ, dấu mất nước như mắt trũng, môi khô, thể trạng lão suy, than mệt,
khó thở. Dấu hiệu sinh tồn: mạch 107 lần/phút, nhiệt độ 38.5oC, huyết
áp 120/70mmHg, SpO2 96%. Tim đều, phổi thô, bụng mềm.
Chúng tôi tiến hành ngay xét
nghiệm đường huyết mao mạch tại giường ghi nhận kết quả “HI” (đường huyết rất
cao nằm ngoài khả năng đo lường được của máy), bệnh nhân đã được tiến hành xử
trí cấp cứu ban đầu và làm khẩn các xét nghiệm cần thiết để hỗ trợ cho chẩn
đoán và điều trị tối ưu cho bệnh nhân.
Kết quả xét nghiệm ghi nhận đường
huyết tĩnh mạch của bệnh nhân là 56.1 mmol/L (bình thường đường huyết bất kỳ 7
- <10 mmol/L), đường huyết tăng rất cao so với giá trị bình thường, ngoài ra
bệnh nhân còn tăng Na máu làm cho bệnh nhân rơi vào trạng thái tăng áp lực thẩm
thấu, kèm theo đó là tổn thương đa cơ quan (tổn thương thận cấp, tổn thương gan
cấp, suy tim), đồng thời các chỉ số xét nghiệm về dấu hiệu nhiễm trùng cũng
tăng cao.
Bệnh nhân được chẩn đoán “Tăng
áp lực thẩm thấu máu – Đái tháo đường type 2 – Tổn thương thận cấp – Tổn thương
gan cấp – Viêm phổi - Hậu nhiễm COVID-19”
và được đưa vào đơn vị Hồi sức tích cực để tiếp tục điều trị tích cực và theo
dõi sát. Đến ngày 16/4/2022, bệnh nhân tri giác tỉnh táo, tiếp xúc tốt, sinh hiệu
ổn, đường huyết đã được kiểm soát, không còn tình trạng tăng áp lực thẩm thấu
máu, chức năng các cơ quan dần hồi phục, các chỉ số xét nghiệm về tình trạng
nhiễm trùng đã giảm. Bệnh nhân được chuyển đến khoa Nội Tổng hợp để được điều
trị và theo dõi tiếp.
Qua trường hợp này chúng ta thấy
rằng, trong tình hình đại dịch COVID-19, tâm lý nhiều người dân ngại đi khám kiểm
tra sức khỏe thường xuyên. Ở bệnh nhân lớn tuổi, tuổi tác là yếu tố nguy cơ mạnh
nhất đối với bệnh nhân có nhiễm COVID-19/hoặc hậu nhiễm COVID-19. Người lớn tuổi
có nhiều bệnh lý nền (như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim, bệnh phổi,…)
không được kiểm soát tốt, nhiều trường hợp khi đến viện trong tình trạng nặng
và rất nặng, ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe. Khi các bệnh nền không được kiểm
soát tốt sẽ tăng nguy cơ tử vong, nằm viện kéo dài, chi phí y tế tốn kém.
Hiện nay trong bối cảnh đại dịch COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát tốt, tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 đã phủ khắp
toàn quốc, đặc biệt là những đối tượng có yếu tố nguy cơ cao, nhiều bệnh lý nền.
Vì vậy, người dân cần đến bệnh viện khám kiểm tra khi có các vấn đề về sức khỏe,
đặc biệt là các bệnh nhân có bệnh lý nền cần được theo dõi định kỳ và kiểm soát
tốt để giảm tối đa nguy cơ diễn tiến nặng, phát hiện và can thiệp sớm các bệnh
lý mới mắc từ đó mang lại hiệu quả điều trị cao nhất và ít tốn kém chi phí.
Khoa
Cấp cứu – Hồi sức tích cực