Gây mê hồi sức trên bệnh nhân Covid - 19
CHUYÊN MỤC: Kiến thức chung
Đăng vào lúc [2021-07-19 17:00:10] Lượt xem: 2827 343
Tác giả: Chưa xác định
   Hầu hết những người nhiễm virus sẽ có triệu chứng bệnh từ nhẹ đến trung bình và có thể hồi phục mà không cần nhập viện. Các triệu chứng thường gặp nhất: sốt (80%), ho khan (56%), mệt mỏi (22%) và đau cơ (7%); Các triệu chứng ít gặp hơn: đau họng, sổ mũi, tiêu chảy, ho ra máu và ớn lạnh. Những biến chứng đe dọa tính mạng của nhiễm SARS-CoV-2: viêm phổi cấp, hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS), tổn thương gan, tim, thận cấp tính,…Tỷ lệ mắc các vấn đề nghiêm trọng và tử vong cao do Covid-19 lên đến 19% ở người bệnh trên 70 tuổi, 10,5% người bệnh tim mạch, 7,3% người mắc bệnh đái tháo đường. Các thể nặng của bệnh cần được điều trị trong khoa hồi sức tích cực.

1. ĐẠI CƯƠNG

Từ cuối năm 2019, đại dịch COVID-19 diễn ra nhanh chóng trên toàn thế giới. Đại dịch COVID-19 do virus SARS-CoV2, thuộc họ Coronavirus gây ra.

Cơ chế lây nhiễm: có 3 cơ chế chính:

- Các giọt dịch tiết mang virus bắn trực tiếp vào niêm mạc mũi, miệng, kết mạc.

- Tay dính các giọt dịch tiết mang virus (tay tiếp xúc trực tiếp hoặc vô tình với bề mặt có dính dịch tiết) rồi vô tình tiếp xúc với niêm mạc mũi, miệng, kết mạc.

- Hít phải các giọt dịch tiết nhỏ (Aerosol) mang virus lơ lửng trong không khí trước khi chúng lắng xuống bề mặt.

Ngoài ra, tiếp xúc với phân của bệnh nhân Covid-19 ở một số giai đoạn của bệnh cũng có nguy cơ lây nhiễm.

Triệu chứng: hầu hết những người nhiễm virus sẽ có triệu chứng bệnh từ nhẹ đến trung bình và có thể hồi phục mà không cần nhập viện. Các triệu chứng thường gặp nhất: sốt (80%), ho khan (56%), mệt mỏi (22%) và đau cơ (7%); Các triệu chứng ít gặp hơn: đau họng, sổ mũi, tiêu chảy, ho ra máu và ớn lạnh. Những biến chứng đe dọa tính mạng của nhiễm SARS-CoV-2: viêm phổi cấp, hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS), tổn thương gan, tim, thận cấp tính,… Tỷ lệ mắc các vấn đề nghiêm trọng và tử vong cao do Covid-19 lên đến 19% ở người bệnh trên 70 tuổi, 10,5% người bệnh tim mạch, 7,3% người mắc bệnh đái tháo đường. Các thể nặng của bệnh cần được điều trị trong khoa hồi sức tích cực.

2. GÂY MÊ TRÊN BỆNH NHÂN COVID-19

2.1. Ưu tiên hàng đầu là bảo vệ an toàn cho nhân viên y tế

Đặt nội khí quản (NKQ) cho bệnh nhân COVID-19 là một thủ thuật có nguy cơ cao đối với nhân viên, không phân biệt mức độ nghiêm trọng lâm sàng của bệnh.

Giới hạn nhân viên có mặt tại khu vực đặt NKQ: 1 người đặt NKQ, 1 người trợ lý và 1 người quản lý thuốc/theo dõi bệnh nhân. Những người phụ ở bên ngoài phòng.

PPE có hiệu quả và phải được mặc đầy đủ mọi lúc.

Mọi người nên biết kế hoạch trước khi vào phòng-sử dụng bảng kiểm để đạt được điều này. Làm thế nào để giao tiếp, phải có kế hoạch trước khi vào phòng.

Tất cả các việc lắp ráp của các thiết bị đường thở và chuẩn bị thuốc có thể thực hiện ở bên ngoài.

Bác sĩ gây mê có kinh nghiệm nhất được chọn để thực hiện đặt NKQ nếu có thể.

2.2. Chỉ định phẫu thuật

Nguy cơ: có mối liên hệ giữa nhiễm COVID-19 và các biến chứng phẫu thuật khi nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa nhiễm COVID-19 và tình trạng viêm. Nhiễm trùng tạo ra một trạng thái viêm trong cơ thể và điều đó có thể kéo dài ít nhất 6 tuần. Cũng cần lưu ý rằng không chỉ phẫu thuật mà việc gây mê cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể.

Chỉ định phẫu thuật phải thật sự cân nhắc để đảm bảo cho bệnh nhân được an toàn nhất có thể.

Phẫu thuật cấp cứu: vì yêu cầu cần phải giải quyết gấp bằng phẫu thuật trong một thời gian ngắn, những biện pháp đầy đủ nhằm chuẩn bị bệnh nhân cho một cuộc mổ không được thời gian cho phép rộng rãi, nhưng phải cố gắng tối đa để ổn định bệnh nhân đến mức có thể chịu đựng được cuộc gây mê-phẫu thuật.

Phẫu thuật chương trình nên hoãn lại 7 tuần kể từ thời điểm chẩn đoán COVID-19. Ngoài ra, người bị suy giảm miễn dịch, đái tháo đường hoặc có tiền sử nhập viện nên được hoãn lại từ 8-10 tuần sau chẩn đoán. Những người có tiền sử nhập viện chăm sóc đặc biệt nên được hoãn lại 12 tuần.

2.3. Khám tiền mê

-         Phẫu thuật cấp cứu tối khẩn, khám ngay tại phòng mổ sau khi đã mặc đồ bảo hộ PPE.

-     Tất cả bệnh nhân phải xét nghiệm PCR, đây là loại xét nghiệm đáng tin cậy nhất trong các loại xét nghiệm COVID-19 trước khi phẫu thuật.

-         Yêu cầu xét nghiệm tối thiểu, hạn chế cận lâm sàng khác nếu không thật sự cấp thiết.

-        Nếu bắt buộc phải có cận lâm sàng khác: Cân nhắc lợi/hại của các cận lâm sàng đó và thời gian chờ đợi phẫu thuật.

-        Bắt buộc cận lâm sàng: Ưu tiên tại phòng mổ nếu có thể. Hạn chế di chuyển bệnh nhân.

-      Cấp cứu có trì hoãn thì khám tại nơi ra chỉ định phẫu thuật, trong phòng cách ly và phải mặc đồ PPE.

-       Sau khi khám, bác sĩ gây mê báo phòng mổ để chuẩn bị sẵn sàng nhân lực và trang thiết bị.

2.4. Vận chuyển bệnh nhân

-  Phải lên kế hoạch trước về đường vận chuyển bệnh nhân lên phòng mổ và đường chuyển về bệnh phòng sau mổ, bắt buộc phải có đường đi riêng biệt.

-    Bệnh nhân bắt buộc phải: đeo khẩu trang N95, mặc quần áo bảo hộ y tế, nằm giường, cáng hoặc ngồi xe lăn, không nói chuyện khi di chuyển.

 

-     Nhân viên y tế:

+ Trước khi di chuyển, thông báo cho phòng mổ sẵn sàng.

+ Mặc bộ bảo hộ PPE (Tivec), đeo khẩu trang N95, bọc giày, tấm ngăn giọt bắn, mang găng tay, di chuyển bệnh nhân đến phòng mổ theo lối đi đã xác định trước. Hạn chế tối đa sử dụng thang máy.

+ Nhanh chóng bàn giao, điền bảng kiểm an toàn phẫu thuật và đưa thẳng vào phòng mổ, không qua phòng trung gian.

2.5. Phòng phẫu thuật

Ưu tiên phòng mổ có áp lực âm. Nếu phòng mổ có áp lực dương, tắt hệ thống điều hòa áp lực dương, gắn thêm quạt hút ra. Khi hút ra phải được qua hệ thống xử lý không khí, bao gồm hệ thống lọc thô (pre filter/carbon/VOC filter), đến lọc tinh (HEPA) và khử khuẩn bằng UVC. Nếu không thể gắn quạt hút, có thể điều chỉnh hệ thống khí dựa trên nguyên tắc giảm thể tích khí đưa vào phòng và tăng thể tích khí thoát ra. Cách đơn giản nhất là mở cửa thoát khí và đóng bớt cửa đưa khí vào.

Hình 1: đồ phòng mổ áp lực âm

Hạn chế tối đa người vào phòng mổ: Bác sĩ gây mê, phẫu thuật viên, phụ mổ, dụng cụ viên và 1 nhân viên chạy ngoài. Nhân lực tăng thêm tùy tình huống.

Nên chọn bác sĩ và những nhân viên có kinh nghiệm nhất phòng mổ thực hiện các trường hợp này.

Hạn chế tối đa mở cửa phòng mổ trong khi mổ. Việc liên lạc trong-ngoài phòng mổ nên qua bộ đàm, điện thoại, ra hiệu...

Không thay người trong suốt cuộc mổ trừ khi bắt buộc.

2.6. Chuẩn bị máy gây mê

Đặt filter lọc tại đường thở vào và trước van thở ra của máy thở, tối ưu là quả lọc HEPA, nếu không có thì quả lọc Safe star 80 (ví dụ MP 01785) hoặc Safestart 55 (ví dụ MP 01790) cũng chấp nhận được.

Nếu có máy đo PEtCO2: Ưu tiên loại mainstream, lắp đo CO2 sau phin lọc (theo chiều dòng thở ra).

Nếu là loại PEtCO2 side-stream đường dẫn mẫu khí thở ra phải lắp sau phin lọc.

Hình 2. Hệ thống đo PEtCO2 loại mainstream

Kiểm tra toàn bộ monitoring, thuốc men, dụng cụ… đảm bảo sẵn sàng.

Khuyến khích sử dụng các thiết bị tăng cường bảo vệ lây nhiễm cho nhân viên khi đặt NKQ, ví dụ hộp kín để đặt-rút NKQ (thiết kế và hướng dẫn sử dụng có trên trang web hội Gây mê hồi sức Việt Nam), nhưng phải đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.

Trợ lý phải lau sạch các bề mặt với dung dịch sát khuẩn phù hợp (theo hướng dẫn của bệnh viện) sau khi ra khỏi phòng áp lực âm.

2.7. Khởi mê và đặt nội khí quản

-  Theo dõi người bệnh theo quy trình chuẩn, kiểm tra đường truyền tĩnh mạch, các dụng cụ, thuốc, đường thở cũng như máy hút dịch.

-  Đặt NKQ nên diễn ra trong phòng áp lực âm với > 12 thay đổi không khí mỗi phút bất cứ khi nào có thể.

-  Tập trung vào sự an toàn, nhanh chóng và đáng tin cậy. Nhằm mục đích thành công ở lần đặt NKQ đầu tiên vì nhiều lần đặt làm tăng nguy cơ cho bệnh nhân và nhân viên. Đừng vội vàng mà hãy cố gắng hết sức có thể.

-      Tiền oxy hóa (pre-oxygenation) với mặt nạ vừa vặn, trong 3-5 phút.

-     Theo dõi đầy đủ, bao gồm cả việc theo dõi dạng sóng capnography liên tục trước, trong và sau khi đặt ống nội khí quản.

-       Sử dụng quy trình đặt NKQ nhanh với đè sụn nhẫn.

-       Để tránh trụy tim mạch, có thể sử dụng ketamin 1-2mg/kg.

-      Thuốc dãn cơ rocuronium 1,2mg/kg hoặc suxamethonium 1,5mg/kg.

-     Tránh thông khí mặt nạ trừ khi cần thiết và sử dụng kỹ thuật áp lực thấp/ lưu lượng thấp, 2 người nếu cần thiết.

-      Nếu bệnh nhân tụt SpO2 sau khi ngừng thở, buộc phải thông khí qua mask: Phải đảm bảo giữ mask kín, thông khí với Vt thấp hoặc bóp bóng Vt thấp, tránh để khí thở ra của bệnh nhân thoát ra phòng.

-       Chỉ đặt NKQ sau khi đã chắc chắn mất hoàn toàn phản xạ ho.

-       Ưu tiên đặt NKQ bằng camera, đặt qua hộp che chắn, giảm nguy cơ lây nhiễm.

-      Không đặt NKQ bằng ống soi mềm với gây tê tại chỗ trừ khi bắt buộc.

-      Không đặt mask thanh quản, không thở máy kiểu không xâm nhập (NIV) trừ khi có chỉ định bắt buộc.

-     Đặt NKQ với ống khí quản 7,0-7,5mm (nữ) hoặc 7,5-8,0 (nam).

-     Bóng chèn đi qua 1-2 cm dưới dây thanh âm để tránh đặt nhằm vào phế quản. Xác nhận vị trí là khó khi mặc PPE.

-       Bơm bóng chèn của ống NKQ trước khi bắt đầu thông khí. Lưu ý và ghi lại độ sâu đặt NKQ.

-        Xác nhận đặt NKQ bằng dạng sóng capnography liên tục-hiện diện ngay cả khi ngừng tim.

-        Sử dụng quy trình đặt NKQ khó khi thất bại.

-         Thông khí cho bệnh nhân nghi/nhiễm COVID-19:

            + Ưu tiên chế độ thở kiểm soát áp lực (PC).

            + Áp dụng chiến lược thông khí bảo vệ phổi:

·         VT thấp 6-8ml/kg cân nặng chuẩn

·         PEEP ≥ 5cmH2O

·         f: 12-16 lần/p, điều chỉnh theo EtCO2

·         FiO2, I/E điều chỉnh theo SpO2

* Lưu ý:

- Khi khởi mê chỉ có bác sĩ gây mê và điều dưỡng phụ mê ở trong phòng mổ, sau khi đặt ống NKQ xong mới ra hiệu cho ê kíp mổ vào phòng mổ. Tương tự, khi thoát mê cũng yêu cầu ê kíp mổ ra ngoài, chỉ còn bác sĩ gây mê và phụ mê thực hiện thoát mê, rút ống nội khí quản.

- Bác sĩ chỉ đặt NKQ sau khi đã chắc chắn mất hoàn toàn phản xạ ho.

2.8. Duy trì mê

Thông thường, hạn chế tối đa việc hút nội khí quản. Tối ưu là dùng bộ hút đàm kín qua nội khí quản.

2.9. Thoát mê và rút nội khí quản

Hạn chế tối đa để bệnh nhân ho, bắn các giọt dịch tiết ra xung quanh. Đeo khẩu trang phẫu thuật cho bệnh nhân sau rút nội khí quản.

2.10. Gây tê vùng

Không khuyến cáo gây tê vùng cho bệnh nhân có dấu hiệu thiếu oxy.

Nếu có chỉ định, việc gây tê vùng làm như bình thường với trang thiết bị bảo hộ cho nhân viên và bệnh nhân như trên.

Bác sĩ gây mê có kinh nghiệm nhất thực hiện.

2.11. Hậu phẫu

-    Nên tránh sử dụng các quy trình tạo khí dung bao gồm thở oxy mũi lưu lượng cao, thông khí không xâm lấn, nội soi phế quản và hút qua NKQ trừ khi có hệ thống hút NKQ (hút đàm kín).

-     Tránh ngắt hệ thống thông khí. Nếu cần ngắt hệ thống, mặc đồ bảo hộ PPE, bịt ống NKQ và luôn luôn tuân thủ các quy trình tháo đồ bảo hộ và vệ sinh tay.

-    Không theo dõi tại phòng hồi tỉnh. Thông báo cho nơi sẽ tiếp nhận hậu phẫu bệnh nhân COVID-19 tại khu cách ly chuẩn bị.

-     Khi chuyển: bệnh nhân đeo khẩu trang N95, nhân viên mặc PPE, đi theo lối đi đã xác định.

-    Thông báo cho khoa hồi sức tích cực, sau đó chuyển ngay về phòng cách ly áp lực âm dành cho người bệnh thở máy. Thêm thuốc ngủ, dãn cơ trước khi chuyển. Trong quá trình chuyển bệnh nhân, hạn chế tối đa tháo máy thở. Nếu phải bóp bóng, bóp với Vt thấp và nhẹ nhàng tránh để bệnh nhân ho, chống máy.

2.12. Kiểm soát nhiễm khuẩn

-     Nhân viên mặc PPE tuân thủ nghiêm ngặt quy trình cởi PPE, đây là khâu gây lây nhiễm cao nhất. Rửa tay đang mang găng với dung dịch sát khuẩn, sau đó mới cởi PPE. Ngay sau cởi PPE, tuyệt đối không chạm tay vào bất cứ vùng cơ thể nào, bất cứ vật gì cho đến khi rửa tay kỹ bằng xà phòng/dung dịch sát khuẩn.

-  Sau mỗi ca bệnh, lau và khử khuẩn các bề mặt hay tiếp xúc trên máy gây mê và khử khuẩn khu vực làm việc bằng các thuốc khử khuẩn bệnh viện được EPA công nhận. Bên trong máy gây mê và hệ thống thở không cần phải khử khuẩn định kì nếu có sử dụng lọc phổi.

-                 Rác thải liên quan đến bệnh nhân COVID-19 phải cho vào túi nhựa màu vàng, đóng kín. Bọc lại bằng túi nhựa vàng thứ 2, sau đó mang đi xử lý. Tiệt trùng ngay lập tức những lối đi mà bệnh nhân vừa di chuyển qua theo quy trình tiệt trùng của bệnh viện.

-                 Tiệt trùng ngay lập tức phòng mổ và những trang thiết bị đã sử dụng cho bệnh nhân (bao gồm đèn đặt nội khí quản, mandrin, mask, máy thở và dây máy thở, monitoring, xy lanh điện, thay dây hút khí theo dõi PetCO2, thay các filter lọc trên đường thở).

3. KẾT LUẬN

Gây mê bệnh nhân COVID-19 cần đảm bảo theo nguyên tác SAS:

- Safe – An toàn cho nhân viên và bệnh nhân.

- Accurate – Chính xác, tránh các kỹ thuật không đáng tin cậy, không quen thuộc hoặc lặp đi lặp lại.

- Swift – Kịp thời, không vội vàng hoặc chậm trễ.

QUY TẮC KHỬ TRÙNG PHÒNG MỔ CHO BỆNH NHÂN NHIỄM/NGHI NHIỄM COVID-19

1. Khử khuẩn các bề mặt trong phòng mổ

- Dung dịch khử khuẩn:

+ Ethanol 70%/ Natri hypochlorite 0,1%; 0,5%/ Hydrogen peroxide 0,5%.

+ Dung dịch khử khuẩn khác được EPA công nhận (list N).

- Áp dụng:

+ Bề mặt vật dụng, thiết bị trong phòng mổ. Đồ bảo hộ cá nhân sử dụng lại: kính bảo vệ, mặt nạ hô hấp, tấm che mặt.

2. Khử khuẩn phòng mổ

- Phòng mổ áp lực âm: áp dụng đối với ca phẫu thuật có thực hiện những thủ thuật có nguy cơ tạo aerosol (bóp bóng, đặt ống NKQ, hút NKQ, rút NKQ, soi phế quản...).

+ Để phòng đóng ít nhất 30 phút (loại bỏ 99,9% không khí nhiễm khuẩn) trước khi tiến hành làm sạch, khử khuẩn.

+ Khử khuẩn phòng mổ theo qui trình của bệnh viện.

+ Có thể khử khuẩn bằng chiếu tia cực tím (dành cho phòng mổ):

·       Tắt quạt lọc không khí (fan filter unit).

·       Khử khuẩn không khí bằng đèn cực tím ít nhất 1 tiếng.

·       Bật quạt lọc không khí để làm sạch không khí tự động ít nhất trong 2 giờ.

- Phòng mổ không có áp lực âm:

+ Cần phải được thông khí với khí mới (fresh air) trong 1-3 giờ trước khi làm sạch, khử khuẩn và đón bệnh nhân mới.

+ Khử khuẩn phòng mổ theo qui trình của bệnh viện được ban hành trong quyết định 34/2005/QĐ-BYT 

QUY TẮC KHỬ KHUẨN CÁC DỤNG CỤ CAN THIỆP ĐƯỜNG THỞ ĐÃ DÙNG CHO BỆNH NHÂN NHIỄM/NGHI NHIỄM COVID 19

1. Dung dịch khử khuẩn

- Ethanol 70%.

- Natri hypochlorite 0,1%; 0,5%.

- Hydrogen peroxide 0,5%.

- Dung dịch khử khuẩn khác được EPA công nhận (list N).

2. Áp dụng

Cho mặt nạ mặt, lưỡi đèn đặt NKQ, nòng đặt NKQ, dây hút khí nối EtCO2,...

3. Các bước thực hiện

- Bước 1: Rửa tay, lau tay khô, mặc phương tiện phòng hộ cá nhân theo qui định.

- Bước 2: Pha mới dung dịch vệ sinh khử khuẩn theo đúng hướng dẫn và nồng độ của nhà sản xuất hoặc bệnh viện ở nơi thoáng gió. Để trong dụng cụ chứa có ghi nhãn.

- Bước 3:

+ Dùng khăn lau sạch, khô, thấm dung dịch khử khuẩn hoặc cồn 70 độ lau sạch máu/dịch cơ thể/chất bẩn nhìn thấy được trên các dụng cụ.

+ Ngâm trong dung dịch khử khuẩn theo qui định.

- Bước 4: Rửa với nước, làm khô, đóng túi kín, chuyển đến trung tâm tiệt khuẩn của bệnh viện.

- Bước 5: Cởi đồ bảo hộ cá nhân (PPE) và rửa tay theo qui định.

- Bước 6: Rác thải liên quan đến COVID-19 được cho vào túi rác thải y tế 2 lớp, xử lý theo qui trình.

XỬ LÝ ĐỒ VẢI

1. Mục đích

-          Nhân viên y tế tuân thủ đúng quy trình xử lý đồ vải của người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm COVID-19.

-          Bảo đảm an toàn cho người bệnh, NVYT, người nhà người bệnh, khách thăm và cộng đồng.

2. Phương tiện

-       Máy giặt có chế độ giặt nhiệt độ 600C-700C, máy sấy khô.

-    Túi màu vàng loại không thủng, có dây buộc và ký hiệu đồ vải lây nhiễm nguy cơ cao (đồ vải người bệnh COVID-19), thùng màu vàng, xe chuyên chở đồ vải lây nhiễm riêng.

-       Phương tiện PHCN cho nhân viên thu gom, vận chuyển và giặt.

-       Hóa chất giặt: Xà phòng, chất tẩy, chất khử khuẩn (Javel, Cloramin B).

3. Thực hiện

3.1. Tại buồng bệnh/buồng cách ly

-       Nhân viên thu gom đồ vải bẩn phải mang đầy đủ phương tiện PHCN theo quy định trước khi thực hiện và sau khi kết thúc công việc.

-       Đồ vải trong phòng bệnh và/hoặc khu vực cách ly phải được thu gom vào túi màu vàng chống thấm đặt trong thùng có nắp đậy kín và buộc kín trước khi chuyển đến nhà giặt.

-       Tất cả các túi đựng đồ vải khi chuyển ra ngoài phải cho vào một bao khác rồi chuyển đến nhà giặt, bao ghi nhãn “Đồ vải có nguy cơ chứa COVID-19”.

3.2. Tại nhà giặt

-       Đồ vải sau khi thu gom về nhà giặt được cho ngay vào máy gặt và giặt theo chế độ giặt hóa chất hoặc xà phòng với nhiệt độ 600C-700C. Ngâm đồ vải của người nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 đã sử dụng vào dung dịch hóa chất 0,01%-0,05% Clo hoạt tính tùy mức độ ô nhiễm của đồ vải trong tối thiểu 20 phút trước khi giặt. Với những cơ sở giặt bằng máy giặt thì sử dụng luôn máy giặt để ngâm đồ vải.

-     Tốt nhất là sấy khô, nếu không có điều kiện có thể phơi quần áo tại nơi riêng, cao ráo, có nhiều ánh nắng.

-       Đồ vải sau khi phơi đem vào, phải được ủi thẳng để vào túi kín, khô ráo.           


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.  Hội gây mê hồi sức Việt Nam (2020), Gây mê cho bệnh nhân COVID-19, Pocket guide, NXB Hà Nội, Hà Nội.

2.  Bộ Y Tế (2020), Khuyến cáo thực hành an toàn cho Bác sỹ gây mê trong đặt nội khí quản người bệnh mắc Coronavirus, NXB Hà Nội, Hà Nội.

3. Coccolini et al (2020), Surgery in Covid-19 patients: operational directives, Would Journal of Emergency Surgery. http://doi/org/10.1186/s13017-020-00307-2.

Ths. Bs.CKII. Vũ Văn Kim Long

Khoa Gây mê hồi sức 

Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ



Tin tức liên quan:
THÔNG BÁO - TIN TỨC CHUNG
Thông báo số 64 Nghỉ Lễ Giỗ tổ Hùng Vương năm 2024
Thông báo số 42 Về việc tuyển chọn bệnh nhi Chương trình phẫu thuật miễn phí “Thắp sáng nụ cười trẻ thơ” năm 2024
Quyết định số 139/QĐ-BVTĐHYDCT về việc Cập nhật Quy trình xử lý văn bản hành chính tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ
BẢN CÔNG BỐ Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng yêu cầu là cơ sở thực hành trong đào tạo khối ngành sức khoẻ.
Lựa chọn thực phẩm an toàn trong dịp Tết
Giấy giới thiệu về việc giới thiệu học viên Sau đại học thực hành tại Bệnh viện (BSNT Phụ sản)
Giấy giới thiệu về việc giới thiệu học viên Sau đại học thực hành tại Bệnh viện (Gây mê hồi sức)
Kế hoạch thực hành lâm sàng thực hành Y học đại cương - Học kỳ I năm học 2023-2024
ĐĂNG KÝ GIẢNG DẠY HỘI TRƯỜNG
HỘI THẢO KHOA HỌC “CẬP NHẬT NHỮNG ĐIỀU TRỊ MỚI TRONG THỰC HÀNH LÂM SÀNG CỦA CÁC BỆNH LÝ: TIM MẠCH - ĐÁI THÁO ĐƯỜNG”
Hội thảo “Điều trị các bệnh hô hấp giai đoạn giao mùa”
SỬ DỤNG KHÁNG SINH ĐIỀU TRỊ VIÊM PHỔI BỆNH VIỆN VÀ VIÊM PHỔI THỞ MÁY: CẬP NHẬT MỚI TỪ KHUYẾN CÁO HỘI HÔ HẤP & HỘI HỒI SỨC CHỐNG ĐỘC 2023
THUỐC ỨC CHẾ MIỄN DỊCH TRONG BỆNH PHỔI KẼ: MỘT SỐ LƯU Ý VỀ AN TOÀN THUỐC
Dinh dưỡng phẫu thuật cắt dạ dày
Xuống thang kháng sinh
FLUOROQUINOLON – CẢNH GIÁC VIỆC XUẤT HIỆN Ý ĐỊNH VÀ HÀNH VI TỰ SÁT TRÊN ĐỐI TƯỢNG NGUY CƠ
Về việc mời chào giá Mua vật tư y tế cho Khoa Răng Hàm Mặt
Thông báo số 364 Về việc thay đổi giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ
HỘI THẢO KHOA HỌC “CẢI THIỆN CHẤT LƯỢNG SỐNG VÀ TIÊN LƯỢNG SỐNG CHO BỆNH NHÂN TIM MẠCH VÀ BỆNH THẬN MẠN”
Hội thảo “Cập nhật các tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý tai giữa”
ASPxHyperLink
LIÊN KẾT
BỆNH VIỆN TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y DƯỢC CẦN THƠ
Địa chỉ: Số 179, Đường Nguyễn Văn Cừ, Phường An Khánh, Quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.
Liên hệ: 02923 899 444
Fax: 02923 740 221
Cấp cứu: 02923 894 123
Email: bvdhydcantho@ctump.edu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/bvdhydct
Website: http://bvdhydcantho.com
Tổng lượt truy cập: 2,090,558
THỜI GIAN KHÁM BỆNH NHƯ SAU:
- Thời gian lấy số thứ tự: 6h sáng các ngày làm việc trong tuần.
- Cấp cứu: 24/24 (kể cả ngày Lễ, Tết và Chủ nhật)
- Các ngày làm việc trong tuần: Từ Thứ Hai đến Thứ Sáu (hoặc theo thông báo)
- Tiếp nhận bệnh nhân:
Buổi sáng từ 6h45 - 10h45 | Buổi chiều từ 13h - 16h45
- Thời gian khám bệnh:
Buổi sáng từ 7h - 11h | Chiều từ 13h - 17h
BẢN ĐỒ ĐƯỜNG ĐI