Viêm cơ tim và màng tim cấp liên quan đến Vắc xin Covid-19
CHUYÊN MỤC: Dược lý - Dược lâm sàng
Đăng vào lúc [2021-07-14 14:05:50] Lượt xem: 1846 341
Tác giả: Chưa xác định
  Tương tự như kết luận đối với phản ứng huyết khối giảm tiểu cầu và sốc phản vệ, lợi ích tổng thể mang lại do vắc xin COVID-19 vẫn được xem là vượt trội so với các biến cố viêm cơ tim sau tiêm chủng. Do đó tiêm vắc xin COVID-19 vẫn được xem là biện pháp căn bản để giải quyết dịch bệnh.

1.Đại cương

1.1. Viêm cơ tim và màng tim

Viêm cơ tim là tình trạng suy giảm chức năng tim tạm thời hoặc vĩnh viễn bao gồm bệnh cơ tim cấp tính với tổn thương huyết động hoặc rối loạn nhịp tim nghiêm trọng. Viêm cơ tim cũng được định nghĩa là bất kỳ phản ứng miễn dịch (dịch thể hoặc tế bào) nào ở tim với các biểu hiện đa dạng về lâm sàng (từ đau ngực, khó thở nhẹ đến sốc tim cấp tính) và mô học. 

Hình 1. Hình ảnh minh họa viêm cơ tim

Có nhiều bệnh nguyên khác nhau gây viêm cơ tim, trong đó căn nguyên phổ biến nhất là virus, bao gồm SARS-CoV-2. Bên cạnh đó, một số thuốc được báo cáo là gây tăng nguy cơ viêm cơ tim cấp gồm phenothiazin, cocain, alcohol, ephedrin, epinephrin, dopamin, dobutamin, thuốc chống trầm cảm 3 vòng, 5-fluorouracil, interleukin, amphetamine, lithium, clozapin, sắt sulfat… Gần đây, viêm cơ tim/màng tim cấp sau khi tiêm vắc xin COVID-19 được ghi nhận trong báo cáo của các Cơ quan Phòng chống bệnh tật, cơ quan Quản lý Dược và Tổ chức giám sát an toàn vắc xin tại Châu Âu, Hoa Kỳ và một số nước khác và được kết luận là một trong những phản ứng có hại liên quan đến vắc xin COVID-19.

1.2.Nguy cơ viêm cơ tim và màng tim liên quan đến vắc-xin COVID-19:

Viêm cơ tim là biến chứng hiếm gặp, chưa rõ cơ chế bệnh sinh nhưng quá mẫn muộn đóng vai trò quan trọng trong phản ứng này. Về mặt dịch tễ, viêm cơ tim sau tiêm vắc xin COVID-19 gặp ở hầu hết các loại vắc-xin và có xu hướng thường gặp hơn ở lần tiêm chủng thứ hai, với tỉ lệ có phần cao hơn ở người trẻ, nam giới. Tính đến 6/2021, Ủy ban Y tế Châu Âu (EMA) đã ghi nhận tỷ lệ viêm cơ tim cấp và viêm màng ngoài tim cấp đối với các loại vắc xin trên thị trường khác nhau (hình 2).

 


Tại Hoa Kỳ, hơn 1.200 ca viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim đã được báo cáo lên Hệ thống báo cáo tác dụng phụ của vắc xin (VAERS) trong số 300 triệu liều vắc xin mRNA đã được tiêm, tính đến ngày 11/6/2021.

Phản ứng này thường được phát hiện và điều trị khỏi trong vòng 2-4 ngày. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể tiến triển bất thường thành các dạng nặng (suy tim cấp, phù phổi cấp, sốc tim…), nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Cần cảnh giác khi xuất hiện một trong các biểu hiện đau ngực/khó thở/rối loạn nhịp tim để được sàng lọc, thăm khám và theo dõi kịp thời.

Như vậy, các biến chứng nặng sau tiêm vắc xin COVID-19 cần được quan tâm bao gồm sốc phản vệ, huyết khối ,giảm tiểu cầu, và viêm cơ tim/màng tim cấp bên cạnh các phản ứng nhẹ - trung bình thường gặp với tỉ lệ cao như đau đầu, nhức cơ, sốt nhẹ.

1.3.Tương quan giữa lợi ích và nguy cơ

Tương tự như kết luận đối với phản ứng huyết khối giảm tiểu cầu và sốc phản vệ, lợi ích tổng thể mang lại do vắc xin COVID-19 vẫn được xem là vượt trội so với các biến cố viêm cơ tim sau tiêm chủng. Do đó tiêm vắc xin COVID-19 vẫn được xem là biện pháp căn bản để giải quyết dịch bệnh.

2.Chẩn đoán và điều trị trường hợp viêm cơ tim-màng tim sau tiêm chủng

2.1.Biểu hiện lâm sàng

Triệu chứng lâm sàng xuất hiện thường 2-4 ngày sau tiêm vắc xin COVID-19, dù có thể gặp sớm (12h sau tiêm) hơn hoặc muộn hơn, bao gồm:

Đau ngực: kiểu đau thắt chẹn vùng sau xương ức, ngực trái hoặc phải, hoặc kiểu đau rát bỏng thay đổi theo nhịp hô hấp hoặc tư thế.

Khó thở: ở các mức độ khác nhau, từ khó thở nhẹ khi gắng sức đến khó thở thường xuyên hoặc khó thở dữ dội, tương ứng với mức độ nặng của suy tim.

Rối loạn nhịp tim: cảm giác tim đập nhanh/chậm bất thường, hoặc hồi hộp, đánh trống ngực do các dạng rối loạn nhịp tim khác nhau.

Có thể có sốt hoặc không. Viêm cơ tim/màng ngoài tim cấp thường đáp ứng tốt với điều trị và thoái triển sau 3-5 ngày, song cũng có thể trở nặng thậm chí nguy kịch bất thường.

Dấu hiệu nặng/nguy kịch bao gồm những biểu hiện của các tình trạng như phù phổi cấp, suy tim cấp, tràn dịch màng tim gây chèn ép tim, sốc tim, các rối loạn nhịp nhanh/chậm phức tạp, ngất/xỉu thậm chí đột tử.

Khi đó sẽ có các biểu hiện tương ứng với suy tim hoặc rối loạn nhịp tim ở các mức độ vừa-nặng như mạch nhanh, không đều hoặc rất chậm, nghe tim có tiếng tim mờ, tiếng ngựa phi T3, ran ẩm ở phổi, gan to, tĩnh mạch cổ nổi, huyết áp tụt/kẹt, đầu chi lạnh ẩm, nổi vân tím (khi có sốc tim…)…

2.2.Cận lâm sàng

Công thức máu: có thể tăng bạch cầu, tăng hsCRP.

Các chỉ điểm sinh học: CK-MB, Troponin T hoặc Troponin I thường tăng rõ, NTproBNP/BNP tăng theo mức độ suy tim.

Điện tâm đồ biến đổi bất thường so với trước đó: biến đổi đoạn ST-T, sóng T đảo chiều, hoặc các rối loạn nhịp đa dạng (rối loạn nhịp nhanh nhĩ, nhịp nhanh thất kịch phát hoặc kéo dài; rối loạn nhịp chậm, blốc nhĩ thất, blốc phân nhánh; ngoại tâm thu nhĩ/thất xuất hiện thường xuyên).

Chụp Xquang tim phổi: có thể gặp bóng tim to, phổi mờ, các đường Kerley B…

Siêu âm tim: có thể thấy giảm chức năng co bóp cơ tim, rối loạn vận động vùng cơ tim khu trú hoặc toàn thể, dịch màng tim (ít hoặc nhiều gây ép tim)…

Các cận lam sàng chuyên sâu: Chụp động mạch vành chọn lọc giúp loại trừ hội chứng vành cấp là nguyên nhân gây bệnh cảnh giống viêm cơ tim cấp;  Chụp cộng hưởng từ tim hay sinh thiết cơ tim giúp chẩn đoán xác định.

2.3.Nguyên tắc điều trị.

Tự theo dõi sau tiêm đóng vai trò quan trọng

Tất cả người dân sau tiêm vắc xin COVID-19 cần được khuyến cáo về các dấu hiệu biến chứng này (bao gồm đau ngực, khó thở, rối loạn nhịp). Khi có dấu hiệu nghi ngờ, người dân cần thông báo tới đường dây nóng, hoặc đến bệnh viện gần nhất để được hướng dẫn và thăm khám.

Người bệnh được chẩn đoán viêm cơ tim/viêm màng tim cấp cần được điều trị và theo dõi sát (để phát hiện các bệnh cảnh nặng/nguy kịch) tại cơ sở y tế có đủ khả năng hồi sức cấp cứu tim mạch.

Cần chuyển tuyến đến các bệnh viện chuyên khoa tim mạch khi có các biểu hiện nặng/nguy kịch

Sử dụng thuốc trong điều trị viêm cơ tim nghi ngờ do vắc xin Covid 19

Hiện chưa có điều trị đặc hiệu cho viêm cơ tim/viêm màng ngoài tim cấp sau tiêm vắc xin COVID-19. Chủ yếu điều trị triệu chứng:

-   Giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs): aspirin 500-1000mg (1-3 lần/ngày), ibuprofen 600mg (1-3 lần/ngày)

-   Colchicin 0,5mg dùng để thay thế hoặc bổ trợ cho NSAIDs khi cần;

-   Corticoid hoặc IVG trong trường hợp triệu chứng lâm sàng rầm rộ, suy tim nặng, rối loạn nhịp tim phức tạp. Sử dụng sớm, liều cao, ngắn ngày: methylprednisolon 1-2mg/kg/ngày (tương đương prednisolon 0,8 – 1mg/kg/ngày) trong 2-3 ngày hoặc IVIG 1-1,5g/kg được chỉ định trong trường hợp corticoid kháng trị.

Sẵn sàng điều trị hỗ trợ hô hấp-tuần hoàn khi có các diễn biến nặng hoặc nguy kịch như phù phổi cấp, suy tim cấp, rối loạn nhịp tim phức tạp, sốc tim hay tràn dịch màng tim ép tim. Xử trí phụ thuộc vào tình trạng lâm sàng cụ thể:

Có suy tim, huyết động ổn định: theo các hướng dẫn hiện tại sử dụng lợi tiểu quai theo mức độ ứ trệ tuần hoàn, thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn beta giao cảm liều thấp.

Suy tim có phù phổi: ưu tiên lợi tiểu quai đường tĩnh mạch, thở oxy, thông khí hỗ trợ (không xâm lấn hoặc qua nội khí quản).

Suy tim có suy sụp huyết động, sốc tim: ưu tiên các thuốc vận mạch để kiểm soát huyết động, sử dụng sớm các thiết bị cơ học hỗ trợ tuần hoàn (ECMO, LVAD)…

Có rối loạn nhịp chậm: cần đặt máy tạo nhịp tạm thời.

Có rối loạn nhịp nhĩ hoặc thất trầm trọng (ngoại tâm thu thất dầy, nhịp nhanh thất, rung nhĩ nhanh) ưu tiên sử dụng amiodarone.

Các rối loạn nhịp nhanh xoang hoặc ngoại tâm thu nhĩ không cần can thiệp thuốc loạn nhịp. Cần lưu ý bệnh nhân viêm cơ tim cấp hay có rối loạn xen kẽ lúc nhanh lúc chậm, cần theo dõi và điều chỉnh kịp thời, kết hợp thuốc chống loạn nhịp và máy tạo nhịp hoặc các thiết bị cơ học hỗ trợ tuần hoàn khi có suy sụp huyết động…

Tràn dịch màng tim ép tim: dẫn lưu khoang màng ngoài tim.

Các điều trị bổ sung khác tuỳ theo bệnh cảnh lâm sàng như cân bằng dịch, điện giải, dinh dưỡng, thuốc chống đông (khi có nguy cơ tắc mạch cao, bằng chứng tăng đông), thuốc ức chế bơm proton (khi có kích ứng dạ dày), kháng sinh (khi có bội nhiễm..)…

Người bệnh khi xuất viện, cần được theo dõi định kỳ bởi các bác sỹ chuyên khoa tim mạch 3-6 tháng/lần để đánh giá tiến triển của chức năng tim và tình trạng suy tim (nếu có). 

Hình 3. Lưu đồ chẩn đoán và điều trị viêm cơ tim cấp/viêm màng tim cấp
nghi ngờ do vắc xin COVID-19

Đơn vị Dược lâm sàng – Thông tin thuốc – Khoa Dược 

Tài liệu tham khảo:

1.  Quyết định 3348/QĐ-BYT, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm cơ tim sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 ban hành ngày 08/07/2021.

2.  Quyết định 2008/QĐ-BYT, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 do chủng vi rút Corona mới (SARS-CoV-2) ban hành ngày 26/04/2021.

3.  Ansari A, Maron BJ, Berntson DG. Drug-induced toxic myocarditis. Tex Heart Inst J. 2003;30(1):76-79.

Xem quyết định 3348/QĐ-BYT và bản PDF của tài liệu này tại đường link:

https://drive.google.com/drive/folders/1wESG3OidegB8VATWDfdvOgDTnehLnAZL?usp=sharing



Tin tức liên quan:
THÔNG BÁO - TIN TỨC CHUNG
Thông báo số 64 Nghỉ Lễ Giỗ tổ Hùng Vương năm 2024
Thông báo số 42 Về việc tuyển chọn bệnh nhi Chương trình phẫu thuật miễn phí “Thắp sáng nụ cười trẻ thơ” năm 2024
Quyết định số 139/QĐ-BVTĐHYDCT về việc Cập nhật Quy trình xử lý văn bản hành chính tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ
BẢN CÔNG BỐ Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng yêu cầu là cơ sở thực hành trong đào tạo khối ngành sức khoẻ.
Lựa chọn thực phẩm an toàn trong dịp Tết
Giấy giới thiệu về việc giới thiệu học viên Sau đại học thực hành tại Bệnh viện (BSNT Phụ sản)
Giấy giới thiệu về việc giới thiệu học viên Sau đại học thực hành tại Bệnh viện (Gây mê hồi sức)
Kế hoạch thực hành lâm sàng thực hành Y học đại cương - Học kỳ I năm học 2023-2024
ĐĂNG KÝ GIẢNG DẠY HỘI TRƯỜNG
HỘI THẢO KHOA HỌC “CẬP NHẬT NHỮNG ĐIỀU TRỊ MỚI TRONG THỰC HÀNH LÂM SÀNG CỦA CÁC BỆNH LÝ: TIM MẠCH - ĐÁI THÁO ĐƯỜNG”
Hội thảo “Điều trị các bệnh hô hấp giai đoạn giao mùa”
SỬ DỤNG KHÁNG SINH ĐIỀU TRỊ VIÊM PHỔI BỆNH VIỆN VÀ VIÊM PHỔI THỞ MÁY: CẬP NHẬT MỚI TỪ KHUYẾN CÁO HỘI HÔ HẤP & HỘI HỒI SỨC CHỐNG ĐỘC 2023
THUỐC ỨC CHẾ MIỄN DỊCH TRONG BỆNH PHỔI KẼ: MỘT SỐ LƯU Ý VỀ AN TOÀN THUỐC
Dinh dưỡng phẫu thuật cắt dạ dày
Xuống thang kháng sinh
FLUOROQUINOLON – CẢNH GIÁC VIỆC XUẤT HIỆN Ý ĐỊNH VÀ HÀNH VI TỰ SÁT TRÊN ĐỐI TƯỢNG NGUY CƠ
Về việc mời chào giá Mua vật tư y tế cho Khoa Răng Hàm Mặt
Thông báo số 364 Về việc thay đổi giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ
HỘI THẢO KHOA HỌC “CẢI THIỆN CHẤT LƯỢNG SỐNG VÀ TIÊN LƯỢNG SỐNG CHO BỆNH NHÂN TIM MẠCH VÀ BỆNH THẬN MẠN”
Hội thảo “Cập nhật các tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý tai giữa”
ASPxHyperLink
LIÊN KẾT
BỆNH VIỆN TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y DƯỢC CẦN THƠ
Địa chỉ: Số 179, Đường Nguyễn Văn Cừ, Phường An Khánh, Quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.
Liên hệ: 02923 899 444
Fax: 02923 740 221
Cấp cứu: 02923 894 123
Email: bvdhydcantho@ctump.edu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/bvdhydct
Website: http://bvdhydcantho.com
Tổng lượt truy cập: 2,077,120
THỜI GIAN KHÁM BỆNH NHƯ SAU:
- Thời gian lấy số thứ tự: 6h sáng các ngày làm việc trong tuần.
- Cấp cứu: 24/24 (kể cả ngày Lễ, Tết và Chủ nhật)
- Các ngày làm việc trong tuần: Từ Thứ Hai đến Thứ Sáu (hoặc theo thông báo)
- Tiếp nhận bệnh nhân:
Buổi sáng từ 6h45 - 10h45 | Buổi chiều từ 13h - 16h45
- Thời gian khám bệnh:
Buổi sáng từ 7h - 11h | Chiều từ 13h - 17h
BẢN ĐỒ ĐƯỜNG ĐI