ỨC CHẾ KÉP ANGIOTENSIN VÀ NEPRILYSIN (ARNI) BƯỚC TIẾN TRONG ĐIỀU TRỊ SUY TIM MẠN
CHUYÊN MỤC: Dược lý - Dược lâm sàng
Đăng vào lúc [2020-09-24 08:35:48] Lượt xem: 18919 222
Tác giả: Chưa xác định
Suy tim là tình trạng bệnh lý trong đó cung lượng tim không đủ để đáp ứng nhu cầu oxy của cơ thể trong mọi tình huống sinh hoạt của bệnh nhân. Hiện nay, suy tim được xem là vấn đề sức khỏe toàn cầu, có xu hướng ngày càng tăng cùng với tỉ lệ tử vong cao. Có thể nói, suy tim là hậu quả và là bước tiến triển cuối cùng trong điều trị các bệnh lý tim mạch. Ở người trẻ, suy tim thường bắt nguồn từ các dị tật tim bẩm sinh, tổn thương van tim; trong khi đó, ở người cao tuổi, suy tim thường là hậu quả của tiến trình bệnh lý tim mạch do xơ vữa như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, bệnh tim do thiếu máu cục bộ, rối loạn nhịp và bệnh cơ tim phì đại…


1.      Đại cương

Suy tim là tình trạng bệnh lý trong đó cung lượng tim không đủ để đáp ứng nhu cầu oxy của cơ thể trong mọi tình huống sinh hoạt của bệnh nhân. Hiện nay, suy tim được xem là vấn đề sức khỏe toàn cầu, có xu hướng ngày càng tăng cùng với tỉ lệ tử vong cao. Có thể nói, suy tim là hậu quả và là bước tiến triển cuối cùng trong điều trị các bệnh lý tim mạch. Ở người trẻ, suy tim thường bắt nguồn từ các dị tật tim bẩm sinh, tổn thương van tim; trong khi đó, ở người cao tuổi, suy tim thường là hậu quả của tiến trình bệnh lý tim mạch do xơ vữa như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, bệnh tim do thiếu máu cục bộ, rối loạn nhịp và bệnh cơ tim phì đại…

Ba mục tiêu chính trong điều trị suy tim bao gồm cải thiện các triệu chứng (khó thở, mệt mỏi, phù chi) để bệnh nhân có thể sinh hoạt bình thường, đảm bảo chất lượng cuộc sống; giảm tỉ lệ nhập viện và giảm tỉ lệ tử vong. Bên cạnh đó điều trị suy tim phải bao gồm điều trị các yếu tố nguy cơ thường gặp như tăng huyết áp, đái tháo đường, nhồi máu cơ tim cấp, bệnh lý van tim hoặc dị tật tim bẩm sinh, suy tim do rối loạn nhịp kéo dài…

Trong vài thập kỷ qua, nhiều nghiên cứu lớn mang lại những cột mốc đột phá giúp cải thiện tử vong cho bệnh nhân suy tim mạn, đặc biệt là suy tim phân suất tống máu giảm HFrEF (hình 1). Qua đó, các nhóm thuốc chính đã chứng minh lợi ích trong điều trị suy tim bao gồm các thuốc ức chế men chuyển hay ức chế thụ thể angiotensin I, ức chế beta giao cảm, lợi tiểu kháng aldosterol, ivabradin và gần đây nhất là nhóm ức chế kép angiotensin và neprilysin (ARNI) qua nghiên cứu PARADIGM-HF (2014) trong HFrEFPARALLAX-HF (2020) trong suy tim phân suất tống máu bảo tồn (HFpEF).


Hình 1. Những nghiên cứu lớn trong điều trị suy tim HFrEF

 

2.      Từ lợi ích đến khuyến cáo sử dụng ARNI trong trong lâm sàng suy tim

2.1.   Suy tim phân suất tống máu giảm (HFrEF)

2.1.1.      Cơ chế tác động của ARNI trong suy tim

Sacubitril/Valsartan (ARNI) tác động đồng thời trên hai hệ renin-angiotensin-aldosterol (RAA) và hệ peptid lợi niệu. Trên hệ RAA, valsartan ức chế tại các thụ thể AT1 của angiotensin II từ đó ức chế tác động co mạch, dẫn đến điều hóa mức huyết áp, giảm trương lực giao cảm, giảm tiết aldosterol nên làm chậm quá trình xơ hóa, phì đại mô cơ tim. Trong khi đó, sacubitrol là tiền chất, chuyển hóa thành chất ức chế neprilysin làm tăng nồng độ peptid lợi niệu (natridiuretic peptid), đây là một đối vận (antagonist) nên khi tăng độ chất này góp phần làm giãn mạch và thúc đẩy hiệu ứng tương tự như ức chế thụ thể AT1 của angiotensin II. Mặt khác, nguy cơ tăng hoạt tính angiotensin II do neprilysin được kiểm soát bởi dùng cùng với valsartan. Kết quả chung là làm chậm quá trình tiến triển tái cấu trúc mô cơ tim.


Hình 2. Cơ chế tác dụng của Sacubitril/Valsartan (ARNI)

 

2.1.2.      Từ nghiên cứu PARADIGM-HF đến khuyến cáo sử dụng ARNI

PARADIGM-HF là nghiên cứu lâm sàng lớn nhất được tiến hành trên bệnh nhân suy tim. Nghiên cứu mù đôi này thực hiện trên 8442 bệnh nhân suy tim phân độ NYHA II-IV, phân suất tống máu giảm (LVEF ≤ 40%) và đánh giá dựa trên hai tiêu chí: tiêu chí chính là cộng gộp tử vong do tim mạch hoặc nhập viện do suy tim; tiêu chí phụ gồm tử vong chung, thay đổi điểm KCCQ (Kansas City Cardiomyopathy Questionnaire) tại thời điểm tháng, tỷ lệ rung nhĩ mới khởi phát và suy giảm chức năng thận.

Kết quả của nghiên cứu PARADIGM-HF cho thấy sacubitril/valsartan làm giảm 20% nguy cơ tử vong do tim mạch với số người cần điều trị để cứu sống được thêm 1 người (number needed to treat, NNT) là 32. Nghiên cứu này cũng cho thấy ARNI làm giảm nguy cơ nhập viện do suy tim 21% với NNT bằng 36. Đây là nghiên cứu nền tảng quan trọng nhất để sau đó, Sacubitril/Valsartan được ESC (2016) khuyến cáo thay thế cho một thuốc ACEi nhằm làm giảm nguy cơ nhập viện do suy ti và tử vong trên bệnh nhân HFrEF ngoại trú vẫn còn triệu chứng mặc dù đã điều trị tối ưu bằng một thuốc ACEi, một thuốc chẹn beta và một thuốc lợi tiểu kháng aldosterol với khuyến cáo mức I, bằng chứng mức B.

 Nối tiếp ESC 2016, Hiệp hội tim mạch học Hoa Kỳ (ACC/AHA) 2017 đã cập nhật khuyến cáo điều trị suy tim trong nội khoa như sau: trên bệnh nhân HFrEF mạn có triệu chứng NYHA nhóm II hay III dung nạp được một thuốc ACEi hay ARB, việc thay thế bằng một thuốc ARNI được khuyến cáo nhằm giảm tỉ lệ biến chứng và tử vong.

2.1.3.      Cập nhật hướng dẫn điều trị suy tim mạn của Bộ Y tế 2020

Điểm nhấn rõ nét nhất từ hướng dẫn điều trị suy tim mạn của Bộ Y tế (2020) là khuyến cáo chỉ định ức chế kép thụ thể Angiotensin – Neprilysin (ARNI) trong điều trị suy tim mạn tính có phân suất tống máu giảm, đặc biệt là những bệnh nhân đã điều trị bằng các nhóm thuốc suy tim cơ bản tối ưu (ACEI, BB, lợi tiểu kháng aldosterol) nhưng không đáp ứng (hình 3).


Hình 3. Lược đồ điều trị HFrEF theo ESC 2016 và BYT 2020

Ngoài ra, ARNI cũng được cân nhắc sử dụng cho bệnh nhân suy tim mạn cũng như suy tim tim cấp đã ổn định huyết động mà không cần phải sử dụng dụng ức chế men chuyển và ức chế thụ thể trước đó.

Khi điều trị suy tim mạn bằng ARNI, liều bắt đầu là 50mg x 2 lần/ngày hoặc 100mg x 2 lần/ngày; sau đó dựa trên đáp ứng của bệnh nhân (triệu chứng lâm sàng) có thể tăng đến liều tối đa là 200mg x 2 lần/ngày.

Cần thận trọng và lưu ý chống chỉ định ARNI trong trường hợp phù mạch với thuốc ức chế men chuyển, suy thận, hẹp động mạch thận hai bên và phụ nữ có thai…

 

2.2.   Suy tim phân suất tống máu bảo tồn (HFpEF)

Suy tim phân suất tống máu bảo tồn chiếm tỉ lệ khoảng 50% trên các bệnh nhân suy tim và tỉ lệ này được dự toán tăng lên theo quá trình già hóa dân số cùng với sự gia tăng các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì và rung nhĩ. Hiện nay chưa có phác đồ tối ưu làm giảm tỉ lệ mắc bệnh và tử vong của bệnh nhân HfpEF, điều trị bằng thuốc chủ yếu nhằm giảm các triệu chứng như lợi tiểu và điều trị các bệnh lý đồng mắc. Thuốc chủ lực điều trị hiện nay vẫn là ACEi và ARB.

Trong những năm gần đây, sacubitril/valsartan đã được chứng minh hiệu quả rõ rệt giảm tử vong và nhập viện trên suy tim phân suất tống máu giảm, và đang từng bước chinh phục suy tim phân suất tống máu bảo tồn. Với nghiên cứu PARAGON-HF 2019, ức chế kép angiotensin và neprilysin cho thấy có thể giảm tỉ lệ nhập viện ở bệnh nhân HFpEF tốt hơn so với valsartan đơn trị.

Đầu tháng 9/2020 vừa qua, nghiên cứu lớn thứ hai là PARALLAX-HF (một nghiên cứu ngẫu nhiên, mù đôi, thực hiện trên 2569 bệnh nhân HFpEF, tuổi trung bình là 73, tỉ lệ nữ 51%) so sánh giữa sacubitril/neprilysin với liều tối ưu của enalparil (ACEi), valsartan (ARB) và placebo. Kết quả nghiên cứu cho thấy: giảm rõ rệt (16,4%) trị số NT-proBNP ở tuần thứ 12. Kết quả này khắc phục được các hạn chế của nghiên cứu PARAGON và cho thấy tiềm năng về lợi ích của ức chế kép trong điều trị HFpEF.

Tuy nhiên kết quả của PARALLAX ở tiêu chỉ đánh giá thứ hai chưa cho thấy có khác biệt ý nghĩa thống kê giữa ức chế kép và nhóm đối chứng sau 24 tuần, bao gồm khoảng cách đi bộ trong 6 phút, chất lượng cuộc sống (đánh giá qua bộ câu hỏi KCCQ) và mức phân loại suy tim theo NYHA.


Hình 4. Kết quả nghiên cứu của nghiên cứu PARALLAX-HF (2020)

(nguồn: báo cáo trực tuyến tại hội nghị tim mạch ESC 2020)

Đánh giá về biến cố bất lợi do thuốc, nhìn chung, ngoại trừ các biến cố suy tim, các tác dụng ngoại ý nghiêm trọng đã được báo cáo với tỷ lệ bệnh nhân ở cả hai nhóm tương tự nhau, các biến cố suy tim (chẳng hạn như suy tim nặng hơn cần nhập viện hoặc không cần nhập viện) là những tác dụng phụ nghiêm trọng thường gặp nhất và xảy ra ở nhiều bệnh nhân trong nhóm chỉ dùng liều tối ưu ACEi/ARB hơn so với nhóm sacubitril/valsartan. Một phân tích post hoc cho thấy sacubitril / valsartan làm giảm 50% nguy cơ nhập viện do suy tim (p = 0,005). Bệnh nhân trong nhóm sacubitril/valsartan cũng có sự suy giảm chức năng thận thấp hơn đáng kể (dựa trên mức lọc cầu thận ước tính; eGFR) ở tuần thứ 24.

Cuối cùng, với những dữ liệu từ nghiên cứu PARAGON-HF (2019) và PARALLAX (2020), lợi ích ức chế kép (ARNI) trong điều trị HFpEF ngày càng rõ rệt hơn và có thể là chủ lực trong điều trị HFpEF trong tương lai.

 

3.      Các tương tác thuốc cần thận trọng trong điều trị suy tim mạn tính

3.1.   Tương tác thuốc cần thận trọng liên quan đến valsartan

Phối hợp giữa valsartan và lợi tiểu kháng aldosterol là cặp phối hợp thường gặp trong điều trị suy tim mãn cả nội trú và ngoại trú. Tuy nhiên, sự thật là tuy cả hai nhóm thuốc đều được khuyến cáo chỉ định cho bệnh nhân suy tim, nhưng cả hai nhóm thuốc này đều tiềm ẩn nguy cơ tăng kali huyết của bệnh nhân do làm giảm nồng độ aldosterol dẫn đến giảm trao đổi Na-K ở ống thận. Đây là yếu tố làm tăng nguy cơ tử vong trên bệnh nhân tim mạch, đặc biệt là khi bệnh nhân đang dùng digoxin.

Nguy cơ tăng kali huyết cần được được quan tâm nhiều hơn ở những bệnh nhân cao tuổi, có tiền sử suy giảm chức năng thận, đái tháo đường, suy tim nặng, mất nước, nhất là sử dụng đồng thời với những nhóm thuốc khác cũng gia tăng K+ máu như cyclosporin, heparin, tacrolimus và trimethorpim.

Về mặt giải pháp, cần kiểm tra kali máu và chức năng thận trước khi bắt đầu điều trị và tiếp tục theo dõi một cách thường xuyên. Bệnh nhân cần được tư vấn về nguy cơ tăng kali máu do thuốc cũng như biểu hiện của tăng kali (mệt mỏi, yếu cơ, khó thở, buồn nôn, bơ phờ, ngứa ran tứ chi, tê bì, mạch yếu, nhịp tim chậm và không đều). Đồng thời, tư vấn về chế độ ăn, hạn chế các thực phẩm giàu kali cũng là điều cần thiết.


Hình 5. Thực phẩm giàu kali cần chú ý

 

Khi sử dụng phối hợp với ARB, liều của spironolacton không vượt quá 25mg mỗi ngày trên những bệnh nhân có nguy cơ cao.

3.2.   Tương tác thuốc cần thận trọng liên quan đến sacubitril

Sacubitril có thể làm tăng nồng độ thuốc trong huyết tương cũng như các thuốc được vận chuyển qua OATP1B1, 1B3 (các polypeptid vận chuyển anion hữu cơ) như một số chất ức chế men HMG-CoA (Statin).


Hình 6. Cơ chế tương tác giữa Sacubitril và Atorvastatin tại kênh OATP1B1

 

Khi sử dụng đồng thời, sacubitrol ngăn không cho atorvastatin vận chuyển vào tế bào gan để thực hiện phản ứng liên hợp thành dạng đào thải qua mật; vì vậy làm tăng nồng độ Cmax của atorvastatin gấp 2 lần và AUC gấp 1,3 lần, do đó làm tăng nguy cơ biểu hiện các độc tính của statin bao gồm đau cơ và tiêu cơ vân. Biểu hiện về mặt cận lâm sàng của tương tác này là mức men creatinin kinase tăng cao vượt quá 10 lần giới hạn bình thường được ghi nhận. Do đó nên thận trọng và theo dõi chặt chẽ các phản ứng có hại do statin khi sử dụng cùng sacubitril. Tất cả các bệnh nhân nên được tư vấn về bất kỳ cơn đau cơ, yếu cơ mà không rõ nguyên nhân, đặc biệt nếu kèm sốt, khó chịu và/hoặc nước tiểu sẩm màu.

Hạn chế chọn statin vận chuyển chủ yếu bởi các kênh OATP1B1 và OATP1B3 như atorvastatin, simvastatinlovastatin. Nên ngừng điều trị nếu creatinin kinase tăng rõ rệt mà không phải do nguyên nhân gắng sức như tập thể dục.

Kết luận

Với các bằng chứng hiện tại, Sacubitril/Valsartan (ARNI) được xem là bước tiến mới trong điều trị suy tim mạn với phân suất tống máu giảm khi các điều trị cơ bản (ACEI, BB, lợi tiểu kháng aldosterol) không đáp ứng đầy đủ. Bên cạnh đó, các lợi ích của ARNI trên bệnh nhân suy tim phân suất tống máu bảo tồn ngày càng có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên khi sử dụng ARNI cần lưu ý thận trọng, chống chỉ định và các tương tác thuốc tiềm ẩn có thể gây tăng kali máu cũng như tăng tác dụng phụ đau cơ và tiêu cơ vân khi dùng cùng với statin.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

   1.  Bộ Y tế, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị suy tim mạn tính 2020

   2.  Khuyến cáo điều trị suy tim Hội tim mạch học Việt Nam 2018

   3.  Dược thư quốc gia Việt Nam 2018

  4. McMurray JJVPacker M,  Desai AS et al. Angiotensin-neprilysin inhibition versus enalapril in heart failure. N Engl J Med 2014 Sep 11;371(11):993-1004.

   5. 2016 ESC Guidelines for the diagnosis and treatment of acute and chronic heart failure: The Task Force for the diagnosis and treatment of acute and chronic heart failure of the European Society of Cardiology (ESC)

   6. https://www.escardio.org/The-ESC/Press-Office/Press-releases/PIESKE

   7. Chan KH, Pournazari P, Champagne P. Rhabdomyolysis as a Side Effect of the Drug Interaction between Atorvastatin and Sacubitril/ Valsartan. Canadian Journal of General Internal Medicine volume 15 (2020)

Tổ Thông tin thuốc-Dược lâm sàng

Khoa Dược – Bệnh viện Đại học Y Dược Cần Thơ



Tin tức liên quan:
THÔNG BÁO - TIN TỨC CHUNG
Thông báo số 64 Nghỉ Lễ Giỗ tổ Hùng Vương năm 2024
Thông báo số 42 Về việc tuyển chọn bệnh nhi Chương trình phẫu thuật miễn phí “Thắp sáng nụ cười trẻ thơ” năm 2024
Quyết định số 139/QĐ-BVTĐHYDCT về việc Cập nhật Quy trình xử lý văn bản hành chính tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ
BẢN CÔNG BỐ Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng yêu cầu là cơ sở thực hành trong đào tạo khối ngành sức khoẻ.
Lựa chọn thực phẩm an toàn trong dịp Tết
Giấy giới thiệu về việc giới thiệu học viên Sau đại học thực hành tại Bệnh viện (BSNT Phụ sản)
Giấy giới thiệu về việc giới thiệu học viên Sau đại học thực hành tại Bệnh viện (Gây mê hồi sức)
Kế hoạch thực hành lâm sàng thực hành Y học đại cương - Học kỳ I năm học 2023-2024
ĐĂNG KÝ GIẢNG DẠY HỘI TRƯỜNG
HỘI THẢO KHOA HỌC “CẬP NHẬT NHỮNG ĐIỀU TRỊ MỚI TRONG THỰC HÀNH LÂM SÀNG CỦA CÁC BỆNH LÝ: TIM MẠCH - ĐÁI THÁO ĐƯỜNG”
Hội thảo “Điều trị các bệnh hô hấp giai đoạn giao mùa”
SỬ DỤNG KHÁNG SINH ĐIỀU TRỊ VIÊM PHỔI BỆNH VIỆN VÀ VIÊM PHỔI THỞ MÁY: CẬP NHẬT MỚI TỪ KHUYẾN CÁO HỘI HÔ HẤP & HỘI HỒI SỨC CHỐNG ĐỘC 2023
THUỐC ỨC CHẾ MIỄN DỊCH TRONG BỆNH PHỔI KẼ: MỘT SỐ LƯU Ý VỀ AN TOÀN THUỐC
Dinh dưỡng phẫu thuật cắt dạ dày
Xuống thang kháng sinh
FLUOROQUINOLON – CẢNH GIÁC VIỆC XUẤT HIỆN Ý ĐỊNH VÀ HÀNH VI TỰ SÁT TRÊN ĐỐI TƯỢNG NGUY CƠ
Về việc mời chào giá Mua vật tư y tế cho Khoa Răng Hàm Mặt
Thông báo số 364 Về việc thay đổi giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ
HỘI THẢO KHOA HỌC “CẢI THIỆN CHẤT LƯỢNG SỐNG VÀ TIÊN LƯỢNG SỐNG CHO BỆNH NHÂN TIM MẠCH VÀ BỆNH THẬN MẠN”
Hội thảo “Cập nhật các tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý tai giữa”
ASPxHyperLink
LIÊN KẾT
BỆNH VIỆN TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y DƯỢC CẦN THƠ
Địa chỉ: Số 179, Đường Nguyễn Văn Cừ, Phường An Khánh, Quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.
Liên hệ: 02923 899 444
Fax: 02923 740 221
Cấp cứu: 02923 894 123
Email: bvdhydcantho@ctump.edu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/bvdhydct
Website: http://bvdhydcantho.com
Tổng lượt truy cập: 2,089,955
THỜI GIAN KHÁM BỆNH NHƯ SAU:
- Thời gian lấy số thứ tự: 6h sáng các ngày làm việc trong tuần.
- Cấp cứu: 24/24 (kể cả ngày Lễ, Tết và Chủ nhật)
- Các ngày làm việc trong tuần: Từ Thứ Hai đến Thứ Sáu (hoặc theo thông báo)
- Tiếp nhận bệnh nhân:
Buổi sáng từ 6h45 - 10h45 | Buổi chiều từ 13h - 16h45
- Thời gian khám bệnh:
Buổi sáng từ 7h - 11h | Chiều từ 13h - 17h
BẢN ĐỒ ĐƯỜNG ĐI