Ngày 21/01/2025 Các bác sĩ Trung tâm Tiết Niệu - Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã điều trị thành công một trường hợp bệnh nhân nam, 103 tuổi, với tình trạng sỏi tiết niệu tích tụ bám vào sonde JJ niệu quản bên phải, gây đau trong khoảng thời gian dài khoảng 11 năm, do bệnh nhân không đến tái khám theo lịch hẹn để rút sonde JJ niệu quản phải. Đây là một ca bệnh rất đặc biệt và yêu cầu phối hợp chuyên môn cao của nhiều chuyên khoa, bao gồm cả Trung tâm Tiết niệu tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ trong suốt quá trình điều trị cho người bệnh.
Hình ảnh ghi nhận kết quả chụp phim Xquang hệ tiết niệu không chuẩn bị và phim chụp cắt lớp vi tính dựng hình hệ tiết niệu có tiêm thuốc cản quang.
Hình ảnh sỏi bám đầu sonde JJ trong thận phải và bị đứt thông trong bàng quang do bị bỏ quên 11 năm
Sỏi tiết niệu là một trong những nguyên nhân chính gây ra các căn bệnh đường tiết niệu ở cả nam và nữ. Khi sỏi không gây bế tắc đường tiết niệu, thì chúng không gây triệu chứng gì trầm trọng hay tổn thương gì đáng kể. Tuy nhiên, khi sỏi gây bế tắc, sẽ gây đau đớn, nhiễm trùng và suy giảm chức năng thận, thậm chí tử vong.
Đa số bệnh nhân mắc sỏi tiết niệu có tuổi từ 30 - 50. Nam có tỉ lệ mắc bệnh gấp 3 lần nữ. Sỏi ở hệ tiết niệu là bệnh có thể tái phát và xảy ra trong suốt cuộc đời người bệnh, vì vậy người bệnh phải được quản lý, theo dõi và có chế độ sinh hoạt hợp lý để hạn chế sự tái phát sỏi.
Điều trị sỏi tiết niệu là một chiến lược tổng thể bao gồm nhiều phương pháp điều trị dựa theo vị trí sỏi, số lượng sỏi, kích thước của viên sỏi, bề mặt của viên sỏi, độ chắc của viên sỏi, cấu trúc giải phẫu hệ tiết niệu của bệnh nhân, tiền sử điều trị sỏi tiết niệu, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và mong muốn của bệnh nhân để đưa ra phương pháp điều trị thích hợp nhất cho từng bệnh nhân.
Sonde JJ niệu quản là loại ống nhỏ 5-7Fr, dài 22-26cm. Ống rỗng bên trong làm bằng silicon hoặc nhựa dẻo, 2 đầu cong hình chữ J nên còn gọi là ống JJ hay double J. Ống được đặt trong niệu quản nhằm mục đích dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang, một đầu ống móc vào bể thận và đầu móc còn lại trong bàng quang. Sonde JJ niệu quản có tác dụng ngăn ngừa hoặc điều trị tắc nghẽn niệu quản. Đôi khi niệu quản bị hẹp do chèn ép hoặc bị tắc nghẽn do sỏi, nước tiểu từ thận không xuống được và gây ứ nước thận. Ống sonde JJ này sẽ giúp dẫn lưu tốt nước tiểu từ trên thận xuống bàng quang tránh được nguy cơ tổn thương thận. Ống sonde JJ niệu quản còn được đặt trong nhiều phẫu thuật tiết niệu làm giảm nguy cơ tắc nghẽn niệu quản, giảm biến chứng rò nước tiểu và hẹp niệu quản sau phẫu thuật.
Đặt ống sonde JJ niệu quản an toàn, đa số trường hợp người bệnh sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, nếu đặt ống sonde JJ quá lâu sẽ đóng cặn, hình thành sỏi dọc theo nó sẽ dẫn đến tắc nghẽn thận, đau thận, dễ dẫn đến nhiễm trùng tiết niệu.
Người bệnh là ông T.T.P, 103 tuổi, ngụ tại 258 Cà Dăm, Phường 8, Thành phố Vĩnh Long, Tỉnh Vĩnh Long, được chẩn đoán mắc sỏi thận phải kèm theo tình trạng còn sonde JJ niệu quản cũ. Theo tinh thần hội chẩn cùng các bác sĩ Trung tâm Tiết Niệu - Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ và liên chuyên khoa bao gồm Gây mê hồi sức, Nội tim mạch, thì phương pháp tối ưu đối với bệnh nhân được đưa ra là phẫu thuật nội soi niệu quản tán sỏi bằng laser kèm theo rút sonde JJ niệu quản bên phải. Ekip thực hiện ca phẫu thuật bao gồm: BS.CKII. Nguyễn Trung Hiếu, ThS. BS. Nguyễn Đức Duy, ThS. BS. Lê Thanh Bình, BSNT Lê Việt Tú, BSNT Nguyễn Trọng Nghĩa và dưới sự hỗ trợ tích cực trong suốt quá trình phẫu thuật của các chuyên khoa khác. Sau khoảng 01 giờ làm việc, ca phẫu thuật được thực hiện thành công, chúng tôi cố gắng tán sạch sỏi bám vào sonde JJ niệu quản bên phải sau đó lấy ra thành công sonde JJ niệu quản phải đã tồn tại lâu trong cơ thể bệnh nhân. Sau phẫu thuật 5 ngày, bệnh nhân được xuất viện với tình trạng: sinh hiệu ổn, sonde tiểu trong, đại tiện bình thường. Bệnh nhân được lưu sonde JJ niệu quản phải mới và sẽ được rút sau 2 tuần tái khám.
Hình ảnh Sonde JJ của bệnh nhân sau 11 năm bỏ quên khi được lấy ra khỏi cơ thể


Theo BS.CKII. Nguyễn Trung Hiếu- Phó trưởng Trung tâm Tiết Niệu, thông thường thời gian lưu ống sonde JJ niệu quản trong cơ thể sẽ phụ thuộc vào mục đích để cân nhắc rút sau 2 tuần, 4 tuần hoặc 3 tháng. Một số trường hợp đặc biệt có thể lưu ống đến 6 tháng hoặc 1 năm đối với các loại sonde JJ niệu quản đặc hiệu chuyên dùng cho các bệnh nhân có bệnh mạn tính cần kéo dài thời gian sử dụng, nếu lưu lâu hơn thời gian trên bệnh nhân cần được tái khám để thay sonde JJ niệu quản mới. Để tối ưu hiệu quả điều trị và tránh những biến chứng không mong muốn, thời gian đặt ống sonde JJ niệu quản cần được tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa và cần sự hợp tác trong quá trình theo dõi, tái khám từ phía người bệnh và gia đình.
BS.CKII. Nguyễn Trung Hiếu-Trung tâm Tiết Niệu