1. Dịch tễ học:
Giãn tĩnh mạch thừng tinh là tình trạng các tĩnh mạch trong thừng tinh (một bó gồm nhiều cấu trúc bắt nguồn từ bụng và kết thúc ở tinh hoàn) bị giãn bất thường do sự suy giảm chức năng van tĩnh mạch, gây ứ trệ tuần hoàn máu về tim. Bệnh ảnh hưởng đến khoảng 15% nam giới trưởng thành và chiếm đến 40% trong số các trường hợp vô sinh nguyên phát, 80% ở vô sinh thứ phát. Thường gặp ở nam giới sau độ tuổi dậy thì đến 35 tuổi và chủ yếu xuất hiện ở bên trái (chiếm 90% các trường hợp), trường hợp xuất hiện ở hai bên thì bên trái luôn giãn nhiều hơn và nặng hơn bên phải, do đặc điểm giải phẫu của hệ tĩnh mạch tinh.
2. Yếu tố nguy cơ gây bệnh:
Một số yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến giãn tĩnh mạch thừng tinh bao gồm:
- Cấu trúc giải phẫu bất thường: Hệ tĩnh mạch tinh không có van hoặc van hoạt động kém, dẫn đến dòng máu chảy ngược gây giãn tĩnh mạch.
- Tăng áp lực ổ bụng: Thường gặp ở những người lao động nặng, vận động viên thể hình hoặc những người bị táo bón mạn tính, viêm phế quản mạn tính.
- Yếu tố di truyền: Gia đình có tiền sử giãn tĩnh mạch thừng tinh hoặc bệnh lý mạch máu khác.
- Rối loạn nội tiết tố: Làm ảnh hưởng đến sự phát triển và chức năng của tĩnh mạch tinh.
3. Triệu chứng:
Bệnh có thể diễn biến âm thầm, tình cờ đi khám phát hiện hoặc gây ra các triệu chứng khó chịu như:
- Cảm giác đau tức vùng bìu: Thường xuất hiện ở bên trái, đau âm ỉ hoặc nhói, tăng lên khi đứng lâu, vận động mạnh và giảm khi nằm nghỉ.
- Bìu to ra và có cảm giác nặng nề: Do sự ứ đọng máu ở tĩnh mạch thừng tinh, mức độ giãn nặng dẫn đến tăng kích thước bó mạch thừng tinh làm cho bìu to ra, xệ xuống và cảm giác trì nặng tưng tức khó tả.
- Sờ thấy búi tĩnh mạch giãn ngoằn ngoèo: Ở giai đoạn nặng có thể sờ thấy rõ búi tĩnh mạch giống như “búi giun” ở phía trên tinh hoàn.
- Tinh hoàn bên bị ảnh hưởng có thể nhỏ hơn, mềm nhão hơn bên đối diện: Do suy giảm chức năng tinh hoàn, cấu trúc tinh hoàn bị thay đổi.
- Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản: Chất lượng và số lượng tinh trùng giảm, gây vô sinh hoặc giảm khả năng thụ thai.
4. Các xét nghiệm chẩn đoán:
Bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm sau để xác định chẩn đoán:
- Siêu âm Doppler bìu: Giúp phát hiện sự giãn của tĩnh mạch tinh và đo được kích thước tĩnh mạch (trên 2mm được coi là bất thường). Dòng trào ngược kéo dài khi nghiệm pháp Valsalva là dấu hiệu điển hình. Đồng thời siêu âm cũng khảo sát được kích thước tinh hoàn và các đặc tính của nó.
- Xét nghiệm tinh dịch đồ: Đánh giá chất lượng tinh trùng. Ở người bệnh bị giãn tĩnh mạch thừng tinh, có thể thấy:
o Giảm số lượng tinh trùng.
o Tinh trùng di động kém.
o Tinh trùng dị dạng tăng cao.
- Đo nhiệt độ bìu: Vùng bìu bị ảnh hưởng có nhiệt độ cao hơn bình thường do ứ trệ tuần hoàn.
- Xét nghiệm nội tiết tố: Kiểm tra các chỉ số testosterone, FSH, LH có thể giúp đánh giá ảnh hưởng của bệnh lên chức năng sinh sản.
5. Phương pháp điều trị:
Phương pháp điều trị phụ thuộc vào mức độ bệnh:
- Theo dõi và thay đổi lối sống: Nếu bệnh nhẹ và không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, có thể theo dõi, kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh, tránh vận động nặng.
- Dùng thuốc hỗ trợ tuần hoàn: Một số loại thuốc giúp cải thiện lưu thông máu, giảm triệu chứng đau tức bìu, tăng sức bền thành mạch máu.
- Phẫu thuật thắt tĩnh mạch tinh: Chỉ định khi bệnh gây đau nhiều, ảnh hưởng đến sinh sản hoặc giảm kích thước tinh hoàn. Các phương pháp phẫu thuật bao gồm:
o Phẫu thuật mổ mở truyền thống.
o Phẫu thuật nội soi ổ bụng.
o Nút mạch thừng tinh dưới hướng dẫn DSA
o Vi phẫu thắt tĩnh mạch tinh: Là phương pháp hiện đại, hiệu quả cao, ít biến chứng.
6. Phẫu thuật vi phẫu tiên tiến tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ:

Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã triển khai hệ thống phẫu thuật vi phẫu hiện đại, chuyên ứng dụng trong các phẫu thuật mạch máu thần kinh, đặc biệt hiệu quả trong điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh.
Trung tâm Tiết niệu của bệnh viện có đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản ở nước ngoài về kỹ thuật thắt tĩnh mạch tinh trên bụng bằng vi phẫu, giúp giảm tỷ lệ tái phát, bảo tồn tối đa động mạch tinh và hệ bạch huyết.
Vừa qua, Bệnh viện đã thực hiện thành công ca phẫu thuật cho bệnh nhân nam 37 tuổi bị giãn tĩnh mạch thừng tinh độ IV gây triệu chứng đau tức bìu liên tục, cảm giác đau làm bệnh nhân mất tập trung trong công việc, suy giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng đến chức năng tình dục Bệnh được khám và xét nghiệm tinh dịch đồ thì phát hiện trình trùng suy giảm cả về số lượng lẫn chất lượng. Sau phẫu thuật, bệnh nhân hồi phục nhanh, giảm hẳn triệu chứng đau tức bìu, kết quả tinh dịch đồ cải thiện rõ rệt, giúp tăng khả năng sinh sản.

Hình: Vết mổ vùng bẹn dài 2cm được khâu thẩm mỹ bằng chi tiêu sau 1 tuần đã hồi phục tốt, còn đóng mày, hầu như không thấy sẹo sau khi sẹo tróc mày.
Nếu bạn gặp các triệu chứng trên hoặc có kế hoạch sinh con nhưng gặp khó khăn, hãy đến ngay Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ để được tư vấn và điều trị kịp thời!
Nguồn: Trung Tâm Tiết Niệu – BS. Đặng Hoàng Minh.