Đầu tháng 3 năm 2025, cụ bà T.T.K.T (80 tuổi) đến khám tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ trong tình trạng có khối sa vùng kín kéo dài nhiều năm nhưng chưa được điều trị. Những năm gần đây, tình trạng ngày càng nặng hơn khiến bà đi lại khó khăn do khối sa không tự đi lên được, tiểu tiện không sạch và thường xuyên phải dùng tay đẩy khối sa vào trong mới có thể đi tiểu.
Người bệnh có tiền sử sinh thường 3 người con nhưng không làm việc nặng nhiều. Ngoài ra, bà còn mắc nhiều bệnh lý nội khoa như tiểu đường, tăng huyết áp và phải sử dụng thuốc chống đông máu liên tục trong nhiều năm.
Qua thăm khám chuyên khoa, bác sĩ phát hiện bệnh nhân có khối sa thành trước âm đạo, chẩn đoán sa bàng quang độ IV kèm theo sa tử cung độ II. Khi thực hiện nghiệm pháp tăng áp lực ổ bụng, không ghi nhận rò rỉ nước tiểu. Kết quả siêu âm cho thấy lượng nước tiểu tồn lưu sau khi đi vệ sinh là 150ml, chứng tỏ người bệnh tiểu không hết, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.

Hình ảnh bàng quang sa độ IV trước khi phẫu thuật.
Phương pháp phẫu thuật tiên tiến
ThS.BS. Đặng Hoàng Minh, phẫu thuật viên chính cho trường hợp này, đã quyết định áp dụng phương pháp phẫu thuật đặt lưới nhân tạo để nâng bàng quang và cố định tử cung. Đây là một kỹ thuật hiện đại, ít xâm lấn, giúp bệnh nhân phục hồi nhanh và mang lại hiệu quả lâu dài.
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sử dụng một tấm lưới nhân tạo đặt vào vùng hố chậu, kéo khối sa tử cung lên trên thông qua đường âm đạo. Kỹ thuật này giúp định vị lại bàng quang và tử cung mà không cần rạch bụng, giảm nguy cơ biến chứng và giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục sau mổ.
Tình trạng bệnh nhân sau phẫu thuật
Sau ca phẫu thuật, người bệnh được theo dõi tại bệnh viện trong 3 ngày và được đặt ống thông tiểu để đảm bảo bàng quang hoạt động tốt. Trong suốt quá trình nằm viện, người bệnh hồi phục tốt, không có dấu hiệu nhiễm trùng hay biến chứng.
Sau 3 ngày, người bệnh xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định. Tại buổi tái khám sau 10 ngày, vết thương đã lành hoàn toàn, không còn rỉ dịch. Chỉ còn một vết sẹo nhỏ 4cm ở thành trước âm đạo, không gây ảnh hưởng đến sinh hoạt. Đánh giá lại bằng siêu âm và khám lâm sàng cho thấy bàng quang và tử cung đã trở về vị trí bình thường, chức năng tiểu tiện cải thiện rõ rệt. Bệnh nhân rất hài lòng với kết quả điều trị, không còn cảm giác khó chịu và có thể sinh hoạt bình thường.

Hình ảnh bàng quang về vị trí cũ sau phẫu thuật.
Lời khuyên từ chuyên gia
ThS.BSCK2 Trần Huỳnh Tuấn – Trưởng Trung tâm Tiết niệu, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ cho biết, bệnh lý sa bàng quang rất phổ biến ở phụ nữ lớn tuổi, đặc biệt là những người đã trải qua nhiều lần sinh nở.
Tại Trung tâm Tiết niệu của Bệnh viện, với đội ngũ chuyên gia giỏi được đào tạo trong và ngoài nước cùng với trang thiết bị hiện đại, bệnh nhân có thể được chẩn đoán và điều trị hiệu quả, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống đáng kể. Bác sĩ cũng khuyến cáo phụ nữ khi có dấu hiệu sa bàng quang như tiểu không kiểm soát, cảm giác nặng vùng chậu, hoặc phát hiện khối sa vùng kín, nên đi khám sớm. Nếu được điều trị kịp thời, bệnh sẽ có tiên lượng tốt hơn, giúp tránh được các biến chứng như nhiễm trùng đường tiểu hoặc ảnh hưởng đến chức năng bàng quang lâu dài.
Sa bàng quang không phải là bệnh lý nguy hiểm nếu được phát hiện và điều trị đúng cách. Đừng e ngại hay che giấu bệnh mà hãy chủ động đến Trung tâm Tiết niệu – Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ để được thăm khám và điều trị sớm nhất.
Nguồn: Trung Tâm Tiết Niệu