1. Tổng quan:
Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt (Benign Prostatic Hyperplasia - BPH) là bệnh lý phổ biến ở nam giới trung niên và cao tuổi. Bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh một cách trầm trọng.
BPH đặc trưng bởi sự tăng sinh mô tuyến tiền liệt, dẫn đến chèn ép đường tiểu, gây ra các triệu chứng rối loạn tiểu tiện. Theo thống kê:
- Khoảng 50% nam giới trên 50 tuổi có biểu hiện của BPH.
- Tỷ lệ mắc bệnh tăng lên theo tuổi, với hơn 80% nam giới trên 80 tuổi bị bệnh.
2. Nguyên nhân (yếu tố nguy cơ):
Nguyên nhân chính xác của bệnh chưa thể xác định được, tuy nhiên có một số yếu tố nguy cơ góp phần vào sự phát triển của bệnh bao gồm:
- Tuổi tác: Là yếu tố nguy cơ lớn nhất, tuổi càng cao nguy cơ mắc bệnh càng lớn.
- Nội tiết tố nam: Sự mất cân bằng giữa testosterone và dihydrotestosterone (DHT) kích thích sự phát triển tuyến tiền liệt.
- Di truyền: Nam giới có tiền sử gia đình mắc BPH có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người khác.
- Lối sống: Béo phì, ít vận động, chế độ ăn uống không lành mạnh (rượu bia, thuốc lá, các yếu tố kích thích…) có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
3. Triệu chứng (Dấu hiệu nhận biết):
BPH có thể biểu hiện bằng các triệu chứng đường tiết niệu dưới, bao gồm:
• Hội chứng kích thích:
- Tiểu nhiều lần: đặc biệt là vào ban đêm, mỗi lần đi nước tiểu có thể rất ít nhưng không thể nhịn được. Cũng có thể tiểu lượng nước tiểu bình thường nhưng tăng số lần hơn so với bình thường.
- Cảm giác mắc tiểu gấp: người bệnh không thể nhịn tiểu được khi mắc, khi có cảm giác mắc là phải đi vệ sinh ngay.
- Tiểu són, tiểu không kiểm soát: người xung quanh có thể cảm nhận được mùi khai do bệnh nhân tiểu rỉ liên tục ra quần, người bệnh không chủ động được chuyện đi tiểu đôi khi phải mặc tã liên tục.
• Hội chứng tắc nghẽn:
- Dòng tiểu yếu, ngắt quãng, ngập ngừng: so với ngày còn trẻ, người bệnh cảm nhận rõ rệt sự thay đổi độ mạnh của dòng nước tiểu, thường đứng tiểu rất lâu mới hết nước tiểu.
- Khó khởi đầu khi tiểu: để bắt đầu đi tiểu người bệnh phải đưng rặn khá lâu mới có thể tống xuất được nước tiểu.
- Tiểu không hết, cảm giác bàng quang còn nước tiểu: sau khi tiểu xong bệnh nhân vẫn còn mắc tiểu, cảm giác không thoải mái khi kết thúc dòng tiểu.
Nếu không điều trị, bệnh có thể gây ra các biến chứng như nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi bàng quang, bí tiểu cấp tính, suy thận.
4. Chẩn đoán:
Chẩn đoán BPH dựa trên:
- Khám lâm sàng: Khám trực tràng bằng tay để đánh giá tổng quan tuyến tiền liệt. Đây là biện pháp chẩn đoán cơ bản, nó giúp ích rất nhiều cho chẩn đoán ban đầu, đem lại nhiều giá trị trong chẩn đoán phân biệt với bệnh lý ung thư tuyến tiền liệt.
- Bảng câu hỏi triệu chứng IPSS: Đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh, đây là bộ câu hỏi về những cảm nhận chủ quan của người bệnh giúp ích rất nhiều cho việc lựa chọn điều trị.
- Xét nghiệm PSA (Prostate-Specific Antigen): Hỗ trợ loại trừ ung thư tuyến tiền liệt.
- Siêu âm: cung cấp nhiều thông tin hữu ích về tính chất tuyến tiền liệt, đo thể tích tuyến tiền liệt và đo thể tích nước tiểu tồn lưu.
- Đo niệu dòng đồ: Là phương tiện xét nghiệm hiện đại giúp bác sĩ đánh giác mức độ tắc nghẽn của đường tiểu dưới một cách khách quan nhất
- Nội soi bàng quang: Giúp đánh giá chính xác hình ảnh tuyến tiền liệt, sự chèn ép đường tiểu, sự thay đổi bề mặt bàng quang và tìm dị vật bàng quang.
- Sinh thiết tuyến tiền liệt: Được xem xét chỉ định khi nghi ngờ ung thư tuyến tiền liệt.
Tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ của chúng tôi, các bác sĩ có trình độ chuyên môn sâu trong lĩnh vực khám chẩn đoán và điều trị bệnh lý tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt. Bên cạnh đó, chúng tôi được trang bị đầy đủ các phương tiện máy móc hiện đại như: hệ thống nội soi bàng quang thế hệ mới, máy đo niệu dòng đồ 11 thông số, máy siêu âm 3 chiều, 4 chiều, doppler màu, MRI, hệ thống sinh thiết tuyến tiền liệt đầu tiên tại Cần Thơ, giúp đưa ra kết luận chính xác nhất, để người bệnh có thể an tâm điều trị với chúng tôi.
5. Điều trị:
Điều trị BPH phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
5.1. Điều trị nội khoa:
Điều trị nội khoa là lựa chọn đầu tiên cho bệnh nhân có triệu chứng nhẹ đến trung bình, bao gồm:
- Thuốc chẹn alpha: Giúp cho quá trình tiểu tiện được thông thương.
- Thuốc ức chế 5-alpha reductase: Giúp làm giảm kích thước tuyến tiền liệt.
- Thuốc kháng cholinergic: Dùng cho ngừoi bệnh có triệu chứng kích thích bàng quang.
- Thuốc demopresin: Giúp giảm lượng nước tiểu, giảm tiểu đêm.
- Thuốc ức chế phosphodiesterase-5 (PDE5 inhibitors): Điều trị rối loạn cương dương và hỗ trợ cải thiện triệu chứng đi tiểu..
Việc chọn lựa thuốc và quyết định liều điều trị nên được thực hiện bới bác sĩ chuyên khoa, không nên tự ý dùng thuốc để tránh những biến chứng nguy hại đến sức khoẻ. Bệnh viện chúng tôi là cơ sở y tế chuyên sâu nên chúng tôi có đầy đủ các loại thuốc đáp ứng cho việc điều trị phù hợp nhất cho từng người bệnh.
5.2. Điều trị ngoại khoa:
Khi điều trị nội khoa không hiệu quả hoặc bệnh có biến chứng như sỏi bàng quang, nhiễm khuẩn tiết niệu tái diễn, nước tiểu tồn lưu trên 100ml… có thể xem xét can thiệp ngoại khoa:
- Phẫu thuật nội soi cắt đốt tuyến tiền liệt qua niệu đạo (TURP): Phương pháp tiêu chuẩn cho BPH trung bình đến nặng. Đây là lựa chọn xâm lấn ít, đường tiểu sẽ được nạo vét rộng giúp việc tiểu tiện thông thoáng. Với kinh nghiệm phẫu thuật hơn 3000 ca, dàn máy nội soi tiên tiến nhập từ Đức, chúng tôi cam kết mang lại hiệu qủa tốt nhất cho người bệnh.
- Bóc nhân tuyến tiền liệt toàn phần bằng laser (HoLep): Giảm nguy cơ chảy máu, phù hợp với bệnh nhân có nguy cơ cao, chỉ định rộng rãi với tất cả các đối tượng có chẩn đoán BPH. Đây là phương pháp mới, hiện đại, mới được áp dụng, giúp giải quyết gần như triệt để tuyến tiền liệt, khả năng tái phát cực thấp. Chúng tôi đã làm chủ công nghệ và đang ứng dụng điều trị tại Bệnh viện. Trường Đại học Y Dược Cần Thơ là một
trong những trung tâm hiếm hoi tại Đồng bằng Sông Cửu Long có ứng dụng phương pháp hiện đại này.
- Phẫu thuật mở tuyến tiền liệt: Dành cho tuyến tiền liệt phì đại rất lớn, tuy nhiên hiện nay ít được áp dụng do tổn hại sức khoẻ nhiều trong khi có phương pháp khác thay thế tốt hơn rất nhiều.
- Các phương pháp ít xâm lấn hơn: Liệu pháp nhiệt vi sóng, liệu pháp tia nước (Rezum), đặt stent niệu đạo… nhưng hiệu quả không cao.
6. Kết luận:
BPH là một bệnh lý phổ biến ở nam giới lớn tuổi, có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Việc duy trì lối sống lành mạnh, khám sức khỏe định kỳ và điều trị đúng phương pháp giúp kiểm soát tốt bệnh và ngăn ngừa biến chứng. Nếu có triệu chứng nghi ngờ, nam giới nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị phù hợp.
Nguồn: BS. Đặng Hoàng Minh - Trung Tâm Tiết Niệu