1. Sốt giảm bạch cầu hạt là gì?
Sốt giảm bạch cầu hạt là tình trạng số lượng bạch cầu hạt trong máu của bạn bị giảm thấp kèm sốt cao, kéo dài do hóa trị.
Bạch cầu là thành phần trong máu, giúp cơ thể chống lại tình trạng viêm nhiễm. Vì vậy, khi bạch cầu giảm, cơ thể dễ bị nhiễm trùng hơn.
2. Vì sao bạn có thể bị sốt giảm bạch cầu hạt?
Nguyên nhân chính của tình trạng giảm bạch cầu hạt là do tủy xương bị ức chế trong quá trình hóa trị. Tủy xương là nơi sản xuất các tế bào máu, bao gồm bạch cầu. Khi thuốc hóa trị tiêu diệt các tế bào ung thư, chúng cũng có thể ảnh hưởng đến các tế bào bình thường của tủy xương, làm giảm số lượng bạch cầu hạt.
Một số thông tin quan trọng về giảm bạch cầu hạt:
- Giảm bạch cầu hạt thường xuất hiện khoảng 7 - 14 ngày sau mỗi đợt hóa trị, đây là thời điểm hệ miễn dịch yếu nhất và nguy cơ nhiễm trùng cao nhất.
- Mức độ giảm bạch cầu hạt phụ thuộc vào loại thuốc hóa trị, liều lượng và tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân.
- Những bệnh nhân từng bị giảm bạch cầu hạt ở các chu kỳ hóa trị trước có nguy cơ tái phát cao ở các chu kỳ tiếp theo.
3. Dấu hiệu cần chú ý
- Sốt từ 38°C trở lên và kéo dài liên tục trên 1 giờ.
- Ho, khó thở.
- Đau bụng, tiêu chảy.
- Tiểu buốt hoặc đau khi đi tiểu.
- Da sưng đỏ, nổi mụn mủ hoặc có vết loét.
4. Khi nào cần báo cho bác sĩ?
Hãy liên hệ ngay với bác sĩ nếu bạn có các dấu hiệu sau:
- Sốt từ 38°C trở lên (tự đo nhiệt độ tại nhà).
- Cảm giác ớn lạnh kéo dài hoặc lặp lại nhiều lần.
- Đau họng, đau răng, loét miệng hoặc các vết loét trên cơ thể.
- Đau vùng bụng, tiêu chảy nhiều lần hoặc tiểu buốt, tiểu rát.
- Khó thở, hoặc ho kéo dài không rõ nguyên nhân.
- Vùng da sưng đỏ, mưng mủ hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng.
5. Điều trị sốt giảm bạch cầu hạt
Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân gây ra sốt:
- Dùng thuốc kháng sinh: Bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kháng sinh giúp chống nhiễm trùng, thường là qua đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch.
- Thuốc kích thích bạch cầu (G-CSF): Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định thuốc giúp tăng nhanh số lượng bạch cầu.
- Bù nước: Bạn nên uống nhiều nước (khoảng 2 - 3 lít/ngày) để giúp cơ thể duy trì lượng nước cần thiết và tăng cường sức đề kháng.
- Kiểm soát triệu chứng: Dùng thuốc hạ sốt (Paracetamol) theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý dùng thuốc khác.
- Nhập viện: Nếu tình trạng nhiễm trùng nặng hoặc có các dấu hiệu nguy hiểm, bạn có thể cần được điều trị nội trú để theo dõi chặt chẽ hơn.
6. Cách chăm sóc tại nhà
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.
- Tránh tiếp xúc với người đang bị cúm hoặc các bệnh lây nhiễm.
- Giữ vệ sinh răng miệng bằng bàn chải mềm.
- Ăn thức ăn nấu chín kỹ, tránh thực phẩm tươi sống. Bổ sung nhiều thức ăn có Vitamin C như: cam, chanh…
- Nghỉ ngơi đầy đủ và uống nhiều nước.
7. Cách phòng ngừa
- Thuốc dự phòng: Bác sĩ chỉ định dùng thuốc hỗ trợ tăng bạch cầu (G-CSF) nếu bạn thuộc nhóm nguy cơ cao.
- Tiêm phòng: Tiêm phòng các bệnh lý như cúm, viêm gan B, phế cầu khuẩn trước khi bắt đầu hóa trị.
- Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên, giữ vệ sinh răng miệng và tắm rửa hàng ngày bằng xà phòng dịu nhẹ.
- Môi trường sống: Giữ môi trường sống sạch sẽ, tránh tiếp xúc với động vật hoặc những nơi đông người có nguy cơ lây nhiễm.
- Dinh dưỡng: Ăn uống lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất nhất là các Vitamin C, tránh các thực phẩm tái, sống.
- Theo dõi sức khỏe: Thực hiện các xét nghiệm máu định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để phát hiện sớm tình trạng giảm bạch cầu.
8. Kết luận
Sốt giảm bạch cầu hạt là biến chứng có thể gặp khi điều trị hóa trị, nhưng bạn có thể phòng ngừa và kiểm soát được nếu tuân thủ hướng dẫn chăm sóc và điều trị. Hãy luôn báo cho bác sĩ khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào để đảm bảo sức khỏe tốt nhất trong quá trình điều trị.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Y tế, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh ung bướu (2020). Sốt do giảm bạch cầu ở bệnh nhân ung thư. Nhà xuất bản Y học.
2. Management of febrile neutropaenia: ESMO Clinical Practice Guidelines Klastersky, J. et al. Annals of Oncology, Volume 27, v111 - v118
Khoa Ung bướu – BSCKII. Lê Thanh Vũ; BSCK1 Huỳnh Minh Đông; BS Thạch Thị Hoài Thương