Ngày 10 tháng 07 năm 2025 Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã tổ chức thành công Hội thảo "Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang – nội soi tuyến nước bọt năm 2025" với sự tham dự của hơn 200 đại biểu là các bác sĩ và nhân viên y tế đến từ khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Hội thảo nhằm cập nhật các nội dung chuyên môn quan trọng như: tổng quan bệnh lý tuyến nước bọt; liệu pháp điều trị viêm mũi dị ứng bằng thuốc theo hướng dẫn ICAR 2023; phẫu thuật điều trị viêm xoang trán tái phát; và đặc biệt là thị phạm phẫu thuật nội soi lấy sỏi tuyến nước bọt do các chuyên gia đầu ngành thực hiện. Đây là trường hợp phẫu thuật nội soi lấy sỏi tuyến nước bọt đầu tiên được triển khai tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ cũng như tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - đánh dấu một bước tiến quan trọng trong ứng dụng kỹ thuật cao tại địa phương, góp phần giải quyết nguyên nhân gây tắc nghẽn đường dẫn lưu tuyến nước bọt với phương pháp ít xâm lấn.
TS.BS. Trần Anh Bích – Phó Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Chợ Rẫy
báo cáo tại hội thảo
Tại hội thảo, TS.BS. Trần Anh Bích – Phó Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Chợ Rẫy đã có phần trình bày sâu sắc về các nguyên nhân phổ biến dẫn đến tắc nghẽn ống tuyến nước bọt, bao gồm: sỏi tuyến, hẹp ống do viêm mạn tính và chấn thương. Bác sĩ nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của kỹ thuật nội soi tuyến nước bọt – một phương pháp can thiệp hiện đại, ít xâm lấn, với chỉ định rõ ràng trong các trường hợp tắc nghẽn cơ học, sỏi tuyến hoặc hẹp ống tuyến. Bên cạnh đó, TS. BS. Trần Anh Bích cũng lưu ý đến những chống chỉ định cần được cân nhắc kỹ lưỡng khi áp dụng kỹ thuật này.
Phần trình bày còn giới thiệu hệ thống thiết bị nội soi tuyến nước bọt chuyên dụng đang được sử dụng hiện nay, cùng với các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị tiên tiến. Đặc biệt, các phương pháp xử trí biến chứng cũng được đề cập một cách cụ thể và thực tiễn, nhằm nâng cao hiệu quả điều trị, rút ngắn thời gian hồi phục và hạn chế tối đa nhu cầu phẫu thuật mở truyền thống.

TS.BS. Phạm Thanh Thế - Giảng viên Bộ môn Tai Mũi Họng, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ báo cáo tại hội thảo
Liên quan đến viêm xoang trán tái phát – một thách thức điều trị trong lâm sàng Tai Mũi Họng – TS.BS. Phạm Thanh Thế, Giảng viên Bộ môn Tai Mũi Họng, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã có phần trình bày chuyên sâu, chỉ ra những nguyên nhân then chốt dẫn đến tình trạng này. Các yếu tố bao gồm: sót các tế bào quanh ngách trán sau mổ, không xử lý triệt để đầu trên của mỏm móc, dính cuốn giữa vào vách mũi xoang, cốt hóa vùng ngách trán, cùng với hiện tượng tăng sinh và xơ hóa niêm mạc – tất cả đều có thể cản trở dẫn lưu và tạo điều kiện cho viêm tái phát.
Trong bối cảnh đó, phẫu thuật nội soi mũi xoang đóng vai trò quan trọng với mục tiêu khôi phục dẫn lưu sinh lý, mở rộng hiệu quả lỗ thông xoang trán và xử lý triệt để các yếu tố tắc nghẽn. Việc can thiệp đúng kỹ thuật không chỉ cải thiện triệu chứng mà còn làm giảm đáng kể nguy cơ tái phát, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

TS.BS. Nguyễn Triều Việt – Trưởng Bộ môn Tai Mũi Họng, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ báo cáo tại hội thảo
Trong phần trình bày tại hội thảo, TS.BS. Nguyễn Triều Việt – Trưởng Bộ môn Tai Mũi Họng, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã mang đến góc nhìn toàn diện và thực tiễn về điều trị viêm mũi dị ứng, một bệnh lý mạn tính ngày càng phổ biến. Phần báo cáo giới thiệu những điểm mới trong phác đồ điều trị nội khoa theo hướng dẫn ICAR 2023, nhấn mạnh vai trò của việc lựa chọn thuốc phù hợp, phối hợp điều trị hợp lý và điều chỉnh theo diễn tiến lâm sàng.
Bên cạnh cập nhật lý thuyết, TS.BS. Nguyễn Triều Việt còn chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu từ thực hành điều trị, đặc biệt trong việc cá thể hóa phác đồ dựa trên đặc điểm triệu chứng và mức độ đáp ứng của từng bệnh nhân. Những nội dung này giúp đội ngũ bác sĩ không chỉ nâng cao hiệu quả kiểm soát triệu chứng mà còn cải thiện rõ rệt chất lượng sống của người bệnh, hướng tới mục tiêu điều trị toàn diện và bền vững.

Trường hợp phẫu thuật nội soi lấy sỏi tuyến nước bọt đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long được thực hiện tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ
Điểm nhấn đặc biệt của hội thảo là chương trình phẫu thuật thị phạm được thực hiện trực tiếp trên bệnh nhân Lê Văn C., 58 tuổi, buôn bán tự do, cư trú tại thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.
Trong hơn một năm, bệnh nhân liên tục gặp phải tình trạng sưng đau vùng dưới hàm phải, kèm nuốt đau và sốt, dù đã điều trị nội khoa tại nhiều cơ sở y tế nhưng không cải thiện. Khoảng ba tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, qua thăm khám lâm sàng các bác sĩ ghi nhận tại vùng tuyến nước bọt dưới hàm phải có khối chắc, di động, không đau khi ấn, đường kính khoảng 1x1cm. Các cận lâm sàng như nội soi tai mũi họng, siêu âm Doppler tuyến nước bọt và hạch cổ, cùng với chụp CT-Scan vùng đầu cổ cho thấy trong tuyến nước bọt có nhiều cấu trúc tăng đậm độ (khoảng +700 HU), nghi ngờ là sỏi, trong đó viên lớn nhất có kích thước khoảng 15,6 x 8,6 mm.
Với các dấu hiệu điển hình, bệnh nhân được chẩn đoán sỏi tuyến nước bọt dưới hàm phải và chỉ định phẫu thuật nội soi lấy sỏi. Toàn bộ quá trình phẫu thuật diễn ra trong vòng hai giờ với sự thực hiện của ê-kíp Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ do TS.BS. Nguyễn Triều Việt, ThS.BS. Đỗ Hội phụ trách phối hợp cùng TS.BS. Trần Anh Bích – Phó Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Chợ Rẫy.
Với kỹ thuật hiện đại và sự hỗ trợ của hệ thống nội soi tuyến nước bọt đã mang lại độ chính xác cao và đảm bảo an toàn tối đa cho người bệnh. Kết quả phẫu thuật không chỉ mang lại hiệu quả điều trị cho bệnh nhân mà còn là minh chứng sinh động cho hiệu quả của kỹ thuật nội soi trong xử trí sỏi tuyến nước bọt – một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực Tai Mũi Họng hiện nay.

Hội thảo quy tụ nhiều bác sĩ và nhân viên y tế
khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
Hội thảo là dịp quan trọng để các bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long gặp gỡ, trao đổi chuyên môn, cập nhật những tiến bộ mới trong chẩn đoán và điều trị, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong thực hành lâm sàng. Sự kiện còn mở ra cơ hội tiếp cận các chương trình đào tạo y khoa liên tục, theo định hướng hiện đại và hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, kỹ thuật phẫu thuật nội soi tuyến nước bọt – một phương pháp can thiệp tiên tiến, gần như không xâm lấn nhờ tiếp cận qua lỗ đổ ra tự nhiên của tuyến – đã được giới thiệu như một điểm nhấn chuyên môn nổi bật. Đây không chỉ là bước tiến trong điều trị các bệnh lý tuyến nước bọt mà còn đánh dấu xu hướng ứng dụng công nghệ nội soi hiện đại nhằm tối ưu hiệu quả điều trị và giảm thiểu can thiệp ngoại khoa truyền thống.