Giảm đau sau mổ từ lý thuyết đến thực hành
CHUYÊN MỤC: Dược lý - Dược lâm sàng
Đăng vào lúc [2021-10-07 10:51:50] Lượt xem: 3737 353
Tác giả: Chưa xác định
   Giảm đau hậu phẫu là vấn đề quan trọng trong điều trị hồi sức, nhưng thường chưa được thực hiện hiệu quả trên thực hành lâm sàng. Các khuyến cáo hiện nay hướng về liệu pháp giảm đau đa mô thức, nhằm tăng hiệu quả cải thiện cơn đau cho bệnh nhân và giảm mức tiêu thụ thuốc giảm đau opioid trên thực hành. Trong liệu pháp này, giảm đau tự kiểm soát bằng đường tĩnh mạch (IV-PCA) vẫn được khuyến cáo ưu tiên, phối hợp cùng với các thuốc giảm đau nhẹ ngoại biên hoặc trung ương. Ngoài ra, tư vấn giáo dục bệnh nhân trước phẫu thuật về vấn đề đau hậu phẫu và việc sử dụng thuốc giảm đau cũng đóng vai trò quan trọng để giảm lo lắng và có hiệu quả điều trị tốt hơn. 

1. Đại cương về đau hậu phẫu

1.1. Khái niệm

Đau hậu phẫu, hay sau mổ (postoperative pain) là tình trạng đau cấp hoặc mạn tính gây ra do tổn thương hiện có ở mô hay tiềm tàng [1]. Trên 80% bệnh nhân sau quá trình phẫu thuật trải qua cơn đau cấp và 75% những cơn đau này ở mức độ trung bình đến nặng. Tuy nhiên, các chứng cứ chỉ ra rằng dưới 50% bệnh nhân được điều trị giảm đau đầy đủ [3].

1.2. Cơ chế gây đau và cơ sở kiểm soát cơn đau

Về mặt sinh lý bệnh, có hai cơ chế chính dẫn đến đau gồm đau do đáp ứng viêm và đau do thần kinh. Trên bệnh nhân hậu phẫu, tuy rằng có tổn thương mô dẫn đến đáp ứng viêm, tuy nhiên cơ chế chủ yếu dẫn đến các cơn đau thường là do sự hoạt hóa và tăng nhạy cảm các thụ thể đau (nociceptor) ở tủy sống và ngoại biên, kèm với viêm [5]. Do đó khi chạm vào, hoặc cử động các cơ lân cận vết mổ, cơn đau sẽ được cảm giác rõ rệt; ngoài ra ho và thở mạnh đôi khi cũng thúc đẩy cơn đau này. Trường hợp này thường đáp ứng tốt với các thuốc giảm đau trung ương (opioid) hoặc các thuốc kháng viêm non-steroid (NSAIDs). Tuy nhiên khi có tổn thương thần kinh kèm theo, các nhóm thuốc này thường khó đáp ứng cơn đau, đòi hỏi các cơ chế tác động khác phù hợp hơn [4].

Một số cơ chế khác gây đau sau mổ vẫn đang được nghiên cứu gồm thay đổi khả năng tự điều chỉnh cảm giác đau ở não, dẫn đến thay đổi các đáp ứng stress của bệnh nhân; cũng như có thể do ảnh hưởng yếu tố di truyền của bệnh nhân (DNA, nhiễm sắc thể) dẫn đến các cơn đau kéo dài [5].

1.3. Hậu quả của việc không kiểm soát tốt cơn đau

Cơn đau cấp sau mổ thường được nối tiếp bởi những cơn đau kéo dài trên 10 – 50% bệnh nhân sau các cuộc  phẫu  thuật lồng ngực, mạch vành,… [5]. Các chứng cứ cho thấy khi quản lý đau không được quan tâm đầy đủ ở những bệnh nhân sau mổ, những cơn đau này có thể liên quan đến những  hậu quả xấu theo nhiều cơ chế (hình 1) [1].

Về mặt sinh lý, cơn đau thường liên quan đến tăng hoạt hệ thống giao cảm, từ đó gây rối loạn về tuần hoàn (kích thích hệ adrenergic gây tăng cung lượng tim, nhịp tim và tăng nhu cầu oxy cơ tim, dẫn đến các cơn thiếu máu cục bộ hay nhồi máu cơ tim); hô hấp (giảm dung tích phổi, giảm thông khí phế nang,…), miễn dịch (ức chế miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm trùng vết mổ), tiêu hóa (giảm nhu động ruột, buôn nôn, nôn) và tiết niệu (bí tiểu, những yếu tố này gây tăng gấp bội stress cho cơ thể so với tổn thương) [1, 6]. Ngoài ra, cơn đau khiến bệnh nhân đau đớn, khó ngủ và khiến bệnh nhân lo âu, rối loạn cảm xúc, trầm cảm… [1, 4]. Các trải nghiệm về đau, về tâm lý, cũng khiến bệnh nhân đau hơn hoặc kém đau hơn [4]. Bên cạnh đó, tuổi cao và nữ giới cũng được xem là yếu tố nguy cơ trong một số cơn đau do hậu phẫu [6].

Tất cả các biến đổi sinh lý, tâm lý kể trên góp phần tăng tỉ lệ tử vong, tàn phế, khó hồi phục lại sinh hoạt bình thường. Không những vậy, chi phí để kiểm soát cơn đau đã kéo dài thường cao hơn. Vì vậy, giảm đau sau mổ cần được quan tâm đúng mức để tránh những biến cố này [5, 6]. Cải thiện cơn đau là nhu cầu cần được đáp ứng trên tất cả bệnh nhân sau mổ, vừa là một vấn đề y học, vừa là một vấn đề đạo đức [1]

2. Các nguyên tắc chung trong kiểm soát đau sau mổ

2.1. Tư vấn, giáo dục bệnh nhân

Về nguyên tắc, các bác sĩ cần trao đổi với bệnh nhân và gia đình người bệnh về cơn đau sau mổ, cũng như mục tiêu và các lựa chọn trong điều trị [4]. Việc tư vấn, giáo dục bệnh nhân góp phần tích cực giúp bệnh nhân vượt qua những rào cản trong quản lý cơn đau sau mổ. Ngày càng nhiều chứng cứ cho thấy, nếu bệnh nhân được tư vấn trước mổ, hiệu quả kiểm soát đau sẽ tốt hơn, giảm lo lắng và các tâm lí tiêu cực sau mổ, đồng thời giúp bệnh nhân hiểu được tính quan trọng của việc quản lý cơn đau và sử dụng thuốc giảm đau [3, 7]. Ngoài ra, điều này cũng góp phần giúp bệnh nhân có phản hồi hiệu quả hơn khi cần đánh giá hiệu quả giảm đau sau mổ [3]. Về lý thuyết, điều dưỡng đóng vai trò quan trọng nhất và dành nhiều thời gian trong hỗ  trợ bệnh nhân vượt qua cơn đau, tuy nhiên trên thực tế, vai trò này chưa được tối ưu do điều dưỡng còn thiếu kiến thức và tình trạng quá tải công việc tại các bệnh viện [11]. Việc quản lý đau sau mổ ở Việt Nam hiện nay thực tế còn gặp khá nhiều rào cản được mô tả trong hình 1. Theo đó, thiếu các thiết bị hỗ trợ trị liệu và quản lý cơn đau cho bệnh nhân là nguyên nhân phổ biến [11].

2.2. Đánh giá cơn đau sau mổ

Đánh giá cơn đau nhìn chung là khó và mang tính chủ quan qua lời khai của bệnh nhân, không có xét nghiệm sinh học chuyên biệt. Cảm nhận về cơn đau của bệnh nhân có sự chi phối bởi nhiều yếu tố như trải nghiệm trong quá khứ, tâm lí, văn hóa, giới tính, độ tuổi… Đánh giá đau sau điều trị trên bệnh nhân hậu phẫu đôi khi gặp một số khó khăn. Chẳng hạn, bệnh nhân có xu hướng khai giảm nhẹ triệu chứng để làm vui lòng bác sĩ [1].

Hiện nay, khi đánh giá cơn đau, thang điểm cường độ đau dạng số (Numberical rating score, NRS) từ 1–10, thang điểm cường độ đau dạng nhìn (Visual Analog Scale- VAS) và thang điểm khuôn mặt (Wong – Backer faces) vẫn được sử dụng rộng rãi. Dù bằng phương thức nào, cần hướng đến nhu cầu của từng bệnh nhân mà không dựa trên kết quả đánh giá đơn thuần để lựa chọn liệu pháp giảm đau [1, 17, 18]. Cần đánh giá thường xuyên trước và 45 phút sau khi điều trị để đánh giá hiệu quả giảm đau từ đó điều chỉnh thích hợp [23]. 

Hình 2. Thang đánh giá đau NRS với các mức độ từ 0 – 10

2.3. Giảm đau đa mô thức

Giảm đau đa mô thức (Multimodal Pain management, multimodal analgesia, MA) là phương pháp đang được áp dụng phổ biến nhất hiện nay. Đây là chiến lược giảm đau dựa trên nền tảng phối hợp đồng thời nhiều nhóm thuốc giảm đau với cơ chế khác nhau gồm các opioid NSAIDs và các thuốc khác (thuốc gây tê, các thuốc giảm đau thần kinh) [8].

Trước khi phẫu thuật, các bác sĩ cần khai thác bệnh nhân về bệnh nền đi kèm, thuốc dùng kèm, tiền sử dị ứng thuốc (đặc biệt là các NSAID, thuốc tê), lạm dụng hay lệ thuộc opioid và trải nghiệm của bệnh nhân với cơn đau sau mổ trong quá khứ (nếu có) để lên kế hoạch chăm sóc giảm nhẹ phù hợp sau mổ cho bệnh nhân [3]. Kế hoạch này cũng cần điều chỉnh trong trường hợp đáp ứng giảm đau không hiệu quả hoặc bệnh nhân gặp phản ứng có hại do thuốc [3].

Mục tiêu của giảm đau đa mô thức gồm:

-  Cải thiện triệu chứng đau cho bệnh nhân;

-  Cải thiện tỉ lệ bệnh tật và tử vong;

-  Giảm chi phí điều trị, xuất viện sớm;

-  Giảm việc lạm dụng các opioid trên lâm sàng [1, 8].

3.  Sử dụng thuốc trong giảm đau sau mổ

3.1. Khởi đầu opioid trong giảm đau sau mổ.

Không có khuyến cáo sử dụng opioid với mục đích dự phòng đau trước khi bệnh nhân phẫu thuật vì lợi ích không rõ rệt, cũng như góp phần giảm lạm dụng opioid [3]. Opioid được chỉ định cho tất cả các trường hợp đau sau mổ từ trung bình đến nặng. Nhưng cần lưu ý chống chỉ định trong các trường hợp: bệnh nhân từ chối, có tình trạng suy hô hấp, hạ thân nhiệt, bệnh nhân giảm khả năng giao tiếp hay bệnh nhân nghiện ma túy [1].

Không khuyến cáo các opioid tác dụng kéo dài trên những bệnh nhân đau cấp sau mổ [3].

3.2. Lựa chọn đường dùng và liều dùng.

Theo khuyến cáo của hiệp hội gây tê vùng và kiểm soát đau Hoa Kỳ (ASRA) 2016, nên ưu tiên các opioid đường uống so với đường tiêm tĩnh mạch (IV) trên những bệnh nhân có thể uống được [3]. Bên cạnh đó, giảm đau tự kiểm soát bằng đường tĩnh mạch (IV-PCA) cũng là phương pháp được khuyến cáo là phương pháp ưu tiên. Phương pháp này giúp bệnh nhân tránh được việc dùng quá liều opioid, đồng thời làm tăng sự hài lòng và hợp tác của bệnh nhân [3, 9]. PCA có lợi ích tốt cho những bệnh nhân cần dùng liều giảm đau sau mổ thời gian hơn vài giờ và có nhận thức đầy đủ có thể hiểu được cách tự dùng và tính an toàn của thiết bị này. Bệnh nhân từ 6 tuổi trở lên có nhận thức bình thường có thể tự điều chỉnh được IV-PCA sau khi được hướng dẫn [3]. 


Hình 3. Kỹ thuật IV-PCA. Nguồn: https://www.mskcc.org

Cần lưu ý tránh dùng đường tiêm bắp, và tiêm truyền liên tục cũng không được khuyến cáo đối với giảm đau sau mổ [3]. Hiện nay, các opioid như morphin, meperidin, fentanyl, hydromorphon đường tiêm tĩnh mạch (IV) được dùng phổ biến nhất trên lâm sàng gây mê hồi sức [1, 10]. Các chứng cứ cho thấy hiệu quả giảm đau sau mổ của fentanyl (IV-PCA) tốt hơn so với morphin và không có khác biệt về phản ứng có hại do thuốc sau phẫu thuật bụng [12].

Liều dùng cũng là yếu tố cần cân nhắc thận trọng. Tại Hoa Kỳ, số bệnh nhân tử vong do quá liều opioid năm 2015 tăng gấp 3 lần so với năm 2000 [13]. Do mức độ dung nạp khác nhau dẫn đến liều opioid tối ưu cho mỗi bệnh nhân là khác nhau, dẫn đến nhu cầu IV-PCA (nếu có thể). Liều cao mỗi ngày và thời gian sử dụng opioid kéo dài thúc đẩy hiện tượng dung nạp đối với thuốc [13]. Trong quá trình điều trị, các nhân viên y tế cần theo dõi chặt chẽ các tác dụng phụ thường gặp của opioid toàn thân (an thần, suy hô hấp và rối loạn khác) ngay từ những giờ đầu trị liệu cũng như trong quá trình hiệu chỉnh liều [3].  

Bảng 1. Liều opioid PCA tham khảo cho người lớn [1]

Thuốc

Liều tiêm (mg)

Thời gian khóa (phút)

Truyền TM (không khuyến cáo) mg/h

Morphin

1-3

10-20

0-1

Meperidin

10-15

5-15

0-20

Fentanyl

15-25

10-20

0-50

Hydromorphon

0,1-0,3

10-20

0-0,5


Lưu ý, khi sử dụng opioid, cơn đau thường không được loại bỏ hoàn toàn, nhưng sự khó chịu do cơn đau  gây ra có thuyên giảm. Bệnh nhân thường kể rằng mặc dù cơn đau của họ vẫn còn, nhưng nó không còn làm phiền họ nữa. Mặt khác, bệnh nhân cũng thường chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về các nguy cơ có thể gặp khi dùng opioid như phản ứng có hại và lệ thuộc thuốc [16].

3.3. Các phối hợp với opioid trong giảm đau đa mô thức (MA)

Các thuốc giảm đau non-opioid nên được chỉ định cùng với thuốc giảm đau opioid theo liệu pháp MA trên bệnh nhân không có chống chỉ định,  [3].

Việc phối hợp cùng với paracetamol, hoặc NSAID cho hiệu quả giảm đau tốt hơn, đồng thời giúp giảm liều opioid so với dùng opioid đơn độc [18]. Các chứng cứ cho thấy không có sự khác biệt rõ rệt về hiệu quả giữa đường uống và đường tiêm paracetamol (hoặc NSAID) trong phối hợp với opioid tiêm. Các NSAID dùng phổ biến như diclofenac, ibuprofen, ketoprofen, metamizol, celecoxib … được khuyến cáo cho bệnh nhân dùng trước phẫu thuật để dự phòng đau nếu bệnh nhân không có chống chỉ định [2, 3].

Tuy nhiên, khi phối hợp NSAID vào chế độ giảm đau, cần lưu ý đến các nguy cơ trên tiêu hóa và tim mạch của bệnh nhân. Các thuốc giảm đau NSAID làm tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa, biến cố tim mạch và thận trên bệnh nhân có nguy cơ cao. Chống chỉ định NSAIDs giảm đau sau mổ ở bệnh nhân phẫu thuật động mạch vành. Các chứng cứ cũng cho thấy trong trường hợp phẫu thuật đại tràng, sử dụng NSAID sau mổ có thể làm mở rộng lỗ rò [2, 3]. 

Hình 4. Vị trí tác động của các thuốc giảm đau trong
phối hợp giảm đau đa mô thức [18]

Tramadol (thuốc giảm đau bậc II) 50mg IV đơn trị hoặc phối hợp với opioid trong MA, trong các nghiên cứu gần đây, được chứng minh là an toàn và dung nạp tốt trên bệnh nhân sau phẫu thuật [22].

Nefopam được xem là bước ngoặt trong liệu pháp giảm đau đa mô thức. Nefopam tác động giảm đau theo nhiều cơ chế bao gồm ức chế tái thu hồi không chọn lọc các monoamin (serotonin, dopamin, norepinephrin) nên ức chế đường dẫn truyền ly tâm cảm giác đau [24]; đồng thời cũng làm giảm độ nhạy với kích thích gây đau của neuron trung ương [25]. Lợi ích của phối hợp nefopam trong giảm đau đa mô thức đã được chứng minh [26] và liều được khuyến cáo như sau: bắt đầu IV chậm 20mg/30 phút trong lúc mổ, ít nhất 1 giờ trước khi kết thúc phẫu thuật; tiếp tục dùng sau mổ với 80 đến 120 mg sau 24 giờ. Lưu ý rằng nefopam bị chống chỉ định trên bệnh nhân tiền sử co giật; bệnh nhân có nguy cơ bí tiểu; glôcôm góc hẹp; trẻ em dưới 15 tuổi [2].

Pregabalin (150-300mg) và gabapentin (600mg) cũng được khuyến cáo trong MA. Sử dụng tiền phẫu được khuyến cáo trên những bệnh nhân trải  qua phẫu thuật lớn, hoặc dung nạp opioid cao, tránh dùng liều cao opioid gây độc tính, bao gồm ức chế hô hấp nghiêm trọng [3, 14]. Mặt khác pregabalin tiền phẫu góp phần giảm căng thẳng và giảm thay đổi huyết động sau mổ [3, 21].

Ketamin (IV) trong MA được chứng minh giúp giảm nguy cơ đau kéo dài sau mổ và cũng hiệu quả trên bệnh nhân dung nạp opioid. Các trường hợp đau từ trung bình đến nặng, nên dùng ketamin liều thấp chu phẫu để ngừa tiến triển đến đau mạn tính sau mổ [23]. Liều  được khuyến cáo từ 0,15 – 2 mg/kg truyền nhanh khi rạch da hoặc khâu lại, hoặc truyền tốc độ 0,12 – 2mg/kg/h. Tuy nhiên, cần lưu ý về nguy cơ ảo giác và ác mộng do sử dụng ketamin [2, 3].

Lidocain truyền IV được khuyến cáo ở những bệnh nhân sau phẫu thuật nội soi vùng bụng không có chống chỉ định. Liều khuyến cáo gồm liều nạp 1,5mg/kg, nối tiếp bởi liều 2mg/kg/h trong khi phẫu thuật. Bằng chứng ủng hộ sử dụng lidocain sau mổ còn hạn chế [3]. Lưu ý, lidocain chống chỉ định trên bệnh nhân có rối loạn nhịp tim.

3.4.Giảm đau với gây tê cục bộ ngoài màng cứng (PCEA)

Gây tê ngoài màng cứng tự điều chỉnh (Patient-controlled epidural analgesia, PCEA) là phương pháp rất hiệu quả trong giảm đau sau mổ ở nhiều lĩnh vực. Các chứng cứ chứng minh phối hợp giữa thuốc gây tê tại chỗ cùng với opioid giúp cải thiện hiệu quả giảm đau sau mổ [3, 15]. 

Hình 5. Gây tê vùng ngoài màng cứng

Phương pháp PCEA có một số ưu điểm ngoài hiệu quả giảm đau cao, còn giúp cải thiện chức năng phổi, giảm biến chứng tim mạch, giúp bệnh nhân rút ngắn thời gian nằm viện , phục hồi sớm và giảm tử vong ở bệnh nhân ghép tạng. Tuy nhiên cần lưu ý rằng PCEA có một số tác dụng phụ: tụt huyết áp, rối loạn hô hấp tuần hoàn do liều gây tê cao, đặc biệt ở người cao tuổi, hoặc ức chế vận động ở người trẻ [1, 15].

PCEA chống chỉ định trên những bệnh nhân có rối loạn đông máu hoặc đang sử dụng thuốc kháng đông, giảm thể tích tuần hoàn và nhiễm trùng vết mổ. Mặt khác phương pháp này cũng không được chỉ định nếu bệnh nhân từ chối [1].

3.5. Dexamethason liều duy nhất trong giảm đau sau mổ

Dexamethason thường được chỉ định trên bệnh nhân hậu phẫu để cải thiện triệu chứng buồn nôn, nôn. Một nghiên cứu phân tích gộp trên 2500 bệnh nhân chỉ ra rằng liều 0,1mg/kg dexamethason có hiệu quả trong giảm đau giúp giảm liều opioid sử dụng [19]. Khả năng hỗ trợ giảm đau được chứng minh cùng với việc không thấy có sự khác biệt về thời gian lành vết thương, tỉ lệ nhiễm trùng khi sử dụng corticosteroid, đường huyết tuy có tăng nhẹ nhưng không có ý nghĩa về mặt lâm sàng [20].


Bảng 2. Liều tham khảo các thuốc trong phối hợp giảm đau mô thức [1]

Trường hợp

Trước phẫu thuật

Sau phẫu thuật

Phẫu thuật đau ít: PT cắt túi mật nội soi, PT cắt u xơ tử cung, PT tiết niệu nhỏ, PT mắt, PT cắt da qui đầu, PT thoát vị bẹn

Lựa chọn một:

-     Metamizol IV 2,5mg;

-     Paracetamol IV 1-2g;

-     Ketoprofen PO/IV 50-100mg;

-     Ibuprofen PO 200-400mg

-     Diclofenac PO 50-100mg

Gây tê vết mổ trước rạch da

-     Lidocain 1%, 10-20ml

-     Bupivacain 0,25-0,125%, 5-10ml

-     Metamizon 1-2,5g/6-12h và/hoặc paracetamol 1g/6h + 1 NSAID

-     Hậu phẫu ngày 1: thuốc giảm đau PO dùng liều ngắt quãng: Metamizon 500mg và/hoặc paracetamol 0,5-1g phối hợp với 1 trong các NSAID: Ketoprofen 50mg/6-8h; Diclofenac 50mg/8h; Ibuprofen 400mg/8h và Meloxicam 7,5-15mg/24h.



Trường hợp

Trước phẫu thuật

Trong phẫu thuật

Sau phẫu thuật

PT đau trung bình: PT nội soi khoang màng bụng, mổ cắt ruột thừa, cắt túi mật nội soi, PT vú, PT vùng chậu, PT cắt thận

Lựa chọn một

- Gabapentin 600mg
1 viên/uống 4h trước phẫu thuật

- Pregabalin 50-75 mg 1 viên/uống 1h trước phẫu thuật

Phối hợp cùng một:

- Lidocain 1,5mg/kg IV chậm trước khởi mê

- Ketamin 50mg bolus IV trước khởi mê

-              Lidocain 1,5-3 mg/kg/h

-              Tê thấm vết phúc mạc, vết mổ trước đóng bụng: bupivacain/ levobupivacain 2mg/kg
robivacain 3mg/kg

-              Lidocain 1,5-3 mg/kg/h

Tê thấm vết phúc mạc, vết mổ trước đóng bụng: bupivacain/ levobupivacain 2mg/kg
robivacain 3mg/kg

PT đau nhiều: các PT mổ mở

Lựa chọn một:

- Metamizol IV 2,5mg;

- Paracetamol IV 1-2g;

- Ketoprofen PO/IV 50-100mg;

- Uống:

- Ibuprofen 200-400mg

- Diclofenac 50-100mg

Phối hợp với:

- Lidocain 1,5mg/kg IV chậm trước gây mê

- Ketamin 50mg bolus trước gây mê

- Lidocain 1,5-3 mg/kg/h

- Tê thấm vết phúc mạc, vết mổ trước đóng bụng: bupivacain/ levobupivacain 2mg/kg
robivacain 3mg/kg

- Metamizon1-2,5g /6-12h và/hoặc paracetamol 1g/6h + 1 NSAID

- Paracetamol + opioid + NSAID

- Lidocain 0,5-1mg/kg/h

- PCA

- Giảm đau ngoài màng cứng liên tục với PCEA áp dụng đối với phẫu thuật theo chương trình


Bảng 3. Tóm tắt tác dụng phụ và chống chỉ định các thuốc trong phối hợp MA [2, 3]

Thuốc

Tác dụng phụ phổ biến

Chống chỉ định

Giảm đau tác động ở ngoại biên

Paracetamol

Hiếm gặp

Suy gan nặng

NSAIDs không chọn lọc (ibuprofen, ketoprofen, metamizol, diclofenac)

Rối loạn tiêu hóa

Xuất huyết tiêu hóa, xơ gan, suy tim, suy thận nặng, hen phế quản. Tránh dùng các NSAIDs có t1/2 dài trong đau cấp.

NSAIDs chọn lọc COX2 (celecoxib)

Rối loạn tiêu hóa, có thể gây tăng huyết áp và cơn nhồi máu cơ tim trên bệnh nhân có tiền sử

Xuất huyết, xơ gan, suy tim, suy thận, bệnh tim thiếu máu cục bộ, sau phẫu thuật mạch vành

Giảm đau tác động ở trung ương

Tramadol

Suy giảm hô hấp và táo bón

Động kinh chưa kiểm soát, suy gan, suy thận nặng, suy hô hấp, trẻ em dưới 15 tuổi

Nefopam

Khô miệng, buồn nôn, nôn. Nhịp tim nhanh, đánh trống ngực…

Tiền sử co giật; bệnh nhân có nguy cơ bí tiểu; glôcôm góc hẹp; trẻ em dưới 15 tuổi

Pregabalin, Gabapentin

Mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, nguy cơ viêm phổi, giảm bạch cầu…

Mẫn cảm với thuốc

Gây tê tại chỗ

Ketamin

Gây tăng huyết áp, nhịp tim, tăng trương lực cơ, các rối loạn về tâm thần (mê sảng, ác mộng, dễ kích thích, gặp ảo giác…)

Tăng huyết áp, bệnh tim nặng, tiền sử tai biến mạch máu não, sản giật hay tiền sản giật

Lidocain

Hạ huyết áp, nhức đầu, kèm theo các rối loạn dẫn truyền nhịp tim

Rối loạn nhịp tim, suy tim nặng

Bupivacain

Hạ huyết áp, chậm nhịp tim khi gây tê tủy sống

Rối loạn nhịp, sốc tim, không dùng bupivacain trong gây tê ngoài màng cứng và gây tê tủy sống người tụt huyết áp nặng

Glucocorticoid

Dexamethason

Các rối loạn điện giải, phù nề

Nhiễm nấm toàn thân


4. Kết luận

Giảm đau hậu phẫu là vấn đề quan trọng trong điều trị hồi sức, nhưng thường chưa được thực hiện hiệu quả trên thực hành lâm sàng. Các khuyến cáo hiện nay hướng về liệu pháp giảm đau đa mô thức, nhằm tăng hiệu quả cải thiện cơn đau cho bệnh nhân và giảm mức tiêu thụ thuốc giảm đau opioid trên thực hành. Trong liệu pháp này, giảm đau tự kiểm soát bằng đường tĩnh mạch (IV-PCA) vẫn được khuyến cáo ưu tiên, phối hợp cùng với các thuốc giảm đau nhẹ ngoại biên hoặc trung ương. Ngoài ra, tư vấn giáo dục bệnh nhân trước phẫu thuật về vấn đề đau hậu phẫu và việc sử dụng thuốc giảm đau cũng đóng vai trò quan trọng để giảm lo lắng và có hiệu quả điều trị tốt hơn. 

Đơn vị Dược lâm sàng – Thông tin thuốc – Khoa Dược

Tài liệu tham khảo

1.      Bệnh viện Chợ Rẫy. Phác đồ điều trị 2018 – Phần Ngoại Khoa. Nhà xuất bản Y học

2.      Bộ Y tế (2018), Dược thư Quốc gia Việt Nam

3.      Chou R, Gordon DB, Leon-Casasola OA et al. Management of Postoperative Pain. A Clinical Practice Guideline. J Pain. 2016 Feb;17(2):131-57.

4.      Kehlet H et al. Persistent postsurgical pain: risk factors and prevention. Lancet. 2006 May 13;367(9522):1618-25.

5.      Pogatski-Zahn EM, Segelcke D and Schug SA. Postoperative Pain – from mechanisms to treatment. Pain Rep. 2017 Mar; 2(2): e588.

6.      Gan TJ. Poorly controlled postoperative pain: prevalence, consequences, and prevention. Journal of Pain Research 2017:10 2287–2298

7.      NS910 Ingadóttir B, Zoëga S (2017) Role of patient education in postoperative pain management. Nursing Standard. 32, 2, 50-61.

8.      Backer JC, Joshi GP et al (2020). Basics and Best Practices of Multimodal Pain Management for the Plastic Surgeon. PRS Global Open 2020.

9.      Li M, Li L, Xu Y et al. Intravenous analgesics for pain management in postoperative patients: a comparative study of their efficacy and adverse effects. Tropical Journal of Pharmaceutical Research August 2016; 15 (8): 1799-1806

10.   Garimella V, Cellini C. Postoperative Pain Control. Clin Colon Rectal Surg. 2013 Sep; 26(3): 191–196.

11.   Phuong Hoang Vu , Duc Viet Tran, Yen Thi Le et al. Postoperative Pain Management among Registered Nurses in a Vietnamese Hospital. ScientificWorldJournal. 2020; 2020: 6829153.

12.   Niiyama Y, Matsuoka N et al. Efficacy of Intravenous Patient-Controlled Analgesia (IV-PCA) using Fentanyl Compared with IV-PCA Using Morphine after Abdominal Surgery: A Prospective Randomized Study. Anesth Clin Res 2016, 7:1

13.   Cooney MF, Broglio K. Acute Pain Management in Opioid-tolerant Individuals. The Journal for Nurse Practitioners – JNP, Volume 13, Issue 6, June 2017.

14.   Eipe P, Penning J (2011). Postoperative Respiratory Depression Associated with Pregabalin: A Case Series and a Preoperative Decision Algorithm. Pain Research & Management 16(5):353-356.

15.   Koh JC, Song Y, Kim SY et al. Postoperative pain and patient-controlled epidural analgesia-related adverse effects in young and elderly patients: a retrospective analysis of 2,435 patients. Journal of Pain Research 2017:10 897–904

16.   Nasir M, Ahmed A. Knowledge About Postoperative Pain and Its Management in Surgical Patients. Cureus 12(1): e6685.

17.   Gerbershagen HJ, Rothaug J, Kalkman CJ, Meissner W. Determination of moderate-to-severe postoperative pain on the numeric rating scale: a cut-off point analysis applying four different methods. British Journal of Anaesthesia 107 (4): 619–26 (2011)

18.   Reuben SS and Buvanendran A. The Role of Preventive Multimodal Analgesia and Impact on Patient Outcome. Cambridge University Press.

19.   Oliveira GSD, Almeida MD et al (2011). Perioperative Single Dose Systemic Dexamethasone for Postoperative Pain A Meta-analysis of Randomized Controlled Trials. Anesthesiology, V 115. No 3

20.   Moore SG. Intravenous Dexamethasone as an Analgesic: A Literature Review. AANA Journal December 2018 Vol. 86, No. 6

21.   Torres-González MI,  Manzano-Moreno FJ et al. Preoperative oral pregabalin for anxiety control: a systematic review. Clinical Oral Investigations volume 24, pages 2219–2228(2020).

22.   Minkowitz H, Leiman D, Lu L et al. IV Tramadol – A New Treatment Option for Management of Post-Operative Pain in the US: An Open-Label, Single-Arm, Safety Trial Including Various Types of Surgery. Journal of Pain Research 2020:13 1155–1162

23.   SFAR. Postoperative pain management in adults and children. Expert panel Guidelines 2009.

24.   Girard p. và cs., Nefopam analgesia and its role un multimodal analgesia: a review of preclinical and clinical studies, Clin Exp Pharmacol Physiol, 2016.

25.   Verleye, Nefopam blocks voltage-sensitive sodium channels and modulates glutamatergic transmission in rodents, brain research, 2004.

26.   Evans MS, Lysakowski C, Tramèr MR. Nefopam for the prevention of postoperative pain: quantitative systematic review. British Journal of Anaesthesia 2008; 101 (5): 610–617



Tin tức liên quan:
THÔNG BÁO - TIN TỨC CHUNG
Thông báo số 42 Về việc tuyển chọn bệnh nhi Chương trình phẫu thuật miễn phí “Thắp sáng nụ cười trẻ thơ” năm 2024
Quyết định số 139/QĐ-BVTĐHYDCT về việc Cập nhật Quy trình xử lý văn bản hành chính tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ
BẢN CÔNG BỐ Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng yêu cầu là cơ sở thực hành trong đào tạo khối ngành sức khoẻ.
Lựa chọn thực phẩm an toàn trong dịp Tết
Giấy giới thiệu về việc giới thiệu học viên Sau đại học thực hành tại Bệnh viện (BSNT Phụ sản)
Giấy giới thiệu về việc giới thiệu học viên Sau đại học thực hành tại Bệnh viện (Gây mê hồi sức)
Kế hoạch thực hành lâm sàng thực hành Y học đại cương - Học kỳ I năm học 2023-2024
ĐĂNG KÝ GIẢNG DẠY HỘI TRƯỜNG
HỘI THẢO KHOA HỌC “CẬP NHẬT NHỮNG ĐIỀU TRỊ MỚI TRONG THỰC HÀNH LÂM SÀNG CỦA CÁC BỆNH LÝ: TIM MẠCH - ĐÁI THÁO ĐƯỜNG”
Hội thảo “Điều trị các bệnh hô hấp giai đoạn giao mùa”
SỬ DỤNG KHÁNG SINH ĐIỀU TRỊ VIÊM PHỔI BỆNH VIỆN VÀ VIÊM PHỔI THỞ MÁY: CẬP NHẬT MỚI TỪ KHUYẾN CÁO HỘI HÔ HẤP & HỘI HỒI SỨC CHỐNG ĐỘC 2023
THUỐC ỨC CHẾ MIỄN DỊCH TRONG BỆNH PHỔI KẼ: MỘT SỐ LƯU Ý VỀ AN TOÀN THUỐC
Dinh dưỡng phẫu thuật cắt dạ dày
Xuống thang kháng sinh
FLUOROQUINOLON – CẢNH GIÁC VIỆC XUẤT HIỆN Ý ĐỊNH VÀ HÀNH VI TỰ SÁT TRÊN ĐỐI TƯỢNG NGUY CƠ
Về việc mời chào giá Mua vật tư y tế cho Khoa Răng Hàm Mặt
Thông báo số 364 Về việc thay đổi giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ
HỘI THẢO KHOA HỌC “CẢI THIỆN CHẤT LƯỢNG SỐNG VÀ TIÊN LƯỢNG SỐNG CHO BỆNH NHÂN TIM MẠCH VÀ BỆNH THẬN MẠN”
Hội thảo “Cập nhật các tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý tai giữa”
Thông báo 353 về việc tuyển dụng nhân viên hợp đồng
ASPxHyperLink
LIÊN KẾT
BỆNH VIỆN TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y DƯỢC CẦN THƠ
Địa chỉ: Số 179, Đường Nguyễn Văn Cừ, Phường An Khánh, Quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.
Liên hệ: 02923 899 444
Fax: 02923 740 221
Cấp cứu: 02923 894 123
Email: bvdhydcantho@ctump.edu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/bvdhydct
Website: http://bvdhydcantho.com
Tổng lượt truy cập: 2,069,977
THỜI GIAN KHÁM BỆNH NHƯ SAU:
- Thời gian lấy số thứ tự: 6h sáng các ngày làm việc trong tuần.
- Cấp cứu: 24/24 (kể cả ngày Lễ, Tết và Chủ nhật)
- Các ngày làm việc trong tuần: Từ Thứ Hai đến Thứ Sáu (hoặc theo thông báo)
- Tiếp nhận bệnh nhân:
Buổi sáng từ 6h45 - 10h45 | Buổi chiều từ 13h - 16h45
- Thời gian khám bệnh:
Buổi sáng từ 7h - 11h | Chiều từ 13h - 17h
BẢN ĐỒ ĐƯỜNG ĐI