Thuốc kháng Sars-Cov2: Từ cơ chế và chứng cứ đến thực hành lâm sàng
CHUYÊN MỤC: Dược lý - Dược lâm sàng
Đăng vào lúc [2021-08-18 15:08:55] Lượt xem: 3238 346
Tác giả: Chưa xác định
    Hiện nay, do chưa có thuốc kháng virut đặc hiệu cho SARS-CoV2 nên phương pháp điều trị chủ yếu hướng đến điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng, hạn chế các trường hợp tiến triển nguy kịch và tử vong. Công tác phòng bệnh bao gồm tiêm phòng vắc xin, sàng lọc để phát hiện sớm và cách ly ca bệnh được xem là chiến lược cốt lõi. Tuy nhiên, các thử nghiệm lâm sàng của các thuốc kháng virut, đặc biệt là remdesivir và molnupiravir, đang cung cấp những dữ liệu “đầy triển vọng” về khả năng điều trị căn bệnh toàn cầu này.

Virut Corona (Coronavirut, CoV) là một họ các virut có vật chất di truyền là RNA sợi đơn, lây truyền từ động vật sang người và gây bệnh với biểu hiện lâm sàng rất đa dạng từ không triệu chứng đến các tình trạng nặng, đe dọa tính mạng như Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS). Xuất phát từ thành phố Vũ Hán, đại dịch Viêm đường hô hấp cấp tính (COVID-19) tiếp tục lan rộng ra toàn cầu.

Hiện nay, do chưa có thuốc kháng virut đặc hiệu cho SARS-CoV2 nên phương pháp điều trị chủ yếu hướng đến điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng, hạn chế các trường hợp tiến triển nguy kịch và tử vong. Công tác phòng bệnh bao gồm tiêm phòng vắc xin, sàng lọc để phát hiện sớm và cách ly ca bệnh được xem là chiến lược cốt lõi. Tuy nhiên, các thử nghiệm lâm sàng của các thuốc kháng virut, đặc biệt là remdesivir molnupiravir, đang cung cấp những dữ liệu “đầy triển vọng” về khả năng điều trị căn bệnh toàn cầu này.


Hình 1. Cấu trúc SARS-CoV2

 1. Remdesivir

1.1.  Nguồn gốc, cấu trúc và đặc tính dược lý

Remdesivir (Veklury ®, Gilead Sciences) là một trong những thuốc kháng virut được nhiều nghiên cứu lâm sàng quan tâm trong điều trị nhiễm SARS-CoV2 từ đầu năm 2020 và hiện tại là thuốc duy nhất được cả FDA và EMA chấp thuận trong điều trị COVID-19.

Hình 2. Cấu trúc của remdesivir (dạng tiền dược)

Remdesivir là một thuốc kháng virut phổ rộng, được nghiên cứu ban đầu (pha I) nhằm mục đích điều trị virut EBOLA vào năm 2015. Tuy nhiên, sau đó khả năng kháng coronavirut của remdesivir được phát hiện và thuốc kháng virut này trở thành một trong những ứng viên tiềm năng trong kiểm soát đại dịch COVID-19.

Về mặt cơ chế, remdesivir là một tiền chất, dạng hoạt tính của thuốc này (remdesivir triphosphat, RTP) có tác dụng như một chất tương tự nucleosid: ức chế RNA polymerase của virut, can thiệp vào quá trình tổng hợp vật chất di truyền của virut, ngăn chặn virut nhân lên. Remdesivir thể hiện hoạt tính tốt đối với SARS-CoV2 trên in vitro, với tiềm lực EC50 là 0,77µM trên mô hình tế bào vero C6.

Hình 3. Cơ chế tác dụng của remdesivir ức chế sự nhân lên của virut

Về mặt đường dùng, remdesivir dùng theo đường tĩnh mạch do hiệu ứng vượt qua lần đầu khiến sinh khả dụng thuốc thấp. Thuốc có 2 dạng bào chế là dung dịch tiêm và bột đông khô để pha tiêm. Remdesivir dược dụng là dạng tiền chất, khi được tiêm vào cơ thể, thuốc chuyển hóa nhanh thành dạng remdesivir monophosphat (RMP) và remdesivir triphosphat (RTP) chủ yếu tại gan và thận. RTP là dạng có hoạt tính kháng virut.

Hình 4. Chuyển hóa của remdesivir từ tiền dược thành dạng hoạt tính

Bảng 1. Các thông số dược động học của remdesivir và các chất chuyển hóa

1.2.   Một số bằng chứng về lâm sàng

Một thử nghiệm RCT của Beigel và cộng sự (2020) với 1114 bệnh nhân trên 13 quốc gia cho thấy remdesivir vượt trội hơn so với giả dược trong việc rút ngắn thời gian hồi phục khoảng 5 ngày ở người lớn nhập viện do COVID-19 và có bằng chứng nhiễm trùng đường hô hấp dưới. Nghiên cứu này cũng cho thấy rằng lợi ích remdesivir mang lại lớn nhất ở nhóm có chỉ định thở oxy và gần như hạn chế ở nhóm bệnh nhân thở máy hay oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (ECMO). Ngoài ra, tỉ lệ tử vong ở ngày thứ 15 của nhóm dùng remdesivir và giả dược lần lượt là 6,7% và 11,9%; tỉ lệ này ở ngày thứ 29 lần lượt là 11,4% và 15,2%. Thử nghiệm lâm sàng của Garibaldi và cộng sự (2021) trên 2483 bệnh nhân cũng chứng minh kết quả tương tự: remdesivir giúp rút ngắn số ngày nằm viện và giảm tỉ lệ tử vong so với nhóm chứng.  

Hình 5. Tỉ lệ hồi phục của tất cả bệnh nhân COVID19 nhập viện

Trái: tất cả bệnh nhân; giữa: nhóm chỉ định thở oxy, phải: nhóm ECMO

Hiện nay, hiệu quả của remdesivir trong điều trị COVID-19 vẫn còn là vấn đề tranh cãi do các dữ liệu chưa đồng nhất. Theo một tổng quan hệ thống với 4 thử nghiệm lâm sàng trên 7334 bệnh nhân thực hiện bởi Alabdouh và cộng sự, bệnh nhân được dùng remdesivir có nhiều khả năng phục hồi hơn và có liên quan đến tỷ lệ xuất viện cao hơn, nhưng không làm giảm đáng kể thời gian cải thiện lâm sàng hoặc tỷ lệ tử vong trung bình. Bên cạnh đó, một tổng kết khác từ 5 thử nghiệm lâm sàng với 13544 bệnh nhân cho thấy rằng remdesivir giúp cải thiện kết quả lâm sàng đáng kể ở bệnh nhân nhập viện và có thể rút ngắn phác đồ từ 10 ngày xuống còn 5 ngày cho quá trình điều trị. Kết quả này tương đối đồng nhất với tổng quan hệ thống của Rezagholizadeh và cộng sự.

Đối với các đối tượng đặc biệt, dữ liệu lâm sàng còn có phần hạn chế. Các nghiên cứu quan sát, báo cáo ca cho thấy sử dụng remdesivir cho phụ nữ mang thai mắc COVID-19 từ trung bình đến nặng cho thấy không có tác dụng phụ trong thời gian nhập viện, cải thiện về mặt lâm sàng và hồi phục nhanh trong thời gian nhập viện. Những dữ liệu rất hạn chế hiện nay cho thấy rằng remdesivir được dung nạp tốt trong giai đoạn sau 3 tháng giữa / 3 tháng cuối của thai kỳ với ít nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ nghiêm trọng. Tuy nhiên các nghiên cứu sâu hơn và thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng (RCT) là cần thiết để đánh giá an toàn của thuốc cho phụ nữ mang thai.

1.3.  Sự chấp thuận remdesivir trên thế giới và tại Việt Nam

Ngày 22/10/2020, remdesivir được FDA chấp thuận trong điều trị COVID-19 tại bệnh viện ở bệnh nhân trưởng thành và trẻ em trên 12 tuổi với cân nặng không dưới 40kg. Thuốc kháng virut này cũng là thuốc điều trị COVID-19 được chấp thuận đầu tiên ở châu Âu. Cục Quản lý dược phẩm Châu Âu (EMA) đã khuyến nghị cấp giấy phép lưu hành có điều kiện cho Veklury ® (một sản phẩm chứa remdesivir) để điều trị COVID-19 ở người lớn và thanh thiếu niên từ 12 tuổi bị viêm phổi có chỉ định bổ sung oxy.

Theo hướng dẫn điều trị COVID-19 hiện hành của Hiệp hội các bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ (IDSA), remdesivir được khuyến cáo chỉ định cho những bệnh nhân COVID-19 nặng điều trị tại bệnh viện, có SpO2 ≤ 94% trong điều kiện thông khí bình thường. Đối với những bệnh nhân thở máy hoặc điều trị ECMO, không nên chỉ định thường quy remdesivir. Việc điều trị remdesivir với phác đồ 5 ngày được khuyến cáo thay cho phác đồ 10 ngày.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã có công văn hướng dẫn tạm thời việc sử dụng remdesivir trong các cơ sở y tế ngày 12/8/2021. Theo đó, thuốc được chỉ định cho người bệnh COVID-19 điều trị nội trú tại bệnh viện có suy hô hấp phải thở oxy, thở HFNC, hoặc thở máy không xâm nhập (không ECMO).

1.4.  Hướng dẫn tạm thời trong sử dụng remdesivir tại Việt Nam

1.4.1. Đối tượng chỉ định

-  Bệnh nhân COVID điều trị nội trú có suy hô hấp phải thở oxy hoặc liệu pháp oxy dung lượng cao qua ống thông mũi (HFNC);

-  Ưu tiên cho nhóm nguy cơ cao: trên 65 tuổi, người có bệnh nền, béo phì (BMI > 25);

-  Thời điểm dùng thuốc: trong vòng 10 ngày đầu từ khi khởi phát bệnh;

-   Không bắt đầu sử dụng remdesivir cho bệnh nhân cần thở máy xâm nhập, ECMO.

1.4.2. Chống chỉ định

-   Quá mẫn với bất kì thành phần nào của thuốc;

-   Suy chức năng thận eGFR < 30 ml/phút;

-   Tăng enzym gan ALT > 5 lần giá trị giới hạn trên;

-   Suy chức năng đa cơ quan nặng.

1.4.3. Thận trọng

-  Phụ nữ có thai, cho con bú: chưa đủ dữ liệu về tính an toàn;

- Người suy giảm chức năng thận: chưa có dữ liệu đánh giá. Không dùng cho người có eGFR < 30 ml/phút, trường hợp suy thận eGFR > 30 ml/phút không cần hiệu chỉnh liều;

-  Xét nghiệm enzym gan ALT và thời gian prothrombin trước khi chỉ định;

-  Không truyền remdesivir cùng lúc với thuốc khác.

1.4.4. Liều dùng và cách dùng 

Bảng 2. Liều dùng và cách dùng của remdesivir

 

Người lớn và trẻ em > 12 tuổi, cân nặng 40kg hoặc trẻ < 12 tuổi nhưng cân nặng ≥ 40kg

Trẻ em < 12 tuổi,
cân nặng 3,5 đến 40kg

Liều dùng

 

 

Ngày đầu tiên

Liều 200mg truyền 30-120 phút

Liều 5mg/kg IV/20-30 phút

Những ngày sau

Liều 100mg IV từ 2-5 ngày

Liều 2,5mg/kg IV từ 2-5 ngày

Sau 5 ngày chưa đáp ứng

Duy trì tiếp đến ngày thứ 10

Duy trì tiếp đến ngày thứ 10

Cách dùng

Lấy 19ml nước cất pha vào lọ thuốc remdesivir 100mg để được 20ml thuốc sau đó pha với 230ml NaCl 0,9% truyền 30 – 120 phút

Lấy 19ml nước cất pha vào lọ thuốc remdesivir 100mg để được 20ml thuốc, lấy số lượng thuốc đã pha tính theo cân nặng pha với NaCl 0,9% để được nồng độ remdesivir 1,25mg/ml, truyền tĩnh mạch 30 – 120 phút.

Ghi chú: thuốc nếu dùng nên phối hợp với dexamethason

1.4.5. Tác dụng không mong muốn

-   Các phản ứng do quá mẫn: tụt huyết áp, buồn nôn, nôn, chảy mồ hôi;

-   Có thể gây chậm nhịp xoang;

-  Tăng enzym gan: ALT có thể tăng gấp >10 lần so với trước khi sử dụng, có thể đi kèm với tổn thương gan về mặt lâm sàng;

-   Thời gian prothrombin kéo dài.

1.4.6. Tương tác thuốc

Remdesivir là chất nền của CYP3A4, CYP2D6 và CYP2C8, những enzym nào có vai trò trong việc chuyển thuốc từ dạng tiền chất thành dạng có hoạt tính (RTP). Vì vậy khi sử dụng remdesivir đồng thời với thuốc ức chế các enzym trên, nồng độ RTP trong máu có thể thấp hơn so với ước tính và không đảm bảo hiệu quả lâm sàng. Ngược lại khi sử dụng đồng thời với chất cảm ứng, nồng độ RTP có nguy cơ cao hơn gây độc tính. Tuy nhiên do remdesivir vốn chuyển hóa rất nhanh nên mức độ ảnh hưởng của các tương tác này là không đáng kể. 

2. Molnupiravir

2.1. Nguồn gốc, cấu trúc và đặc tính dược lý

Molnupiravir (EIDD2801/Movfor) cũng là một thuốc kháng virut phổ rộng, được nghiên cứu ban đầu nhằm chống lại các alphavirut trong điều trị cúm mùa. Ở giai đoạn bắt đầu bùng nổ COVID-19, molnupiravir dần chứng minh được triển vọng dùng như một “cứu cánh” của đại dịch này, đặc biệt nổi trội với khả năng dùng theo đường uống và quá trình tổng hợp hóa dược từ citidine cũng đơn giản hơn. Hiện nay, thuốc đã đi vào giai đoạn III trong thử nghiệm lâm sàng tại nhiều quốc gia. 


Hình 6. Cấu trúc molnupiravir (EIDD-2801) và dạng hoạt động NHC (EIDD-1931)

Trong các thử nghiệm invitro, molnupiravir có hoạt tính kháng virut phổ rộng chống lại nhiều loại virut, bao gồm SARS-CoV, MERS-CoV (chuột đồng) và SARS-CoV-2 (chồn hương), với hầu hết các tiềm lực EC50 dưới 1mM. Khác với remdesivir, molnupiravir thể hiện ức chế quá trình nhân lên của virut tương tự nhưng thông qua việc làm tăng tần số đột biến trong cách trình tự ribonucleotid của virut trong các thử nghiệm invitro ở động vật và người. Dạng hoạt động của molnupiravir là β-D-N4-hydroxycytidine (NHC) triphosphat. NHC đóng vai trò như enzym thay cho cytidin triphosphat hay uridin triphosphat trong quá trình tổng hợp mRNA mới, kết quả là RNA đột biến được tạo thành (hình 7).

Hình 7. Cơ chế gây đột biến trên trình tự ribonucleotid của molnupiravir

Về đặc tính dược động học, thuốc hấp thu tốt qua đường uống và ít bị ảnh hưởng bởi thức ăn. Thuốc đạt nhanh nồng độ tối đa trong máu và có thời gian bán thải ngắn, do đó được dùng với chế độ liều nhiều lần trong một ngày.


Bảng 3. Một số thông số dược động qua khảo sát molnupiravir ở một số liều

 

Liều 200mg

Liều 800mg

Cmax (ng/ml)

766

2770

Tmax (h)

1,5

1,75

t1/2 (h)

0,96

1,18

AUC (h.ng/ml)

1660

8190







2.2. Một số bằng chứng về lâm sàng

Quá trình thử nghiệm lâm sàng của molnupiravir được thực hiện hoàn thành qua pha I ở người khỏe mạnh tình nguyện, pha II trên số ít bệnh nhân COVID-19 bởi Merck /MSD và đang đi vào pha III trên số lượng bệnh nhân lớn hơn. So với remdesivir, molnupiravir có phần ít dữ liệu lâm sàng về hiệu quả và tính an toàn hơn. Tuy nhiên, các bằng chứng hiện tại cho thấy molnupiravir là thuốc kháng virut đường uống, tác dụng trực tiếp đầu tiên có hiệu quả cao trong việc giảm sự lây nhiễm SARS-CoV-2 ở mũi họng và ức chế RNA của virut, đồng thời có tính an toàn và dung nạp tốt.

Pha II của thử nghiệm lâm sàng thực hiện tại Mỹ trên 74 bệnh nhân COVID-19 điều trị ngoại trú, có các biểu hiện sốt có hoặc không suy hô hấp (thử nghiệm MOVe-OUT). Sau 5 ngày, kết quả 6/25 bệnh nhân dùng placebo có kết quả dương tính trong khi tất cả bệnh nhân dùng molnupiravir đã có kết quả âm tính (hay 0/49 dương tính). Tuy nhiên đối với bệnh nhân nhập viện, nghiên cứu MOVe-IN không chỉ ra được lợi ích lâm sàng trên bệnh nhân nhập viện nên đã dừng thử nghiệm pha III trên nhóm này.

Dữ liệu về tính an toàn ở thời điểm hiện tại (8/2021) cho thấy molnupiravir có tính dung nạp tốt. Dưới 50% bệnh nhân sử dụng gặp tác dụng phụ do thuốc, trong đó 93,3% là các ADR ở mức độ nhẹ như đau đầu, đau lưng, buồn nôn, tiêu chảy… Tuy nhiên do cỡ mẫu hạn chế nên cần dữ liệu sâu hơn về tính an toàn, đặc biệt là độ an toàn trên các đối tượng đặc biệt như phụ nữ mang thai, cho con bú, trẻ em, người có chức năng gan, thận suy giảm…

Giai đoạn pha III của thử nghiệm về hiệu quả, tính an toàn của molnupiravir đang được tiến hành trên đối tượng bệnh nhân ngoại trú ở Ấn Độ. Những bệnh nhân ngoại trú có thời gian triệu chứng từ 5 ngày trở xuống và ít nhất 1 yếu tố nguy cơ tiến triển thành bệnh nặng được đưa vào thử nghiệm này, và được dùng liều 800mg mỗi 12 giờ. Thử nghiệm được thực hiện từ cuối tháng 4, đầu tháng 5 năm 2021 và dự kiến sẽ có dữ liệu nghiên cứu vào tháng 9/tháng 10 năm 2021. Theo MSD, việc đệ trình giấy phép sử dụng khẩn cấp cho molnupiravir sẽ được thực hiện sớm nhất có thể sẽ là vào nửa cuối năm 2021.

2.3. Triển vọng tại Việt Nam

Ngày 14/8, Bộ Y tế cho biết, từ ngày 16/8, chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát các F0 tại nhà sẽ được triển khai tại thành phố Hồ Chí Minh. Bệnh nhân được cung cấp thuốc và chăm sóc dinh dưỡng, thể chất, tinh thần bởi đội ngũ y tế (bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, kĩ thuật viên xét nghiệm). Trong đó, thuốc triển vọng sẽ được sử dụng trong chương trình là Molnupiravir.

3. Một số thuốc kháng virut khác trong điều trị COVID-19

3.1. Favipiravir

Favipiravir là một thuốc kháng virut phổ rộng có cơ chế ức chế sự nhân lên của virut do gây tăng tần số đột biến tương tự như molnupiravir. Thuốc cũng được tổng hợp ở dạng tiền dược, chuyển hóa thành dạng có hoạt tính là ribofuranosyl-59-triphosphat khi vào cơ thể, tiềm lực EC50 của favipiravir với SARS-CoV2 trên invitro dao động từ 60 đến >100mM. Với các bằng chứng hiện tại, việc sử dụng favipiravir còn cần nhiều cân nhắc do kết quả khác biệt giữa các báo cáo tổng quan hệ thống các thử nghiệm lâm sàng RCT. Cải thiện về lâm sàng và vi sinh được thấy ở nhiều báo cáo, song hiệu quả giảm tử vong và giảm thở máy trên bệnh nhân, đặc biệt ở nhóm nhẹ - trung bình chưa rõ ràng. Về tính an toàn, các dữ liệu hạn chế cho thấy thuốc có thể dung nạp và an toàn khi sử dụng ngắn hạn, song vẫn còn nhiều lo ngại về nguy cơ ảnh hưởng trong thai kì, tăng acid uric máu và kéo dài QT trên điện tâm đồ gây loạn nhịp tim.

3.2. Sofosbuvir/daclatasvir

Sofosbuvir là một thuốc kháng virut được FDA chấp thuận trong điều trị virut viêm gan C. Hoạt tính kháng SARS-CoV2 trên invitro của thuốc được phát hiện nhưng cơ chế chưa giải thích được. Một phân tích gộp cho thấy tỉ lệ hồi phục ở ngày thứ 14 ở nhóm bệnh nhân dùng sofosbuvir-daclatasvir cao hơn ở nhóm chỉ được chăm sóc tiêu chuẩn.


Kết luận: Các thuốc kháng virut hiện tại (như remdesivir và molnupiravir) tuy không phải là giải pháp đặc hiệu dành cho SARS-CoV2 nhưng với triển vọng thấy được từ các thử nghiệm lâm sàng, thuốc có thể có ý nghĩa quan trọng đối với những bệnh nhân ở mức độ trung bình có yếu tố nguy cơ trở nặng trong việc giảm tỉ lệ tử vong và làm giảm gánh nặng điều trị ở các cơ sở y tế trong điều kiện hạn chế về nguồn lực và trang thiết bị hiện nay.

 

Đơn vị Dược lâm sàng – Thông tin thuốc – Khoa Dược

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Y tế, Quyết định số 3416/QĐ-BYT về Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 do chủng virut Corona mới (SARS-CoV-2) ban hành ngày 14/7/2021.

2. Bộ Y tế, công văn số 6573/BYT-KCB về việc hướng dẫn triển khai sử dụng thuốc điều trị COVID-19 do Vingroup hỗ trợ ngày 12/8/2021

3. Lamb YN. Remdesivir: First Approval. Drugs. 2020;80(13):1355-1363.

4. Kokic, G., Hillen, H.S., Tegunov, D. et al (2021). Mechanism of SARS-CoV-2 polymerase stalling by remdesivir. Nat Commun 12, 279.

5.  Malin JJ et al (2020). Remdesivir against COVID-19 and Other Viral Disease. ASM Journals. Clinical Microbiology Reviews. Vol. 34, No. 1

6. Humeniuk, R., Mathias, A., Kirby, B.J. et al. Pharmacokinetic, Pharmacodynamic, and Drug-Interaction Profile of Remdesivir, a SARS-CoV-2 Replication Inhibitor. Clin Pharmacokinet 60, 569–583 (2021). 

7. Hu, Wj., Chang, L., Yang, Y. et al. Pharmacokinetics and tissue distribution of remdesivir and its metabolites nucleotide monophosphate, nucleotide triphosphate, and nucleoside in mice. Acta Pharmacol Sin 42, 1195–1200 (2021).

8. Beigel JH, Tomashek KM, Dodd LE et al (2020). Remdesivir for the Treatment of Covid-19 - Final Report. N Engl J Med. 2020 Nov 5;383(19):1813-1826.

9. Garibaldi BT, Wang K, Robinson ML, et al. Comparison of Time to Clinical Improvement With vs Without Remdesivir Treatment in Hospitalized Patients With COVID-19. JAMA Netw Open. 2021;4(3):e213071.

10. Alabdouh A et al (2021), Remdesivir for the treatment of COVID-19: A systematic review and meta-analysis of randomized controlled trials.

11. Chih-Cheng Lai, Chao-Hsien Chen, Cheng-Yi Wang, Kuang-Hung Chen, Ya-Hui Wang, Po-Ren Hsueh, Clinical efficacy and safety of remdesivir in patients with COVID-19: a systematic review and network meta-analysis of randomized controlled trials, Journal of Antimicrobial Chemotherapy, Volume 76, Issue 8, August 2021, Pages 1962–1968.

12. Rezagholizadeh A, Khiali S, Sarbakhsh P, Entezari-Maleki T. Remdesivir for treatment of COVID-19; an updated systematic review and meta-analysis. Eur J Pharmacol. 2021 Apr 15;897:173926. 

13. Saroyo YB, Rumondang A, Febriana IS, Harzif AK, Irwinda R. Remdesivir Treatment for COVID 19 in Pregnant Patients with Moderate to Severe Symptoms: Serial Case Report. Infect Dis Rep. 2021;13(2):437-443.

14. Lampejo T. Remdesivir for the treatment of COVID-19 in pregnancy. J Med Virol. 2021;93(7):4114-4119.

15. Gandhi Z, Mansuri Z, Bansod S. Potential Interactions of Remdesivir with Pulmonary Drugs: a Covid-19 Perspective. SN Compr Clin Med. 2020;1-2.

16. Bhimraj A et al (2020), Infectious Diseases Society of America Guidelines on the Treatment and Management of Patients with COVID-19

17. Painter GR, Natchus MG, Cohen O, Holman W, Painter WP. Developing a direct acting, orally available antiviral agent in a pandemic: the evolution of molnupiravir as a potential treatment for COVID-19. Curr Opin Virol. 2021 Jun 18;50:17-22. 

18. Ahlqvist GP, McGeough CP, Senanayake C, Armstrong JD, Yadaw A, Roy S, Ahmad S, Snead DR, Jamison TF. Progress Toward a Large-Scale Synthesis of Molnupiravir (MK-4482, EIDD-2801) from Cytidine. ACS Omega. 2021 Apr 8;6(15):10396-10402.

19. Kabinger, F., Stiller, C., Schmitzová, J. et al. Mechanism of molnupiravir-induced SARS-CoV-2 mutagenesis. Nat Struct Mol Biol (2021). 

20. Gordon CJ, Tchesnokov EP et al (2021). Molnupiravir promotes SARS-CoV-2 mutagenesis via the RNA template. J. Biol. Chem. (2021) 297(1) 100770.

21. Tao K, Tzou PL et al (2021). SARS-CoV2 Antiviral therapy. Clinical Microbiology Reviews. Volume 34 Issue 4 e00109-21.

22. Painter WP, Holman W, Bush JA, Almazedi F, Malik H, Eraut NCJE, Morin MJ, Szewczyk LJ, Painter GR. Human Safety, Tolerability, and Pharmacokinetics of Molnupiravir, a Novel Broad-Spectrum Oral Antiviral Agent with Activity Against SARS-CoV-2. Antimicrob Agents Chemother. 2021 Mar 1;65(5):e02428-20. 

23. Fischer W, Eron JJ, Holman W et al (2021). Molnupiravir, an Oral Antiviral Treatment for COVID-19. medRxiv 2021 Jun 17:2021

24. Hassanipour S, Arab-Zozani M, Amani B, Heidarzad F, Fathalipour M, Martinez-de-Hoyo R. The efficacy and safety of Favipiravir in treatment of COVID-19: a systematic review and meta-analysis of clinical trials. Sci Rep. 2021 May 26;11(1):11022.

25. Manabe, T., Kambayashi, D., Akatsu, H. et al. Favipiravir for the treatment of patients with COVID-19: a systematic review and meta-analysis. BMC Infect Dis 21, 489 (2021).

26. Özlüşen, B., Kozan, Ş., Akcan, R.E. et al. Effectiveness of favipiravir in COVID-19: a live systematic review. Eur J Clin Microbiol Infect Dis (2021). 

27. Chan HT, Chao CM, Lai CC. Sofosbuvir/daclatasvir in the treatment of COVID-19 infection: A meta-analysis. J Infect. 2021;82(4):e34-e35

28. Şimşek Yavuz S, Ünal S. Antiviral treatment of COVID-19. Turk J Med Sci. 2020 Apr 21;50(SI-1):611-619. 

29. https://ncov.moh.gov.vn/vi/web/guest/-/6847426-6842

30. https://www.accessdata.fda.gov/drugsatfda_docs/label/2020/214787Orig1s000lbl

Link file pdf:

https://drive.google.com/file/d/1f8ogdSW9juRxL8S_l9UYD89OqRgoVVs8/view?usp=sharing

 



Tin tức liên quan:
THÔNG BÁO - TIN TỨC CHUNG
Thông báo số 64 Nghỉ Lễ Giỗ tổ Hùng Vương năm 2024
Thông báo số 42 Về việc tuyển chọn bệnh nhi Chương trình phẫu thuật miễn phí “Thắp sáng nụ cười trẻ thơ” năm 2024
Quyết định số 139/QĐ-BVTĐHYDCT về việc Cập nhật Quy trình xử lý văn bản hành chính tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ
BẢN CÔNG BỐ Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng yêu cầu là cơ sở thực hành trong đào tạo khối ngành sức khoẻ.
Lựa chọn thực phẩm an toàn trong dịp Tết
Giấy giới thiệu về việc giới thiệu học viên Sau đại học thực hành tại Bệnh viện (BSNT Phụ sản)
Giấy giới thiệu về việc giới thiệu học viên Sau đại học thực hành tại Bệnh viện (Gây mê hồi sức)
Kế hoạch thực hành lâm sàng thực hành Y học đại cương - Học kỳ I năm học 2023-2024
ĐĂNG KÝ GIẢNG DẠY HỘI TRƯỜNG
HỘI THẢO KHOA HỌC “CẬP NHẬT NHỮNG ĐIỀU TRỊ MỚI TRONG THỰC HÀNH LÂM SÀNG CỦA CÁC BỆNH LÝ: TIM MẠCH - ĐÁI THÁO ĐƯỜNG”
Hội thảo “Điều trị các bệnh hô hấp giai đoạn giao mùa”
SỬ DỤNG KHÁNG SINH ĐIỀU TRỊ VIÊM PHỔI BỆNH VIỆN VÀ VIÊM PHỔI THỞ MÁY: CẬP NHẬT MỚI TỪ KHUYẾN CÁO HỘI HÔ HẤP & HỘI HỒI SỨC CHỐNG ĐỘC 2023
THUỐC ỨC CHẾ MIỄN DỊCH TRONG BỆNH PHỔI KẼ: MỘT SỐ LƯU Ý VỀ AN TOÀN THUỐC
Dinh dưỡng phẫu thuật cắt dạ dày
Xuống thang kháng sinh
FLUOROQUINOLON – CẢNH GIÁC VIỆC XUẤT HIỆN Ý ĐỊNH VÀ HÀNH VI TỰ SÁT TRÊN ĐỐI TƯỢNG NGUY CƠ
Về việc mời chào giá Mua vật tư y tế cho Khoa Răng Hàm Mặt
Thông báo số 364 Về việc thay đổi giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ
HỘI THẢO KHOA HỌC “CẢI THIỆN CHẤT LƯỢNG SỐNG VÀ TIÊN LƯỢNG SỐNG CHO BỆNH NHÂN TIM MẠCH VÀ BỆNH THẬN MẠN”
Hội thảo “Cập nhật các tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý tai giữa”
ASPxHyperLink
LIÊN KẾT
BỆNH VIỆN TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y DƯỢC CẦN THƠ
Địa chỉ: Số 179, Đường Nguyễn Văn Cừ, Phường An Khánh, Quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.
Liên hệ: 02923 899 444
Fax: 02923 740 221
Cấp cứu: 02923 894 123
Email: bvdhydcantho@ctump.edu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/bvdhydct
Website: http://bvdhydcantho.com
Tổng lượt truy cập: 2,088,547
THỜI GIAN KHÁM BỆNH NHƯ SAU:
- Thời gian lấy số thứ tự: 6h sáng các ngày làm việc trong tuần.
- Cấp cứu: 24/24 (kể cả ngày Lễ, Tết và Chủ nhật)
- Các ngày làm việc trong tuần: Từ Thứ Hai đến Thứ Sáu (hoặc theo thông báo)
- Tiếp nhận bệnh nhân:
Buổi sáng từ 6h45 - 10h45 | Buổi chiều từ 13h - 16h45
- Thời gian khám bệnh:
Buổi sáng từ 7h - 11h | Chiều từ 13h - 17h
BẢN ĐỒ ĐƯỜNG ĐI